Thanh Hóa: 'Cát tặc' quần thảo sông Mã

Lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa) và xã Hoằng Phượng (huyện Hoằng Hóa), nhiều đối tượng khai thác cát trái phép đã đưa thuyền ra chọc hút, moi móc lòng sông Mã. Người dân nhiều lần phản ánh hiện tượng này lên chính quyền địa phương nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Những tàu “cát tặc” bất chấp quy định, công khai moi móc tài nguyên. Ảnh: Ngọc Hưng

Những tàu “cát tặc” bất chấp quy định, công khai moi móc tài nguyên. Ảnh: Ngọc Hưng

“Cát tặc” lộng hành giữa ban ngày

Có mặt tại khu vực đê tả sông Mã địa phận xã Hoằng Phượng, tại vị trí thôn 5 và thôn 1 có 2 tàu công suất lớn đang thi nhau gầm máy chọc vòi xuống giữa lòng sông hút cát một cách ngang nhiên. Sau khi chúng tôi ghi lại hình ảnh, một người đàn ông chăn thả bò tên H có mặt trên triền đê cảnh báo: “Các anh cẩn thận không chúng thấy chụp ảnh là không xong đâu. Tôi chăn thả bò ở đây nên biết, chúng liều lĩnh lắm”.

Khi chúng tôi hỏi cách muốn ghi lại hình ảnh của “cát tặc” làm bằng chứng gửi chính quyền thì thuê thuyền của người dân, họ có chở ra sông không? Ông H thẳng thắn: “Vì sợ “cát tặc” trả thù nên không ai dám cho các anh ngồi lên thuyền của họ. Cách duy nhất là làm khách lên đò sang bên kia xã Thiệu Thịnh như một vị khách vãng lai rồi chụp cho khéo”.

Cũng theo ông H, đoạn từ thôn 1 đến thôn 5, tình trạng khai thác là rầm rộ nhất, sạt lở cũng nghiêm trọng nhất. Khúc sông này có trữ lượng cát lớn, cát đẹp nên các tàu thuyền đổ dồn về đây moi móc. “Hôm nay mới có 2 tàu, chứ bình thường có từ 5 đến 6 tàu lớn, cá biệt có những hôm lên tới cả chục tàu. Chẳng biết tàu hút cát từ đâu tới mà nhiều đến thế, họ hút rồi họ cũng xuôi thuyền chạy mất hút”, ông H cho hay.

Đi dọc triền sông Mã, nhiều hộ dân đang canh tác hoa màu, khi hỏi về thực trạng “cát tặc” nơi đây đều không khỏi bức xúc. “Các anh coi, đất nông nghiệp chúng tôi ngày càng bị mất. Sạt lở sâu cả 5-7m. Không biết chính quyền, công an đường thủy ăn ngủ ở đâu mà để cho bọn hút cát lộng hành. Cứ đà này, chắc người dân không còn đất để sản xuất. Chúng hút cả ngày lẫn đêm. Lúc thì 2-3 thuyền, có khi cả gần chục thuyền thi nhau chọc hút. Chính quyền thì cũng chỉ nhắc qua loa, ra đuổi bên này thì chúng dạt sang bên kia, bên kia ra đuổi thì chúng lại dạt sang bên này... cứ thế tình trạng trên diễn ra suốt nhiều năm nay mà không ai làm được gì”, một người dân nói.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến bến đò xã Hoằng Phượng để qua sông. Trên con đò chao nghiêng, không áo phao, người xe lẫn lộn, các tàu hút hát ngay sát cạnh, dòng nước liên tục đánh sóng... Một vài vị khách tỏ vẻ khó hiểu: “Họ hút như thế này không khéo lật đò chứ chẳng chơi. Ai mà cấp phép cho họ hút cát ngay sát bến đò dân sinh thế này?”. Một người đàn ông thường xuyên đi đò cười bảo: “Ai cấp phép đâu? Chúng hút cát trộm. Có nhiều hôm, công an xã, người dân ra nhưng cũng chỉ xua đuổi, chúng gằn máy chạy ra giữa dòng, sang địa phận xã bên, thế là xong... Chả ai làm được gì”.

Chính quyền bó tay?

Nhiều diện tích đất nông nghiệp của bà con nhân dân bị sạt lở do nạn khai thác cát trộm.

Thực trạng khai thác cát là vậy, không phải chuyện ngày một, ngày hai khiến người dân bức xúc “kếu cứu” tới chính quyền, lực lượng chức năng, nhưng vì sao vẫn rơi vào im lặng?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Yêm - Trưởng Công an xã Hoằng Phượng cho biết, các đối tượng “cát tặc” lộng hành, liều lĩnh. Trong khi đó, lực lượng công an xã thì mỏng, nghiệp vụ sông nước không có. Có những vụ tận mắt thấy tàu hút cát nhưng không có phương tiện nên chỉ ra xua đuổi.

Trong khi đó, ông Lê Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa) cho rằng, các tàu hút cát lợi dụng vào địa bàn giáp ranh giữa 2 xã để khai thác trái phép. Hễ lực lượng chức năng xã này ra xua đuổi là các đối tượng lại rồ máy chạy sang địa phận xã khác thách thức.

Nói về thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát, ông Thủy cho biết: “Chúng bất chấp ngày đêm để khai thác. Khi phát hiện lực lượng công an chuẩn bị ra kiểm tra thì di chuyển tàu về phía bên kia sông sang địa phận xã khác. Mới đây, chính quyền xã Thiệu Thịnh đầu tư mua một chiếc thuyền, lập lán cắt cử người trông coi ngày đêm nhằm kiểm soát hoạt động khai thác cát nhưng cũng rất khó khăn để ngăn chặn các tàu cát tặc”.

Bên cạnh đó, sở dĩ các đối tượng tập trung nhiều tàu thuyền về đây quần thảo khúc sông Mã này là do vị trí trên có trữ lượng cát lớn. Trước đó, vị trí trên là mỏ cát số 63, sau khi hết hạn khai thác thì chủ mỏ khai thác dừng cho tới nay.

Được biết, trước vấn nạn “cát tặc” hoành hành trên sông Mã, đoạn qua địa bàn xã Thiệu Thịnh, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa khẳng định sẽ thành lập đoàn liên ngành do công an huyện chủ trì, tiến hành kiểm tra tình trạng trên. Đồng thời, kiên quyết xử lý Chủ tịch UBND các xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-cat-tac-quan-thao-song-ma-20181121162213788.htm