Thanh Hóa: 177 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số và được nhiều kết quả ghi nhận.

Ảnh minh họa/daidoanket.vn

Ảnh minh họa/daidoanket.vn

Cụ thể, về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa đã thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn 02 huyện miền núi Thanh Hóa (huyện Quan Hóa và huyện Như Xuân). Kết quả, huyện Như Xuân có 124 di sản thuộc 05 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (69 di sản), Lễ hội truyền thống (06 di sản), Nghề thủ công truyền thống (14 di sản), Tri thức dân gian (07 di sản), Tập quán xã hội (28 di sản). Huyện Quan Hóa có 53 di sản thuộc 06 loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian (14 di sản), Lễ hội truyền thống (14 di sản), Nghề thủ công truyền thống (18 di sản), Tri thức dân gian (03 di sản), Tập quán xã hội (04 di sản).

Về công tác sưu tầm di vật, cổ vật quý hiếm của các dân tộc thiểu số, từ năm 2017 đến nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã sưu tầm được 30 hiện vật của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 14 hiện vật dân tộc Thái và 16 hiện vật dân tộc H'Mông.

Công tác bảo quản hiện vật luôn được chú trọng đặc biệt. Các hiện vật được bảo quản trong kho luôn có đầy đủ trang thiết bị như điều hòa, máy hút ẩm, tủ chống ẩm…Quy trình bảo quản hiện vật được phân theo chất liệu và đưa ra phương án thích hợp.

Về công tác chỉnh lý, nâng cấp trưng bày: Bảo tàng tỉnh đã tổ chức chỉnh lý, nâng cấp hai phòng trưng bày "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa" và "Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hóa". Công tác tuyên truyền phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh thông qua các phòng trưng bày trên đã được Bảo tàng triển khai và mang lại những hiệu quả thiết thực, phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của đông đảo công chúng và du khách.

Bên cạnh việc chỉnh lý trưng bày, Bảo tàng liên tục cập nhật các hình ảnh, phim tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội truyền thống, phong tục tập quán…của một số dân tộc đưa vào nội dung màn hình cảm ứng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của khách tham quan.

Ngoài ra, Sở VHTTDL cũng đã xây dựng, hoàn thành dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác và quản lý di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tỉnh Thanh Hóa, trong đó cập nhật toàn bộ di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê. Các hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng đều được đánh số ký hiệu kiểm kê, chụp ảnh, làm hồ sơ khoa học, vào sổ đăng ký, sổ phân loại và được nhập trên phần mềm quản lý hiện vật của Cục Di sản văn hóa./.

Thanh Thủy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thanh-hoa-177-di-san-van-hoa-phi-vat-the-da-duoc-kiem-ke-20200210160456062.htm