Thành Gia Định được xây kiểu châu Âu như thế nào?

Sau khi chiếm lại thành Gia Định, năm 1790, chúa Nguyễn Ánh đã yêu cầu đại tá Oliver vẽ bản đồ quy hoạch và thiết kế tòa thành theo kiểu châu Âu.

Trong cuốn Đế quốc An Nam và người dân An Nam (L'Empire d'Annam et le peuple annamite, xuất bản lần đầu năm 1889) của nhiều tác giả khuyết danh và được Giáo sư Jules Silvestre cập nhật và chú thích (NXB Đà Nẵng vừa cho ra mắt tháng 7/2020, Phan Tín Dụng dịch), bên cạnh những thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán ở nước ta hồi thế kỷ 19, nhiều thông tin quan trọng về sông Mê Kông, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, đã được ghi chép chi tiết.

Qua chương IV của cuốn sách, chúng ta có thể nắm được những thông tin cụ thể về quá trình xây dựng thành Gia Định dưới thời chúa Nguyễn Ánh. Đây là ngôi thành đầu tiên ở nước ta được xây dựng theo kiến trúc phương Tây, và sau này đã bị phá đi dưới thời vua Minh Mạng sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi.

Cuốn sách cho biết ngày 8/8/1789, chúa Nguyễn Ánh lại trở thành chủ nhân của Sài Gòn, và lập trụ sở tại thành Bình Dương, thường gọi là Thị Nghè, rìa một nhánh sông Sài Gòn. Năm đó, Đức cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Đông cung Cảnh cũng trở về nước.

 Bản đồ thành Gia Định với tòa thành nằm giữa rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé.

Bản đồ thành Gia Định với tòa thành nằm giữa rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé.

Chúa Nguyễn Ánh đã yêu cầu ông Victor d’Oliver de Puimanel (hay còn gọi là Đại tá Oliver) vẽ một đô thị quy củ và xây dựng một tòa thành công sự kiên cố kiểu châu Âu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật An Nam và tính chất của vật liệu.

Thiết kế đô thị Sài Gòn được vẽ năm 1790 và được dựng năm 1795, bởi ông Brun, kỹ sư tùy viên của chúa.

Các tác giả miêu tả: Đô thị trải ra như ngày nay, trên bờ phải của sông, nằm giữa rạch Thị Nghè và rạch Bến Nghé hay rạch Chanh. Bố trí cân đối, có hơn bốn mươi đường phố, rộng mười ba đến hai mươi mét và thường song song hoặc vuông góc với bờ kè. Hai kênh đào đi vào giữa lòng đô thị và dùng cho việc rút nước từ các vùng đầm lầy. Ngày nay đầm đã bị lấp toàn bộ hoặc một phần, và chúng nằm giữa con đường Chợ Lớn cũ và rạch Bến Nghé, hoặc trên đại lộ Canton (tức đường Hàm Nghi ngày nay).

“Ở trung tâm đô thị là tòa thành, chu vi khoảng hai nghìn năm trăm mét, một pháo đài vuông vức khổng lồ có vọng lâu, với hai hình bán nguyệt trên mặt tây nam, tây bắc và đông bắc. Trục của thành nằm trong phần kéo dài của tuyến đường hiện tại của cây cầu số ba qua rạch Thị Nghè, nghĩa là tòa thành cũng sẽ bị chia đôi bởi đường Nationale (đường Hai Bà Trưng ngày nay) chạy vuông góc với các mặt tây bắc – đông nam”.

Qua ghi chép trong sách, chúng ta cũng mới có thể hình dung về thành Sài Gòn khi còn là thủ phủ của chính quyền chúa Nguyễn Ánh, trước khi ông chiếm được Phú Xuân rồi lên ngôi sau đó:

Trung tâm thành là cung vua, trước mặt chính đông nam của cung này là quảng trường duyệt binh, dãy súng thần công và một kỳ đài. Ở bên trái cung điện hoàng gia là nơi ở của hoàng tử kế vị, và phía sau cung điện là nơi ở của hoàng hậu. Ở bên phải của cung điện là xưởng vũ khí và lò đúc, xưởng đóng xe, v.v…, bao gồm mười tòa nhà được bố trí đều đặn.

Trong bán nguyệt ở trung tâm phía đông nam còn lại dành cho kỳ đài. Giữa nhà ở của hoàng hậu và kho thuốc đạn ở phía tây bắc, là bệnh viện. Ở bên trái cung điện và phía sau nơi ở của hoàng tử là các kho quân dụng, bao gồm chín tòa nhà.

Ngôi chợ ở Sài Gòn. Tranh minh họa trên tờ Le Monde Illustré năm 1864, được đăng trong sách.

Tác giả cũng cho biết tòa thành có diện tích khoảng sáu mươi lăm héc ta. Ở giữa mặt đông bắc của tòa thành và rạch Thị Nghè, cách bờ dốc hai trăm mét, là ngôi nhà của Giám mục Adran ở trung tâm xưa kia là xóm đạo Thị Nghè và đến sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và cuộc tái chiếm Sài Gòn, dưới thời vua Minh Mạng, người ta đã xây dựng lại tòa thành và chuyển xóm đạo sang bên kia sông. Nhà của giám mục ở trong khu vực có kho quân lương chung, phía trên vườn bách thảo và là nơi quàn thi hài Giám mục Pigneau de Béhaine khi ông qua đời, năm 1799.

Những chỉ dẫn tiếp theo cho biết, tại vị trí của Khám Lớn sau này, trước kia là Kho bạc, và cạnh nơi sau này là khu chợ có mái che (chợ Da Còm), cùng xưởng gạch của nhà vua.

Tác phẩm Aperçu sur la géographie, les productions, l'industrie, les moeurs et les coutumes de l'Annam (tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam) được đăng lần đầu trên tờ Courrier de Saigon năm 1875 và 1876, xuất bản dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa.

Năm 1889, Chánh tham biện Pháp ở Nam kỳ, Giáo sư Học viện Khoa học Chính trị Jules Sivestre mới tiến hành định bản ấn phẩm này từ bản in trên báo và xuất bản thành sách. Tuy nghiên cứu này không ghi tên tác giả, nhưng vẫn là một tác phẩm chứa đựng những thông tin thú vị và tin cậy, tóm tắt những quan sát chính xác của người Pháp về nước ta dưới thế kỷ 19.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-gia-dinh-duoc-xay-kieu-chau-au-nhu-the-nao-post1112702.html