Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của dân đang bị 'phớt lờ' - Bài 2: Dân đồng thuận, chính quyền không đồng ý

Ngày 9/3, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường có đăng bài: (Thanh Hà (Hải Dương): Mong mỏi chính đáng của người dân đang bị 'phớt lờ'). Phản ánh về việc, người dân thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã gần 10 năm qua phải dùng nguồn nước sinh hoạt nội đồng ô nhiễm, nay với niềm khao khát mong chờ chính đáng được thay đổi nguồn nước mới từ sông lớn Thái Bình. Sự việc tưởng chừng đơn giản (chỉ trong 15 ngày) như cam kết của Nhà máy cung cấp, nhưng đến nay gần 4 tháng dân vẫn 'mỏi mòn' chờ… nguyên nhân này do đâu?

Doanh nghiệp, người dân đồng thuận

Khi chúng tôi đặt vấn đề với Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn và đã được Công ty đồng ý, cán bộ, công nhân viên của Nhà máy rất phấn khởi – ông Vương Quốc Sùng, Giám đốc Nhà máy nước Thanh Thủy (của Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà) nơi cung cấp nước cho người dân thôn Lại Xá, nói: “Bởi có thể đảm bảo nguồn nước tại sông lớn Thái Bình cung cấp cho người dân, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Bởi nguồn nước hiện nay, Nhà máy đang lấy phục vụ cho người dân thôn Lại Xá, nhiều năm qua do các hộ trồng vải thiều phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nên không thể đảm bảo chất lượng. Nhà máy muốn chuyển đổi nguồn nước từ lâu, nhưng do lượng khách hàng ít, mà nguồn nước sông Thái Bình ở xa, nên không thể đảm bảo kinh phí cho việc lắp đặt đường ống.

Phương án thi công của Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, gửi UBND xã Thanh Sơn

Nay được sự nhất trí bán nước từ Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, người dân và chính quyền xã Thanh Thủy là phù hợp với tình hình thực tế. Để việc mua bán nước, lắp đặt đường ống được thuận lợi, nhanh nhất có được nguồn nước mới phục vụ sinh hoạt của người dân, hai đơn vị đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý, như: Hợp đồng mua bán, Đơn đề nghị chính quyền địa phương xin phép thi công, Phương án thi công… gửi UBND huyện Thanh Hà và chính quyền xã Thanh Sơn, Thanh Thủy. Trong đó, đơn vị thi công là Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, đã có cam kết cụ thể với chính quyền xã Thanh Sơn, đảm bảo nước không bị thiếu cho các hộ dân đang dùng trong xã, khi bán cho người dân thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy. Đơn xin phép thi công của Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, cũng được Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà bút phê và chỉ đạo đơn vị phối hợp thực hiện”.

Các hộ có đường ống nước đi qua đều ký xác nhận đồng ý.

Không những vậy, chúng tôi còn thấy trong phương án thi công của Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, đã được sự đồng thuận bằng 38 chữ ký xác nhận, của các hộ gia đình có đường ống nước đi qua, nhất trí cho Công ty thi công.

Cán bộ, đảng viên không đồng ý

Cũng theo ông Sùng thì việc làm trên tưởng chừng đơn giản, bởi “hợp với ý Đảng, lòng dân” nhưng đã bị “ích” lại cho đến nay, đơn vị thi công không thể thực hiện, nguyên nhân do chính quyền xã Thanh Sơn không đồng ý.

