Thanh Hóa: 'Chòng chành' những chuyến đò tìm con chữ

Hành trình tìm con chữ của những học sinh vùng cao phải vượt qua bao khó khăn, thậm chí nguy cơ đe dọa tới tính mạng luôn cận kề, nhất là mùa mưa lũ khi các em vượt sông đến trường bằng những chuyến đò 'chòng chành' giữa bao nỗi lo của cha mẹ, người thân...

Học sinh các xã huyện Ngọc Lặc đi bè mảng đến trường.Ảnh: N.Hưng

Nguy hiểm luôn cận kề

Bản Vui (xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) là vùng quê nằm ở huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Do bị chia cắt bởi con sông Mã hùng vĩ nên người dân phải góp tiền mua một chiếc đò để hàng ngày qua con sông này. Vì không thu tiền nên mỗi một hộ gia đình sẽ trực để đưa đò 3 ngày. Cứ như vậy cả bản làng sẽ quay vòng, thay phiên nhau đưa đò. Chính vì lẽ đó mà kinh nghiệm lái đò, hiểu về nguồn nước đối với một số hộ dường như là không có, chưa kể đến những hôm người già trực, sức yếu tay mềm nên rất nguy hiểm.

Hiện bản Vui có 58 học sinh. Hàng ngày, từ sáng sớm, bên bờ sông đã thấp thoáng bóng học sinh chờ đò. Không áo phao, nhiều em nhỏ cũng không biết bơi, cứ thế sang sông phó mặc hoàn toàn cho người lái đò và dòng sông. Có lẽ đi nhiều thành thói quen, các em nhỏ cũng không còn ai tỏ ra sợ sệt khi con đò lắc lư, chòng chành theo con nước. Vào mùa nước cạn, con sông hiền hòa, việc đi học của các em còn đều đặn. Nhưng khi mùa mưa lũ đến, dòng sông Mã bỗng trở nên hung tàn, dữ dội, con đò nhỏ không đủ sức để vượt dòng nước lũ

Anh Hà Văn Át (SN 1984, trú tại bản Vui) chia sẻ: “Vất vả lắm các chú ạ, nhưng biết làm sao được, đời chúng tôi không được học hành nên mới nghèo đói, nay bằng giá nào cũng phải cho con đến trường. Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền quan tâm, xây dựng được cái cầu để con cháu đi học đỡ nguy hiểm hơn. Những đoạn đường các cháu đến trường đã gặp không ít hiểm nguy, nhưng khó khăn hơn cả có lẽ là lúc đặt chân lên thuyền. Lúc đấy tính mạng các cháu đều giao phó cho người lái đò và sự lành dữ của dòng sông”.

Vào mùa mưa bão, cũng không ai đủ can đảm chèo đò qua sông vào những thời điểm ấy, bởi dân làng đã chứng kiến biết bao sinh mạng bị dòng nước cuốn trôi. Cho nên, các em bị gián đoạn và ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập.

Không chỉ gian nan lúc qua sông, học trò bản Vui còn phải trèo đèo, băng rừng vượt núi hơn 10km để đến lớp. Để đến được trường, các em phải vượt hơn 9km đường đồi núi và 200m qua sông. Những ngày trời nắng còn đỡ, nhưng chỉ cần vài hạt mưa xuống, đường trở nên lầy lội, khó đi, chỉ cần xảy chân một chút có thể rơi xuống vực.

Con đường đến trường đầy gian nan

Em Hà Nhật Long (học sinh lớp 6) kể, mỗi ngày, em phải dậy từ lúc trời còn chưa kịp sáng. Ăn vội bát cơm nguội, em nhanh chân chạy ra bến đò nơi có các bạn đang đợi để cùng nhau đến trường. Những ngày trời nắng còn đỡ, khi trời mưa xuống, con đường trở nên lầy lội, trơn tuột. “Những hôm trời mưa, khi đến trường là quần áo chúng em đã lấm lem bùn đất vì trơn trượt, có lần bạn em còn bị ngã gãy cả tay. Mệt thì có mệt nhưng chúng em vẫn thích đi học. Ước mơ của em là học thật giỏi để sau này làm bác sĩ”, Long nói.

Chia sẻ về những khó khăn của bà con bản Vui, ông Phạm Quang Hạt - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: “Xã Thanh Xuân có 2 bản phải qua đò, trong đó bản Vui là khó khăn nhất, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần lên cấp trên xin kinh phí xây cầu nhưng vẫn chưa được. Vẫn biết các em nhỏ đi học vất vả, chính quyền cũng đã vận động các hộ gia đình ở trung tâm xã tạo điều kiện cho các em trú lại những ngày mưa to gió lớn, để không xảy ra tình trạng đáng tiếc”.

Tương tự học sinh bản Vui, tại các xã Phùng Minh, Phùng Giáo, Vân Am của huyện Ngọc Lặc, hàng ngày học sinh cũng vẫn phải liều mình vượt sông bằng bè mảng, cầu phao tạm bợ. Hình ảnh từng đoàn học sinh với xe đạp lỉnh kỉnh chòng chành trên những chiếc bè mảng khiến không ít người rùng mình vì sự hiểm nguy kề cận đối với các em.

Ông Bùi Văn Minh (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) cho biết: “Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, ngay cả cầu phao cũng bị nhấn chìm thì bè mảng chẳng có tác dụng gì. Có khi cả tháng trời các thôn bản bị cô lập, qua sông vào những thời điểm đó rất nguy hiểm, vì thế chúng tôi thường cho con em nghỉ học”,

Ông Lê Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: “Huyện cũng mong muốn tạo điều kiện cho con đường đến trường của các em học sinh được an toàn và thuận lợi. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và tổ chức Lramp nên huyện Ngọc Lặc đã có dự án xây 2 cầu treo dân sinh tại xã Phùng Minh là cầu Chu và Cầu Mui, còn tại xã Vân Am cũng đã có dự án xây cầu Mết. Tuy nhiên, cả 3 dự án trên đều chưa triển khai nên nhân dân phải đi bằng bè mảng, cầu phao gây mất an toàn. Trong thời gian chờ đợi dự án, Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn cho bà con khi đi trên cầu tạm, bè mảng, đồng thời phát áo phao để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh và người dân khi qua sông”.

Chị Hà Thị Ninh (bản Vui) tâm sự: “Mỗi ngày con đến trường tôi đều nơm nớp lo nghĩ, nhưng gia đình thì hoàn cảnh, bố mẹ còn phải đi làm nương rẫy, không thể theo con từng bước chân được. Ngày nào thấy con về đến nhà là tôi mừng, còn khi nào chưa thấy con về đến nhà là lòng tôi cứ như lửa đốt”.

Ngọc Hưng – Huy Hoàng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-chong-chanh-nhung-chuyen-do-tim-con-chu-20180410100253055.htm