Thanh Hóa bảo tồn di sản văn hóa, động lực để phát triển

Trong sách 'Lịch triều hiến chương loại chí', phần viết về địa dư Thanh Hóa, nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú đã nhận xét khái quát về địa - văn hóa - lịch sử miền đất Thanh Hóa xưa: 'Thanh Hoa mạch núi cao vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ đất có cảnh đẹp ở nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một Trấn quan trọng. Đến Lê Lợi lại là nơi căn bản. Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ hợp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vương khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...'.

Nhận xét sâu sắc của Phan Huy Chú gợi nhớ cho ta cách tiếp cận và nhận thức về cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, lịch sử oai hùng và những con người “phi thường” của tỉnh Thanh Hóa. Từ góc nhìn địa - văn hóa ta thấy, bà mẹ thiên nhiên đã hào phóng và khéo léo sắp đặt, tạo cho tỉnh Thanh Hóa một phức hợp sinh thái hoàn chỉnh. Núi rừng, trung du, đồng bằng, biển cả và hải đảo. Thanh Hóa với địa hình núi rừng chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh, một số mạch núi vùng Tây Bắc chạy sát ra biển, tạo ra sự gắn kết làm cho cảnh quan đồng bằng, biển và rừng núi luôn tiếp nối và liền kề nhau, ngay ở đồng bằng vẫn còn chất rừng và biển.

Nếu đồng bằng Bắc Bộ được bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, thì đồng bằng Thanh Hóa lại căn bản được tạo lập nhờ vào hệ thống sông Mã và sông Chu. Sông Mã với chi nhánh chính là sông Chu bắt nguồn từ Tây Bắc, chảy qua Sầm Nưa (Thượng Lào) rồi vào thượng du Thanh Hóa, nơi núi rừng trùng điệp có các đỉnh núi cao như Bù Rinh (1291m), Bù Chó (1563m)... rồi theo hướng Đông chảy ra biển. Hệ thống sông Mã, sông Chu cũng là trục giao thông huyết mạch về mặt kinh tế, nối biển - đồng bằng và vùng thượng lưu Tây Bắc. Đồng thời sông Mã cũng là dòng sông “văn hóa”, bởi nó tạo nên hai bên bờ sông những biểu tượng văn hóa vật chất và tinh thần phong phú riêng có của xứ Thanh. Đây cũng là con đường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và tộc người.

Với điều kiện sinh thái tự nhiên như vậy, Thanh Hóa từ lâu đã là địa bàn tụ cư của 7 tộc người chủ yếu là: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Trong đó, mỗi tộc người lại có một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh đa sắc màu của văn hóa xứ Thanh. Người Kinh chủ yếu sống ở đồng bằng, ven biển, các tộc người khác tụ cư ở miền núi, trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Thanh. Ngày nay các tộc người nói trên sống đan xen với nhau ở những vùng sinh thái khác nhau. Trong môi trường sinh thái - tự nhiên đặc trưng như vậy, đồng bào 7 tộc người ở Thanh Hóa đã sáng tạo ra những yếu tố văn hóa (nhân tạo), đặc thù riêng có làm nên một tiểu vùng văn hóa xứ Thanh trong vùng văn hóa Bắc Trung Bộ.

Xét từ góc nhìn “vùng văn hóa” ta thấy xứ Thanh thuộc không gian văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, với tư cách là tỉnh trung gian nối tiếp giữa hai vùng văn hóa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do đó Thanh Hóa đã từng có vai trò là vùng đất phên dậu - vùng ngoại vi bảo vệ, che chắn cho trung tâm văn hóa - chính trị Thăng Long, đồng thời cũng là “phễu lọc” trong giao lưu văn hóa giữa Đại Việt và Chăm Pa thời Cổ trung đại. Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng: “xét từ góc độ văn hóa - khảo cổ học, từ Thanh - Nghệ - Tĩnh từ trước công nguyên là thuộc không gian văn hóa Đông Sơn - Việt cổ mà đèo Ngang là ranh giới phía Nam. Còn Bình - Trị - Thiên chính là khu vực đệm từ trước công nguyên đến đầu thế kỷ, giữa Sa Huỳnh từ vùng giao thoa văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn". Ông cho rằng, trong lịch sử dân tộc vốn có nhiều không gian văn hóa đặc sắc là không gian sinh tồn, sáng tạo và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và các tiểu vùng văn hóa mà xứ Thanh và xứ Nghệ là những ví dụ điển hình.

Ta biết, Việt Nam là chủ sở hữu của 3 văn hóa khảo cổ nổi tiếng khu vực Đông Nam Á, tạo lập cơ sở nền tảng phát triển văn hóa dân tộc từ thời kỳ tiền sơ sử là: Văn hóa Đông Sơn - Đại Việt (Bắc Bộ); văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa (Trung Bộ) và Văn hóa Oóc Eo - Phù Nam (Nam Bộ). Trong đó, bước giao lưu, tiếp biến văn hóa đầu tiên là diễn ra giữa văn hóa Đông Sơn - Đại Việt và văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa mà Thanh Hóa cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ khác (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) chính là vùng đệm, vùng chuyển tiếp, xâm nhập, chọn lọc, biến đổi, thâu nhận, tích hợp và lan tỏa giữa các yếu tố văn hóa Đại Việt và văn hóa Chăm Pa.