Để tìm hiểu lý do “bất thường” này, phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã tiến hành làm việc với ông Đoàn Đình Goòng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn. Trước những ý kiến của doanh nghiệp về việc mua bán nước từ xã Thanh Sơn, không thực hiện được là do chính quyền không đống ý, ông Goòng, trình bày: Công trình Trạm cấp nước sạch xã Thanh Sơn, được xây dựng từ năm 2017 do Trung tâm nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương làm chủ đầu tư. Công trình có trị giá quyết toán là 5 tỷ 585 triệu đồng (trong đó: vốn Ngân sách Nhà nước là 3 tỷ 135 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp là 2 tỷ 450 triệu đồng). Ngày 21/5/2010, UBND xã Thanh Sơn đã cùng với lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn ký hợp đồng chuyển quyền đầu tư và khai thác trạm cấp nước. Trong thời gian qua, Công ty thực hiện Điều 5 nghĩa vụ và quyền lợi của bên B theo hợp đồng, đơn vị đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ dân dân xã Thanh Sơn và đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước sạch cho người dân xã Thanh Khê và thôn Khánh Mậu, xã Thanh Thủy. Xã Thanh Sơn đã nhận được Đơn đề nghị xin phép thi công của Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn, xin lắp đặt đường ống để bán nước cho Công ty CP Phát triển Đô thị & Nông thôn Sông Đà, phục vụ các hộ dân thôn Lại Xá. Vấn đề này, xã Thanh Sơn đã đưa ra cuộc họp của Đảng ủy xã, nhưng cán bộ, đảng viên đã không đồng ý cho Công ty này, tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Ông Đoàn Đình Goòng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết việc không đồng ý bán nước đã được Đảng ủy xã thông qua.

Với lý do, cán bộ, đảng viên đưa ra trong cuộc họp, lo ngại Công ty không đáp ứng đủ nước cho người dân trong xã và trước đây xã đã từng một lần đồng ý cho Công ty này mở rộng. Bên cạnh đó, ông Goòng cũng cho biết thêm ý kiến: Xã Thanh Sơn trước đây là địa bàn điểm nóng về tình hình an ninh, chính trị nên không thể vì chuyện bán nước, dẫn đến ý kiến này nọ lảm ảnh hưởng đến tình hình của địa phương. Đây là ý kiến chung tập thể đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy xã, cá nhân của ông không có quyền quyết định. Việc không đồng ý của xã cho Công ty bán nước đã được ông Goòng thông báo qua điện thoại cho doanh nghiệp.

Trước câu hỏi của phóng viên, việc người dân nơi có đường ống nước đi qua của xã Thanh Sơn, Thanh Thủy đều đã ký đồng thuận, thì làm gì có việc bán nước của Công ty sẽ làm ảnh hưởng an ninh, chính trị của địa phương? Ông Goòng trả lời: Đây là ý kiến của tập thể Đảng ủy xã, chứ không phải riêng cá nhân ông, không phải đồng ý cho bán nước sẽ gây mất ổn định, mà xã lo ngại vấn đề này xảy ra. Việc Công ty có cam kết đảm bảo nước cho người dân không bị thiếu, nhưng mọi người vẫn không đồng thuận.

Với những lý do mà ông Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn đưa ra không đồng ý, cho Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Nước sạch Thanh Sơn bán nước, phục vụ người dân thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy, chúng tôi thấy thật “khó hiểu”. Trong khi, huyện Thanh Hà đã có bút phê của Chủ tịch UBND huyện, người dân đều ủng hộ nhất trí cao, nhưng cán bộ, đảng viên xã Thanh Sơn lại nhất quyết “không”. Ở đây đang diễn ra “nghịch lý”, đáng ra vì mục đích “an sinh, xã hội” cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi trước thì xã Thanh Sơn có đi ngược lại hay không? Những lý do của Đảng ủy xã Thanh Sơn, mà ông Chủ tịch UBND xã đưa ra đã “thấu tình, đạt lý” chưa, hay vì vấn đề nào khác? Trong khi gần 1 nghìn hộ dân hàng ngày phải dùng nước ô nhiễm, đang “khắc khoải” mong chờ nguồn nước mới, lại bị cán bộ, đảng viên xã Thanh Sơn “chặn” lại vậy có đúng hay không?

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/thanh-ha-hai-duong-mong-moi-chinh-dang-cua-dan-dang-bi-phot-lo-bai-2-dan-dong-thuan-chinh-quyen-khong-dong-y-1250284.html