Thanh Hóa: Cát tặc hoành hành, dân điêu đứng vì mất đất sản xuất

Đã nhiều năm nay, nạn cát tặc trên dòng sông Chu hoành hành xuyên đêm, khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị đảo lộn. Hàng ngàn m2 đất đồng bãi đang trồng hoa màu sạt lở bị nước cuốn đi, đau đớn hơn đã có hàng chục ngôi mộ của người thân cũng đã trôi theo nạn cát tặc. Mất đất sinh nhai, mồ mả của cha, ông không giữ được. Hàng trăm người dân xã Thiệu Đô đã vây quanh chính quyền xã yêu cầu làm rõ…

Nạn cát tặc hoành hành khiến hàng ngàn m2 đất hoa mầu của người dân xã Thiệu Đô bị sạt lở xuống sông

Nạn cát tặc hoành hành khiến hàng ngàn m2 đất hoa mầu của người dân xã Thiệu Đô bị sạt lở xuống sông

Hàng trăm hộ dân mất dần đất sản xuất

Nhiều năm qua, nạn cát tặc đã không còn xa lạ với người dân sống ven hai bờ sông Chu. Từ cát tặc, nhiều tuyến đường dân sinh, đường quốc lộ đã bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, trở thành những con đường “đau khổ”, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu, rồi ô nhiễm môi trường. Nguồn tài nguyên khoáng sản bị đục khoét, Nhà nước thì mất nguồn thu. Nhưng nặng nề hơn cả là dân mất dần đất canh tác, dẫn đến mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống bị đảo lộn, có thể sinh nhiều hệ lụy về sau. Sau nhiều năm chịu đựng, nấn ná, sống chung với nạn cát tặc, người dân các thôn 7, 8, 9, 10 thuộc xã Thiệu Đô đã không còn kiên nhẫn bởi sau một đêm tỉnh giấc họ đã mất đi cả trăm m2 đất cùng với hoa màu xanh mơn mởn, rồi mồ mả của cha, ông họ cũng đang có nguy cơ trôi theo nạn cát tặc.

Có mặt tại cánh đồng bãi thôn 7, 8, 9, 10 của xã Thiệu Đô, PV không khỏi ngỡ ngàng trước sự sạt lở rất nghiêm trọng đất canh tác cửa người dân. Dọc theo bờ sông Chu là những hình ảnh tan hoang, có những nơi bờ sông sạt sâu thành từng hàm ếch, khoét sâu vào đất canh tác, kéo dài hàng km. Những cánh đồng trồng dâu nuôi tằm, lạc, ngô đến những vườn keo bị sạt nghiêm trọng, lõm sâu hàng chục mét nhìn mà xót xa. Thương tâm hơn là mồ mả cha, ông cũng theo đó rơi xuống dòng sông Chu.

Người dân làm chòi ngày đêm canh cát tặc

Ông Hoàng Văn Đại, người dân đang chịu ảnh hưởng bởi nạn cát tặc bức xúc buông lời: “Các anh thấy đó, chỉ sau một đêm mà sạt lở cả chục mét đất, cây lạc rồi cây ngô trôi hết cả rồi, cứ tình trạng này vài tuần nữa là dân chúng tôi hết đất canh tác mất thôi. Bao nhiêu đời nay, cha ông để lại cho nghề trồng dâu nuôi tằm, nay đất mất cả, dân chúng tôi biết sống ra sao, rồi đời con cháu nữa chứ”.

Cũng như ông Đại, ông Hoàng Huy Thanh nói trong cay cú: “Cực chẳng đã dân chúng tôi phải làm chòi để canh tàu hút cát, chứ đêm hôm thế này vất vả, mệt mỏi lắm. Mình thì già rồi, chỉ lo cho đời sau không biết lấy đất đâu để canh tác, rồi còn mồ mả ông cha không biết làm thế nào, đào lên thì không được, để vậy cũng không xong. Dân chúng tôi kêu mãi mà không thấu, không biết rồi sự việc sẽ đi về đâu”.

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua, do nạn hút cát trên sông Chu diễn ra nhộn nhịp suốt đêm, khiến hàng trăm hộ dân canh tác dọc bờ sông ở xã Thiệu Đô bị thiệt hại nặng nề, nhiều cánh đồng dâu, ngô chưa kịp thu hoạch bỗng chốc biến mất.

Anh Hoàng Viết Chúng, người dân thôn 8, bức xúc: “Tại sao nhiều ban, ngành, chính quyền địa phương đã ra quân, lập tổ công tác mà nạn cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động. Thuyền hút cát trên sông Chu suốt ngày đêm khiến bờ bãi bị sạt lở. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm qua. Có phải con kiến đâu mà bảo không nhìn thấy, không xử lý được. Rõ ràng ở đây có sự tiếp tay, bao che, dung túng cho các đối tượng cát tặc”.

