Thanh Hóa: Cây cao su hết thời hoàng kim

Giá mủ cao su quá rẻ nên nhiều hộ dân đã chặt phá để trồng cây khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đấy là thực trạng đáng báo động tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cao su phủ xanh đồi trọc

Những năm trước, cao su được ví như cây "vàng". Nhờ trồng cao su nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Năm 1998, dự án trồng cây cao su của Công ty Cao su Thanh Hóa bắt đầu triển khai thí điểm tại một số huyện miền núi của tỉnh như Như Thanh, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành... Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những khoảng đất trống trên các đồi núi trọc đã dần được bao phủ bởi một màu xanh của cây cao su.

Do được hỗ trợ về giống cây và tiền chăm sóc nên được đông đảo bà con phấn khởi hưởng ứng, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng thuê thêm đất để trồng cao su.

Cây cao su phủ xanh đất trống đồi trọc.

Anh Lê Xuân Bằng, thôn Thanh Tân, xã Quý Hòa (Như Thanh) cho biết: “Lúc đấy giá mủ cao su rất cao, lại được hỗ trợ về tiền chăm sóc nên nhà tôi đã đi vay ngân hàng thuê thêm đất để mở rộng diện tích canh tác. Hiện nhà tôi có khoảng 20ha cây cao su đang trong quá trình cạo mũ và khoảng 14ha cao su được 7 năm tuổi chuẩn bị cạo”.

Nhận thấy những diện tích đồi núi cao có vị trí đắc địa, đầy đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận tiện để phát triển cây cao su nên năm 2012, tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch trồng mới khoảng 2.500ha cao su, trong đó diện tích trồng mới cao su tiểu điền khoảng 2.100ha, cao su đại điền 4.000ha.

Để triển khai kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ về giống cây trồng và tiền chăm sóc cây cao su, tương đương với 13 triệu đồng/ha.

Gia đình chị Xuân, xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân đã chặt bỏ đi hơn một nửa diện tích trồng cao su.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Như Xuân, từ năm 2009-2012 trên địa bàn toàn huyện trồng mới được 3.961ha, trong đó diện tích trồng cũ là 2.206ha.

Cao su… mật trắng cho đời

Là cây trồng lâu năm, thu hoạch nhiều năm liền, công chăm sóc lại ít nên cây cao su đã nhanh chóng chiếm ưu thế so với các loại cây trồng khác kém hiệu quả hơn. Chỉ trong vòng 7 năm, cây cao su bắt đầu cho nhựa, từng bước làm cho cuộc sống bà con nơi đây “thay da đổi thịt”. Từ chỗ thiếu ăn thiếu mặc, nhờ cây cao su mà nhiều hộ đã có của ăn của để và dư thừa xây dựng lại cửa nhà.

Ông Đoàn Minh Hùng, thôn 3, xã Xuân Quỳ (Như Xuân) cho biết: “ Nhà tôi trồng 15ha cao su, mùa thu hoạch, mỗi ngày nhà tôi kiếm được 2- 3 triệu đồng. Lần cạo đầu tiên gia đình tôi đã dành dụm cất được ngôi nhà mới”.

Khi cây cao su không còn giá trị thì người dân cũng chặt làm củi và bán cho các xưởng chế biến gỗ.

Thông thường, cứ vài ba xã lại có một công ty thu mua mủ cao su nên rất thuận lợi. Người dân chỉ việc đổ dồn mủ vào chờ xe đến cân và thanh toán, không lo thương lái ép giá.

Ông Nguyễn Văn Ba, Làng Thanh niên lập nghiệp xã Quý Hòa (Như Xuân) cho biết: “Sáng sớm chúng tôi đi đổ mủ, chiều có xe của công ty đến thu mua nên mủ cao su không bị hao”.

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, cây cao su còn giải quyết được những vấn nạn chung trong thời điểm đấy chính là tìm kiếm việc làm cho người lao động. Những hộ dân không có đất trồng vẫn tìm được công việc ổn định, có thu nhập cao khi làm việc tại các đồi cao su.

Bà Lô Thị Hương, ở xóm 1, Làng Chàng, xã Xuân Hòa cho biết: “Mùa cạo mủ cao su, hai vợ chồng chúng tôi gửi con cho ông bà rồi đi làm hết mùa cạo mới về. Mỗi mùa hai vợ chồng tôi kiếm được vài chục triệu”.

Ông Lê Chí Liệu, Chủ tịch UBND xã Quý Hòa cho biết: “Việc đưa cây cao su vào trồng đã giúp cho đời sống bà con có nhiều khởi sắc. Nó không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn thay đổi phong tục tập quán sản xuất của bà con từ chỗ thâm canh lạc hậu chuyển dần sang sản xuất theo hướng khoa học hiện đại”.

Những cây cao su mới cắt đang còn đầy nhựa sống.

Hàng năm, cứ đến mùa cạo mủ, các nông trường cao su lại tấp nập người mua kẻ bán. Tiếng còi xe, tiếng người gọi nhau ý ới đã làm thay đổi cuộc sống của những người dân vùng lam lũ.

Nhìn thấy lợi nhuận cao từ cây cao su, nhiều hộ dân đã chặt phá bỏ những cây trồng có giá trị thấp để trồng cây cao su. Chỉ trong vòng thời gian ngắn, cây cao su đã phủ kín ở các huyện miền núi như Thạch Thành, Như Thanh, Thọ Xuân…

Tuy nhiên, khi những tán lá cao su đã khép kín các đồi núi trọc thì mủ cao su lại rớt giá khiến cho người dân lâm vào cảnh điêu đứng.

Hà Khải - Xuân Sơn

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thanh-hoa-cay-cao-su-het-thoi-hoang-kim-post3859.html