Thanh Hóa: Bá Thước hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa, phát triển du lịch

Sáng nay (10/7), UBND huyện Bá Thước và Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo khoa học 'Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa nhằm phát triển du lịch trên địa bàn Bá Thước, Thanh Hóa'.

Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự có PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam; Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; TS Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các nhà khoa học.

TS Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội KHLS Thanh Hóa báo cáo đề dẫn hội thảo.

Bá Thước là huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, là vùng đất cổ có lịch sử hình thành và phát triển rất sớm, gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc, từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng tiêu biểu của Thanh Hóa và cả nước. Bá Thước còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng tích như: Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thác Muốn (xã Điền Quang); thác Hiêu (xã Cổ Lũng); thác Dần Long (xã Lương Ngoại), hàng Dơi (xã Thành Sơn); Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao); hang Cá thần Mường Ký (xã Văn Nho)… Ngoài ra, đây còn là địa bàn cư trú của các dân tộc Mường - Thái - Kinh với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng. Theo thống kê, trên địa bàn Bá Thước có 9 di tích, danh thắng, 1 khu du lịch và 3 điểm du lịch đã xếp hạng cấp tỉnh, nhiều nhất trong số 11 huyện miền núi xứ Thanh. Song, vì nhiều lí do chủ quan và khách quan, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của nơi này vẫn còn nhiều tồn tại, chưa được khai thác hiệu quả. Với mong muốn phát huy các giá trị di sản lịch sử văn hóa mà hội thảo đã thu hút 35 tham luận của các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

TS Hoàng Bá Tường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham dự hội thảo.

Hội thảo tập trung vào 3 nhóm nội dung, trong đó nhóm thứ nhất tập trung vào một số vấn đề lịch sử để có nhận thức chung về những sự kiện, nhân vật lịch sử còn có những tranh luận; Nhóm thứ 2 tập trung vào một số vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản lịch sử - văn hóa nghiên cứu, đánh giá các giá trị của các di sản lịch sử và việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản trong tình hình hiện nay; Nhóm thứ 3 để cập đến một số giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước.

Nhiều tham luận đã đề cập được những vấn đề mới như: NNC Hà Nam Ninh khẳng định được vai trò của vùng đất Mường Khòng có công đầu trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê, đánh tan nhà Mạc; NNC Cao Sơn Hải đề cập tới tác phẩm Đẻ đất đẻ nước, khái quát và hệ thống sự tiến triển của người Mường từ mông muội đến khi bước vào bình mình của lịch sử để một lần nữa khẳng định riêng huyện Bá Thước chiếm 3/16 chương quan trọng của bộ sử thi này; TS Phạm Văn Tuấn khẳng định: Trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa hiện nay, từ một vùng đất nhỏ hẹp ở miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Bá Thước là một địa phương có thế mạnh về những giá trị đặc biệt của hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong sự phát triển và hội nhập khu vực và quốc tế là hoàn toàn có điều kiện, đồng thời đây cũng là một xu hướng phát triển phù hợp với lịch sử và quy luật khách quan; TS Hoàng Bá Tường cho răng: Rừng là tài nguyên vô giá của Bá Thước, người Bá Thước nghĩa tình nhân văn, cách ứng xử với thiên nhiên thể hiện hồn cốt tinh thần của mảnh đất này. Không vì mọi giá để phát triển và khai thác cạn kiệt thiên nhiên. Và đồng chí mong muốn Bá Thước cũng sẽ đưa du lịch trở thành mũi nhọn để phát triển KT-XH của huyện.

PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam kết luận hội thảo.

Kết luận hội nghị, PGS. TS Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho rằng: Bá Thước dã phê duyệt đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và đã tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao hiệu quả du lịch khu sinh thái Pù Luông, tổ chức các tour du lịch mang tính độc, lạ với các hoạt động như leo núi, leo thác, khám phá các hoạt động vượt đèo, đổ đèo; Tập trung nguồn lực quy hoạch và xây dựng Son - Bá - Mười thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp với đầy đủ trang thiết bị các tiện nghi hiện đại không thua Đà Lạt, Sa Pa.... Song phát triển du lịch bền vững phải đi đôi với việc chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần cho cộng đồng các dân tộc sống trên địa bàn huyện. Có làm được như vậy thì di sản thiên nhiên, di sản văn hóa của Bá Thước mới được bảo tồn, phát huy giá trị tạo tảng nền, tiềm năng và lợi thế cho sự phát triển bền vững của du lịch và du lịch nhất định sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Bá Thước.

Kiều Huyền

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-ba-thuoc-hoi-thao-khoa-hoc-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-lich-su--van-hoa-phat-trien-du-lich-77999