Thánh giả giọng: Nghệ sĩ miền Bắc ít yêu thương nhau

MC Việt Hồ, người được mệnh danh là thánh giả giọng đã có những đánh giá khá bạo dạn về nghệ sĩ miền Bắc.

Được mệnh danh là “thánh giả giọng”, nhưng Nguyễn Việt Hồ thích được gọi với danh xưng là MC hơn. Rời miền Nam, mảnh đất mà anh đã gắn bó từ khi còn là MC cho những phòng trà nhỏ, nhận mấy ngàn tiền công, Việt Hồ quyết định Bắc tiến.

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn với anh.

. Phóng viên: Anh đã lập nghiệp và thành danh ở miền Nam, tại sao lần này anh lại quyết định Bắc tiến ?

+ MC Việt Hồ: Tôi đến Hà Nội vì công việc hiện tại của tôi hiện nay bắt buộc tôi phải có mặt ở đây. Hiện tôi đang làm MC và phụ trách biên tập âm nhạc cho phòng trà Big Bang (Hà Nội).

. Sống nhiều năm như thế ở một mảnh đất miền Nam, bây giờ lại sinh sống và làm việc ở Hà Nội, anh thấy có điểm khác biệt gì ?

+ Tôi thấy rất nhiều khác biệt, nhưng khác biệt nhất là ở cách làm nghệ thuật. Tôi cảm nhận ở trong nam nghệ thuật đúng nghĩa hơn. Ví dụ đêm nhạc Trịnh Công Sơn thì phải nói về giá trị của nhân vật đó nhưng ở ngoài này đêm nhạc Trịnh Công Sơn họ thích hát bài nào thì hát miễn là của Trịnh Công Sơn. Như vậy không phải là đêm nhạc chủ đề. Ngoài ra cách làm việc và thái độ của nghệ sĩ cũng có nhiều vấn đề.

MC Việt Hồ từng giả giọng Lê Hoàng rất thành công trong một cuộc thi tài năng.

MC Việt Hồ từng giả giọng Lê Hoàng rất thành công trong một cuộc thi tài năng.

. Cụ thể là những vấn đề gì, thưa anh ?

+ Nghệ sĩ ở đây ít yêu thương nhau, ban nhạc đánh sai thì họ quay xuống hậm hực, họ cũng hay nói xấu nhau, bảo thủ cực nhiều: Họ chỉ biết một nhưng họ nghĩ mình có 10. Có những nghệ sĩ đến trễ hoặc sát giờ diễn mới đến, trong đó có cả những sao hạng A. Đến trễ hoặc đến sát như vậy làm sao có thời gian chuẩn bị, làm sao nói chuyện được với ban nhạc để có sự ăn ý…

. Rất nhiều những phát ngôn của các nghệ sĩ kiểu như anh đã từng phải “hứng đá”, anh không sợ vậy sao ?.

+ Không, tôi không sợ điều đó. Tôi sẽ chấp nhận tự đánh mất sự yêu thương để đưa giá trị của âm nhạc của Hà Nội lên.

. Anh có chút đánh giá về cách làm nghệ thuật ở Hà Nội chưa tốt, nhưng rất nhiều chương trình nghệ thuật vẫn diễn ra đều đặn, nếu không muốn nói là rầm rộ, theo anh tại sao lại thế ?.

+ Theo tôi nghệ thuật miền Nam đã có thời thịnh hành và bão hòa, hàng trăm show tổ chức trước đó mới ra đây (Hà Nội). Người miền Nam dám ra đây đầu tư vì họ có bản lĩnh. Miền Bắc phải chắc chắn mới làm. Đôi khi người miền Nam làm liveshow chấp nhận lỗ 3-4 tỷ để lấy thương hiệu, người miền Bắc thì phải chắc ăn mới làm. Tư tưởng ăn chắc mặc bền mà!

Công việc MC đám cưới có thể đem đến cho anh 40-50 triệu/một lần dẫn.

. Giờ đây anh được biết đến với tư cách là một MC, anh đánh giá thế nào về MC ở Việt Nam.

+ Ở Việt Nam tôi gọi 2 chữ MC chưa nhiều. Cứ cầm mic mà gọi là MC chưa phải, đó chỉ là người dẫn chương trình. MC phải xây dựng được cốt truyện, chương trình, diễn giải được vấn đề đó chứ không phải đọc lại vấn đề đó.

. Sau khi nổi tiếng và được nhiều người biết đến hơn, thu nhập của anh chắc khá lắm nhỉ ?

+ Dĩ nhiên là được cải thiện rất nhiều. Trước đây catse MC của tôi chỉ 3-4 triệu nhưng bây giờ đã ở mức 10 triệu. Nếu dẫn đám cưới thì khá hơn, tầm 4-5 chục triệu/show”

Vài nét về "thánh giả giọng"

Sinh năm 1981, nhưng cái tên Việt Hồ mới thực sự được biết đến rầm rộ trong mấy năm trở lại đây, không chỉ bởi khả năng giả giọng siêu phàm, anh còn có mặt ở nhiều chương trình gameshow lớn như: Vietnam got talent (VTV3), Bạn có thực tài, Thử thách danh dài (HTV7) và mới đây nhất anh tham gia gameshow Quyền lực ghế nóng cùng với Đàm Vĩnh Hưng, Chí Trung, Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay).

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/thanh-gia-giong-nghe-si-mien-bac-it-yeu-thuong-nhau-735840.html