Thanh Hóa: 31 hộ dân bị 'giam' sổ đỏ suốt 12 năm

Hơn một thập kỷ đã trôi qua, kể từ khi 31 hộ dân tái định cư thuộc thôn Tam Sơn, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đến nơi ở mới, nhường đất cho Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Công Thanh. Vậy nhưng đến nay, những hộ dân này vẫn chưa được cấp sổ đỏ, khiến cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chính quyền huyện Tĩnh Gia đùn đẩy trách nhiệm cho nhà máy, nhà máy xi măng Công Thanh lại chây ì, đẩy mọi thiệt thòi cho người dân gánh chịu.

Minh họa: Dũng Choai.

Khốn khổ ở nơi tái định cư

Phản ánh của người dân thôn Tam Sơn, xã Tân Trường cho thấy: Vào năm 2006, được sự vận động của chính quyền địa phương, 31 hộ dân nơi đây đã chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho Dự án xây dựng nhà máy xi măng Công Thanh. Tính từ đó tới nay vừa tròn 12 năm trời. Tưởng như cuộc sống tới nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nào ngờ, bà con sấp ngửa kêu cứu đến khắp các cấp ngành ở địa phương, song tới nay họ vẫn chưa được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Lương Văn Hoàng, trú thôn Tam Sơn là một trong 31 hộ dân di dời, cho biết: Thời điểm vận động, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cùng chủ đầu tư Dự án nhà máy xi măng Công Thanh có buổi làm việc với các hộ dân. Theo thỏa thuận, 31 hộ này sẽ thực hiện giao đất để tái định cư sang nơi ở mới theo hình thức đất đổi đất.

“Thời điểm đó, chủ đầu tư Dự án và chính quyền địa phương hứa có trách nhiệm hoàn thiện thủ tục hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng nên sẵn sàng nhường đất phục vụ cho dự án. Nhưng 12 năm trôi qua, 31 hộ dân chúng tôi mòn mỏi chờ đợi mà không thấy” - ông Hoàng phản ánh.

Cũng theo ông Hoàng, đất tại nơi ở cũ của các hộ dân trước đây rất rộng, có nhà được quyền quản lý, canh tác trên diện tích cả vài héc ta. Khi sang khu tái định cư chỉ có 400m2, đất để canh tác không có, đường sá, điện, nước đều khó khăn. Không những vậy, bà con cần vốn để chăn nuôi cũng chẳng vay được tiền vì đất không có sổ đỏ.

Chị Nguyễn Thị Lan nói: “Chúng tôi, đa phần là người dân tộc Thái, điều kiện kinh tế có lẽ ai cũng hiểu. Bà con cứ ngỡ, khi bàn giao đất cũ cho Dự án và chuyển sang chỗ ở mới sẽ sớm được cấp sổ đỏ để có thể thế chấp ngân hàng vay vốn làm ăn. Không ngờ, sự việc lại kéo dài đến hơn chục năm thế này”.

Đùn đẩy trách nhiệm

Khi nhân dân đến hỏi cơ quan chính quyền từ cấp xã đến huyện đều liên tục nhận được câu trả lời rằng, do đất của 31 hộ dân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nên chưa được cấp sổ đỏ. Trong khi đó, trước khi bàn giao đất để di dời, chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương hứa “chắc như đinh đóng cột” rằng: Sau khi đổi đất sẽ làm sổ đỏ cho dân. Lỗi ở đây thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như nhà máy xi măng Công Thanh, sao lại bắt dân phải gánh chịu thế này?

Ông Nguyễn Ngọc Bê - Chủ tịch UBND xã Tân Trường cho biết: Việc các hộ dân tái định cư phản ánh nhiều năm qua chưa được cấp sổ đỏ là hoàn toàn chính xác. Khi thực hiện đất đổi đất, người dân rời tới nơi ở mới. Bà con ở ổn định, đến năm 2008, chính quyền địa phương đã làm hồ sơ gửi lên huyện để cấp sổ đỏ cho người dân. Nhưng UBND huyện Tĩnh Gia không làm với lý do không có hồ sơ nào thể hiện đã nộp nghĩa vụ tài chính! Sự bế tắc này kéo dài tới thời điểm hiện tại vẫn chưa được xử lý.

Ông Bê nói: “Chính quyền xã Tân Trường đã làm hết trách nhiệm. Còn lý do các hộ chưa được cấp sổ đỏ là do không được thể hiện rõ, người dân hay nhà máy xi măng Công Thanh phải nộp nghĩa vụ tài chính? Quan điểm của chúng tôi, các ngành chức năng phải sớm giải quyết dứt điểm việc này để người dân ổn định cuộc sống”.

Ông Hoàng Bá Trung- Trưởng phòng TNMT thuộc UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: Huyện đã xác định được trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính thuộc về Nhà máy xi măng Công Thanh.

Từ đó, UBND huyện Tĩnh Gia đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện nghĩa vụ tài chính để có cơ sở cấp quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

Tháng 11/2008, UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Nhà máy xi măng Công Thanh về việc hoàn trả tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước, số tiền bồi thường về đất được phê duyệt là 492.800.000 đồng tại mặt bằng nhà máy và 22.400.000 đồng tại mặt bằng tái định cư, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa thực hiện.

“Vì phía nhà máy Công Thanh chưa nộp nghĩa vụ tài chính nên huyện không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. UBND huyện Tĩnh Gia đề nghị nhà máy chuyển số tiền trên vào kho bạc nhà nước hoặc nộp về Hội đồng Kiểm kê bồi thường GPMB trước ngày 15/6/2018 để có cơ sở báo cáo tỉnh xin chủ trương giải quyết, nhưng đến nay nhà máy vẫn không chịu nộp”.

Về việc này, mới đây. ông Phạm Đăng Quyền- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho chính quyền huyện Tĩnh Gia phối hợp cùng Sở TNMT giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi đối với 31 hộ dân. Nhà máy Công Thanh chây ỳ nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước cần được các ngành chức năng xử lý. Nhưng chính quyền huyện Tĩnh Gia để 31 hộ dân của mình phải sống trong cảnh khổ sở suốt hơn chục năm trời càng đáng trách hơn.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/thanh-hoa-31-ho-dan-bi-giam-so-do-suot-12-nam-tintuc412715