Người dân chỉ về ngôi mộ sắp bị cuốn trôi theo nạn cát tặc

Người dân nơi đây cho biết, hầu hết các thuyền hút cát dọc bờ sông không có số hiệu. Ngay cả khu vực các điểm mỏ được cấp phép cũng thường xuất hiện những con tàu không số, không phao báo hiệu tham gia hoạt động khai thác. Nạn khai thác cát bừa bãi khiến nhiều mốc lộ giới trên sông bị biến mất. Người dân địa phương không ít lần tìm cách xua đuổi tàu cát tặc nhưng chẳng thấm vào đâu. Có trường hợp còn bị cát tặc đe dọa, đánh trả.

Cần mạnh tay xử lý cát tặc

Theo ông Lê Văn Duy, Trưởng Công an xã Thiệu Đô, trước thực trạng bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, UBND xã Thiệu Đô đã tìm cách ngăn chặn nạn cát tặc, đảm bảo hoa màu cho người dân. Chính quyền địa phương đã xin hỗ trợ của cấp trên và trích thêm tiền ngân sách xã đóng thuyền, lập chòi canh. Có thuyền, xã chỉ đạo cụ thể đến từng thôn và người dân, hễ thấy cát tặc, người dân phải có trách nhiệm thông báo với tổ tuần tra kiểm soát để kịp thời ngăn chặn. Đội tuần tra gồm 13 người, được chia thành 2 tổ công tác, thay nhau túc trực tại hai lán trại bên bờ sông Chu cả ngày lẫn đêm.

Chỉ sau một đêm tỉnh giấc nhiều hoa màu bị sạt lở trôi theo dòng nước

Ngoài lực lượng công an xã, Chủ tịch và Phó chủ tịch xã cũng thường xuyên xuống địa bàn, trực tiếp chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho đội tuần tra, thậm chí tham gia vào ca trực tại lán trại. Bên cạnh chính quyền địa phương, UBND huyện Thiệu Hóa cũng lập tổ công tác gồm nhiều phòng, ban và công an huyện. Thế nhưng việc xử lý nạn cát tặc cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”, vì vậy người dân hoài nghi về cách làm này và nghi ngờ có sự thông đồng, tiếp tay cho các đối tượng khai thác cát trái phép?.

Bức xúc sau nhiều lần kiến nghị không có kết quả, người dân đã tự “hành xử”, tối 8/4/2018, tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô Hoàng Bình Thủy cùng 4 công an viên phát hiện 4 tàu khai thác cát trái phép. Lực lượng đã truy đuổi, bắt được 2 tàu, còn 2 tàu khác bỏ chạy. Người dân nhận được thông tin ập ra để yêu cầu xử lý mạnh tay, nhiều người cho rằng tổ công tác của xã đang “làm luật” trên tàu cát tặc nên chửi bới, ném đá, bom xăng. Đồng thời buộc Phó chủ tịch xã, công an viên, chủ tàu khai thác cát trái phép về công an huyện Thiệu Hóa để làm rõ trắng đen. Tới khuya người dân mới giải tán khi nhận được cam kết sẽ giải quyết sự việc vào ngày mai.

Người dân căng khẩu hiệu yêu cầu chính quyền địa phương làm rõ nạn cát tặc hoành hành

Sáng 9/4, hàng trăm người dân đã hô hào nhau kéo ra trụ sở UBND xã Thiệu Đô để gây sức ép, yêu cầu trả lời việc có hay không việc chính quyền xã tiếp tay cho cát tặc lộng hành. Chiều 9/4, lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Đô mới tiến hành đối thoại với nhân dân tại Nhà văn hóa thôn 7. Hàng trăm người dân đã kéo theo trống, băng rôn tràn lên bờ đê và tập trung tại nhà văn hóa. Cuộc đối thoại diễn ra rất căng thẳng, người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Có thể thấy, việc người dân xã Thiệu Đô bức xúc trước nạn cát tặc hoành hành nhiều năm qua là chính đáng, đây là quyền lợi sống còn của hàng ngàn nông dân địa phương. Để “cứu dân” ngăn chặn những tấc đất của người dân không bị sạt lở, rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Thiệu Hóa sớm đưa ra giải pháp mạnh tay ngăn chặn triệt để nạn cát tặc.

HOÀNG MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thanh-hoa-cat-tac-hoanh-hanh-dan-dieu-dung-vi-mat-dat-san-xuat-d72439.html