'Thanh gươm diệt quỷ' và lời cảnh báo dành cho Studio Ghibli

Thành công của phim điện ảnh 'Demon Slayer' khiến khán giả đặt câu hỏi: liệu Studio Ghibli đang ở đâu trong cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu anime?

Hôm 15/11, trang Deadline đưa tin Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie - Mugen Train chính thức trở thành tựa anime có doanh thu cao nhất ở định dạng IMAX.

Tác phẩm hoạt hình chuyển thể từ bộ truyện tranh Kimetsu no yaiba (tên tiếng Việt: Thanh gươm diệt quỷ) đang đứng ở vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng phim Nhật có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Anime có doanh thu định dạng IMAX cao nhất Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Demon Slayer đã vượt Bohemian Rhapsody, trở thành tựa phim có doanh thu cao nhất ở định dạng IMAX, với 1,5 tỷ yen sau 30 ngày ra rạp. Cũng theo Deadline, doanh thu của Demon Slayer tại thị trường Nhật Bản tính tới 15/11 là khoảng 24 tỷ yen.

 Demon Slayer được kỳ vọng sẽ vượt doanh thu của Spirited Away. Ảnh: Toho.

Demon Slayer được kỳ vọng sẽ vượt doanh thu của Spirited Away. Ảnh: Toho.

Trong tuần thứ năm trụ rạp, Demon Slayer thu 146,3 triệu yen từ 38 rạp IMAX, giảm chỉ 3% so với thành tích của tuần trước đó. Tại Đài Loan, bộ phim thu 225.000 USD từ 9 rạp IMAX, nâng tổng doanh thu phòng vé tại đây lên con số 710.000 USD. Demon Slayer đã phát hành tại Hong Kong (Trung Quốc) vào 12/11, trước khi được chiếu ở các rạp IMAX nơi đây.

Thành tích tại hai thị trường Đài Loan và Hong Kong có thể giúp Demon Slayer leo lên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng phim Nhật ăn khách nhất mọi thời đại. Phim hiện chỉ thiếu 6,8 tỷ yen để chạm ngưỡng doanh thu 30,8 tỷ yen của Spirited Away (2001).

Nếu kiếm được nhiều hơn, Demon Slayer sẽ soán ngôi Spirited Away, trở thành phim Nhật có doanh thu cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, với việc bộ phim hoạt hình 3D Stand by Me Doraemon 2 phát hành từ 20/11 tới, Demon Slayer sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao thành tích.

Thành công của Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie - Mugen Train tại phòng chiếu Nhật Bản thực tế không gây bất ngờ với công chúng. Bởi nguyên tác Thanh gươm diệt quỷ của tác giả Gotouge Koyoharu đã liên tục nằm trong top những bộ truyện tranh Nhật Bản ăn khách nhất từ khi ra mắt hồi 2017 tới nay.

Theo thống kê của Oricon, tới tháng 2, đã có 40,3 triệu bản sách Kimetsu no Yaiba được tiêu thụ trên toàn thế giới, bao gồm cả sách giấy và định dạng kỹ thuật số.

Tháng 4/2019, phiên bản anime dài tập chuyển thể từ manga đã ra mắt và được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt. Tác phẩm giành chiến thắng tại nhiều hạng mục trong lễ trao giải Newtype Anime Awards tổ chức hồi tháng 11/2019.

Thành công thương mại lẫn tính nghệ thuật của nguyên tác, loạt anime dài tập, cùng cộng đồng người hâm mộ hùng hậu trong và ngoài lãnh thổ Nhật Bản, tất cả đóng vai trò không nhỏ giúp Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie - Mugen Train gặt hái doanh thu khổng lồ chỉ sau hơn một tháng phát hành.

Hayao Miyazaki nói gì về thành công của Demon Slayer?

Đối lập với danh tiếng không ngừng tăng của Demon Slayer, hay cuộc cạnh tranh sôi động giữa các tựa anime ăn khách trên thị trường, là sự yên ắng trong thời gian dài của Studio Ghibli - xưởng phim hoạt hình hàng đầu Nhật Bản.

Hình ảnh Hayao Miyazaki đi gom rác được phóng viên ghi lại. Ảnh: Flash.

Ngày 10/11, Yahoo! Japan đưa tin phóng viên đã tiếp cận Hayao Miyazaki, nhà đồng sáng lập 79 tuổi của Studio Ghibli, khi ông đang thu dọn rác ở khu dân cư gần nhà.

Khi được hỏi suy nghĩ về khả năng Demon Slayer sẽ soán ngôi phim Nhật có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Spirited Away, vị đạo diễn tỏ ra lãnh đạm.

Miyazaki cho biết ông chưa xem bộ phim. Ông cũng không xem TV, không tới rạp xem phim, và bản thân chỉ là “một lão già về hưu đang nhặt rác”. Ông nói: “Sẽ tốt hơn nếu mọi người đừng quá bận tâm tới những thứ như thống kê doanh thu phòng vé mà tập trung toàn bộ trí lực vào công việc của bản thân. Chỉ cần dốc toàn tâm toàn lực vào những gì đang làm là được”.

Khi phóng viên đặt giả thiết người hâm mộ có thể thất vọng nếu Spirited Away đánh mất vị trí đầu bảng, Miyazaki đưa ra câu trả lời: “Điều đó không có gì đáng lo. Thế giới đâu thiếu những điều bị thổi phồng. Giờ tôi phải tập trung nhặt rác đã”.

