Thanh Hóa: Bản người Thái bắt tay làm du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái

Nhiều bản, làng người Thái tại Thanh Hóa đang dần hình thành phát triển loại hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Đây được coi là bước tiến mạnh mẽ, tạo điều kiện để thu hút sự đầu tư vào du lịch tại các bản, làng.

Nhiều cô gái thích thú vui đùa dưới thác

Nhiều cô gái thích thú vui đùa dưới thác

Chốn bồng lai tiên cảnh

Bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa hơn 100km về phía tây và nằm dưới chân núi Chí Linh hùng vĩ, khí hậu quanh năm mát mẻ…

Hiện nay bản Năng Cát có 133 hộ dân với 608 nhân khẩu (người Thái 99%) là bản người dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn nằm trên các sườn đồi. Người Thái nơi đây đang từng ngày phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng tại bản Năng Cát kết hợp với du lịch sinh thái thác Ma Hao hùng vĩ với dòng nước xanh biếc thuận tiện cho việc tắm suối, đến đây du khách có thể cắm trại, leo núi...

Đến với bản Năng Cát du khách còn được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Thái, hòa mình vào cuộc sống thường ngày của những người dân nơi đây trong các trò chơi dân gian của người Thái. Cùng phụ nữ Thái tham gia thêu thùa thổ cẩm đủ màu sắc.

Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo do chính tay bà con làm. Đó là mâm cơm với những món ăn đặc sản của vùng cao như: Cơm lam, thịt lam, thịt lợn cỏ nướng cuốn lá bưởi, chẻo cá, náp cá, chẻo gừng thịt gà, các loại rau tự nhiên trong rừng như rau dớn, rau sắng, măng rừng và nhâm nhi chén rượu men lá thơm lừng.

Với hơn 100 nóc nhà sàn có kiểu kiến trúc cổ độc đáo của người Thái ở miền tây Thanh Hóa cao rộng, thoáng mát, những ngôi nhà 4 gian, 2 trái có nhiều cửa sổ sẽ giúp khách du lịch có thể ngắm nhìn thiên nhiên xung quanh một cách trọn vẹn và là điểm đến lý tưởng cho khách muốn tận hưởng không khí trong lành của miền núi.

Bản làng làm du lịch

Đi vào bản là con đường bê tông trải dài với những ngôi nhà sàn dựng san sát nhau, đó là những nhà nghỉ dưỡng cộng đồng theo kiểu “homestay” để phục vụ du khách.

Nội thất bên trong nhà như chăn, đệm, gối... được người dân tự tay khâu vá bằng các loại thổ cẩm truyền thống. Khách du lịch có thể yên tâm ăn nghỉ ngay chính tại những ngôi nhà sàn của người dân.

Để từng bước đưa loại hình du lịch cộng đồng ngày một chuyên nghiệp hơn, người dân bản Năng Cát đã trang bị cho mình kiến thức về du lịch qua những lớp tập huấn, thăm quan mô hình ở các nơi, trang bị về công tác vệ sinh ATTP....

Tìm đến ngôi nhà sàn của anh Vi Văn Đạt đã được sửa sang lại khang trang để phục vụ khách du lịch, anh Đạt cho biết: “Những năm trước đây người dân trong bản đã làm du lịch nhưng chỉ manh nha bán đồ dùng lặt vặt như nước, sản phẩm lưu niệm... cho khách du lịch chứ chưa phục vụ việc ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, người dân trong bản rất chú trọng đến vấn đề này và đã bắt tay làm".

Ông Hà Văn Cảnh-Trưởng bản Năng Cát cho biết: “Toàn bản có 100% các hộ có nhà sàn và bản cũng được công nhận là bản du lịch cộng đồng vào năm 2015. Trong đó, có 35 hộ đã đăng ký tập huấn về du lịch để phục vụ khách ăn, nghỉ ngay tại nhà cũng như người dân trong bản bán quà lưu niệm làm từ các sản phẩm của núi rừng như mây, tre, đan và các loại thổ cẩm... bán cho khách du lịch”.

Ông Vi Văn Tằm-Chủ tịch UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết, việc phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái ở bản Năng Cát giúp cho sự phát triển kinh tế của địa phương đi lên, giúp đời sống nhân dân ổn định, thu nhập bình quân đầu người ở bản Năng Cát tăng cao. Năm 2017 thu được 12 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 dự kiến tăng lên 18 triệu đồng/người/năm.

Cũng theo ông Tằm, việc phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái ở bản Năng Cát giúp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh và con người nơi đây đến mọi miền Tổ quốc. Bên cạnh đó còn góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái và bảo vệ cảnh quan tự nhiên, nguyên sơ của nơi đây.

Trần Nghị

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/thanh-hoa-ban-nguoi-thai-bat-tay-lam-du-lich-cong-dong-ket-hop-sinh-thai-post277377.info