Múa kết hoa mừng lễ hội Mai An Tiêm. (Ảnh Xuân Tứ)

Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi lưu giữ tương đối đầy đủ dấu mốc của các giai đoạn lịch sử từ thời tối cổ đến ngày nay. Tại Thanh Hóa đã phát hiện được nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc hầu hết các thời địa khảo cổ học lớn ở Việt Nam từ thời tiền, sơ sử như:

Di chỉ núi Đọ phát hiện năm 1960 ở huyện Thiệu Hóa - nơi tìm thấy dấu tích công cụ đồ đá của người tối cổ.

Di chỉ hang Con Moong phát hiện ở huyện Thạch Thành - nơi có dấu tích cư trú của con người nối tiếp mấy chục ngàn năm, suốt thời hậu kỳ đá cũ sơ kỳ và trung kỳ đá mới.

Di chỉ khảo cổ học Đa Bút ở lưu vực sông Mã thể hiện sự tiếp nối của văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn trong quá trình chinh phục đồng bằng ven biển Thanh Hóa.

Di chỉ khảo cổ học Hậu Lộc - dấu tích khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại kim khí phát hiện ở vùng biển huyện Hậu Lộc.

Tiêu biểu nhất phải nhắc tới di chỉ khảo cổ Đông Sơn, phát hiện lần đầu tiên năm 1924 tại làng Đông Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Và trở thành tên gọi nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng trên thế giới với 3 trung tâm lớn là: làng Cả ngã 3 sông Bạch Hạc (Việt Trì), Đông Sơn bên bờ sông Mã (Thanh Hóa) và làng Vạc (Nghệ An). Tuy vậy, Thanh Hóa lại là nơi tìm thấy các di tích khảo cổ Đông Sơn cũng như trống đồng Đông Sơn nhiều hơn các địa phương khác. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hóa, văn minh Việt trên cơ sở phát triển nông nghiệp lúa nước, kỹ thuật đúc đồng, rèn sắt, từ đó hình thành nhà nước cổ đại sơ khai, định đô ở vùng Bạch Hạc Việt Trì - Phú Thọ.

Người Thanh Hóa có quyền tự hào đã từng là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại phong kiến và được nhắc đến trong lịch sử là đất “Tam Vương, nhị Chúa” với các vương triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê Sơ, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn là đất thang mộc của dòng chúa Nguyễn và chúa Trịnh.

Trong sách "Đại nam nhất thống chí", học giả Cao Xuân Dục nhận xét về con người xứ Thanh đã viết: “kẻ sĩ, chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng, lỗi lạc cũng nhờ tinh túy núi sông hun đúc”. Điều đó được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ở tất cả mọi thời đại và vùng miền đất nước, từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Hàm Tử, Đống Đa đến Điện Biên Phủ hay Quảng Trị, Tây Nguyên, Đà Nẵng đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hay mặt trận biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, người xứ Thanh luôn có mặt và góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng, ghi lại những trang sử vàng chói lọi của đất nước Việt Nam. Xứ Thanh chính là quê hương của các nhân vật lịch sử nổi tiếng của đất nước: Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Lợi, Hồ Quý Ly, các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, vua Nguyễn, các danh nhân văn hóa lỗi lạc như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ... là những minh chứng rõ nét về truyền thống văn hóa xứ Thanh.

Tóm lại, Thanh Hóa ở vào vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị và địa - văn hóa quan trọng của đất nước. Thanh Hóa là vùng đất gợi về quá khứ hào hùng từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, một miền văn hóa cội nguồn. Thanh Hóa là tỉnh trung gian - chuyển tiếp ở điểm cuối của vùng văn hóa Bắc Bộ và điểm mở đầu của vùng văn hóa Trung Bộ, đồng thời cũng là vùng đất kéo dài của vùng Tây Bắc, có rừng, có núi, có đồng bằng, có biển và có bờ biển kéo dài hơn 100km. Đất địa linh sẽ sinh ra nhân kiệt. Có người tài ắt sẽ có những sáng tạo văn hóa mang giá trị đặc trưng của xứ Thanh, đóng góp làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của quốc gia.

Tính đến hết năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã có một khối lượng đáng kể các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, di sản văn hóa phi vật thể trong “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” và di sản văn hóa phi vật thể trong “Danh mục thống kê di sản văn hóa phi vật thể” của tỉnh, cụ thể như sau:

Khu Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới, 6 di tích quốc gia đặc biệt, 4 di tích quốc gia, 696 di tích cấp tỉnh, hát ca trù di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp do Unesco vinh danh, 12 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, 40 nghệ nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Có thể coi đây là tài sản văn hóa và cũng là tài nguyên tiềm tàng cho ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.

(còn nữa)

PGS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-bao-ton-di-san-van-hoa-dong-luc-de-phat-trien-80425