Sự ung dung đến từ cha đẻ của nhiều bộ phim hoạt hình ăn khách như Spirited Away, Princess Mononoke, Howl’s Moving Castle, Ponyo, The Wind Rises… chính là bản sắc làm nên thương hiệu Studio Ghibli mà công chúng yêu mến.

Sự thích nghi chậm chạp của Ghibli với thời đại mới

Kể từ sau When Marnie Was There (2014), đã sáu năm trôi qua, khán giả vẫn chưa được thưởng thức thêm tác phẩm mới nào từ xưởng phim hoạt hình kỳ cựu.

Không chỉ chậm trễ trong việc ra mắt tác phẩm mới, Studio Ghibli mất rất nhiều thời gian để thích nghi với thay đổi của thời đại. Xưởng phim vẫn duy trì phương pháp làm phim hoạt hình thủ công với các họa sĩ vẽ tay từng khung hình trong tác phẩm.

Toshio Suzuki, một trong các nhà đồng sáng lập Studio Ghibli, từng chia sẻ với Crunchyroll về dự án phim hoạt hình How Do You Live? mà Hayao Miyazaki đang thực hiện như sau: “Chúng tôi có 60 họa sĩ đang làm việc, nhưng chỉ có thể cho ra đời một phút phim mỗi tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc sau một năm, ta sẽ có 12 phút thành phẩm. Trên thực tế, chúng tôi đã phát triển dự án này trong ba năm, nghĩa là mới có 36 phút phim được hoàn thiện. Chúng tôi hy vọng có thể hoàn thiện tác phẩm trong vòng ba năm tới”.

Hình ảnh từ bộ phim hoạt hình 3D Aya to Majo sắp ra mắt của Studio Ghibli. Ảnh: Ghibli.

Khi sản xuất hoạt hình và anime đã trở thành dây chuyền công nghiệp cho ra đời hàng chục tác phẩm mới mỗi năm, tiêu tốn quá nhiều thời gian và công sức để thực hiện tác phẩm theo cách truyền thống khiến thương hiệu Ghibli chịu không ít thiệt thòi.

Chưa tính đến gánh nặng kinh tế, việc không thể ra mắt tác phẩm mới trong suốt sáu năm qua đã khiến xưởng phim mất đi phương tiện để kết nối với khán giả trung thành, và trở nên xa lạ với lớp khán giả mới.

Bước tiến về lớn nhất về mặt công nghệ của Ghibli trong những năm qua đến từ bộ phim dài Aya to Majo - tác phẩm được chuyển thể từ tiểu thuyết Earwig and the Witch của Diana Wynne Jones. Phim do Goro Miyazaki, con trai của Hayao Miyazaki, thực hiện 100% bằng công nghệ đồ họa vi tính (CGI) và dự kiến ra mắt ngày 30/12 trên kênh NHK.

Trước Aya to Majo, Ghibli đã sử dụng quy trình kỹ thuật số để thực hiện không ít tác phẩm. Tuy nhiên, phải tới dự án của Goro Miyazaki, công nghệ đồ họa vi tính mới mang lại một diện mạo và phong cách thể hiện hoàn toàn mới so với lịch sử thương hiệu.

Trên khía cạnh phát hành, phải tới cuối 2019, khán giả mới có cơ hội thưởng thức các bộ phim hoạt hình Ghibli trên các dịch vụ xem video trực tuyến. Sự kiện quá muộn màng nếu so sánh với tốc độ phát triển chóng mặt của định dạng giải trí này, cũng như sức hút từ các tựa phim của Ghibli với công chúng nói chung.

Theo chia sẻ của Toshio Suzuki, quyết định là sự thích nghi với thời đại mới, và không gây ảnh hưởng tới phong cách làm phim của họ. Ghibli vẫn là xưởng phim sản xuất những tác phẩm hoạt hình như trước đây.

Ông cũng cho biết thương vụ hợp tác với các công ty kinh doanh dịch vụ xem video trực tuyến là một cách để xưởng tạo ra nguồn tiền tái đầu tư cho các dự án đang ấp ủ. “Bạn không thể cứ thế quay lại và làm đúng những việc mình từng làm trong quá khứ. Cần phải làm điều gì đó mới mẻ”.

“Một trong những ý tưởng đến theo đó, là tại sao không dành thêm thời gian và tiền bạc để làm một bộ phim nữa? Đó cũng là thời điểm mà những xu hướng mới xuất hiện”, Toshio Suzuki nói.

Sau nhiều thập kỷ hình thành và phát triển, Studio Ghibli đã cho ra đời những bộ phim hoạt hình để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng. Các tác phẩm được kể một cách chậm rãi, mang màu sắc hoài cổ, thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan độc đáo, không thể nhầm lẫn.

Giờ đây, điện ảnh là nền công nghiệp với guồng quay đào thải khắc nghiệt, và khán giả dễ bị phân tâm bởi những điều mới mẻ, lạ lẫm. Sự ung dung “mặc kệ thế giới” của Ghibli - như câu trả lời giữa lúc nhặt rác của Hayao Miyazaki về Demon Slayer - có thể khiến danh xưng "xưởng phim hoạt hình số một Nhật Bản" trở thành dĩ vãng huy hoàng trong tương lai không xa.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-guom-diet-quy-va-loi-canh-bao-danh-cho-studio-ghibli-post1153632.html