Thánh đường trong chùa Cổ Lễ

Một ngôi chùa cổ duy nhất trên đất nước ta có kiến trúc pha trộn của hội quán Phật giáo với dáng dấp thánh đường Công giáo. Điều đặc biệt này là minh chứng cho nhận định Công giáo được bản địa hóa rất sống động và phát triển tại Việt Nam theo cách ít ai ngờ tới.

Quả chuông đại hồng chung đúc đồng lớn nhất Việt Nam ở chùa Cổ Lễ. Ảnh: Thụy Văn

Chùa Cổ Lễ nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Đây là khu vực trung tâm phát triển Công giáo trong lịch sử. Vùng Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, rốn văn hóa của đồng bằng sông Hồng hiện có gần 1.000 ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo, tập trung nhiều nhất ở vùng duyên hải ven biển. Các giáo phận hiền hòa và thanh khiết màu sắc văn hóa tôn giáo. Chỉ riêng khu vực này đã sở hữu 2 trong số 4 tiểu vương cung thánh đường của Việt Nam là nhà thờ Phú Nhai của giáo xứ Phú Nhai, Xuân Trường, Nam Định và nhà thờ Sở Kiện của giáo xứ Sở Kiện, Thanh Liêm, Hà Nam. Trên thế giới cũng chỉ có khoảng 1.500 nhà thờ có bề dày lịch sử, đóng góp vào sự phát triển Công giáo của nhân loại được phong tước hiệu này. Như vậy, nằm trong khu vực đan xen các giáo xứ toàn tòng, một ngôi chùa được xây dựng lai giữa nơi thờ tự Phật giáo và thánh đường Công giáo là chùa Cổ Lễ được xem là minh chứng cho sự hòa hảo, là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong lịch sử.

Công giáo du nhập vào Việt Nam muộn hơn các tôn giáo khác, nhưng tốc độ bản địa hóa theo một cách riêng và dấu ấn khá rõ nét. Theo tiến trình phát triển, Công giáo đi vào đời sống bình dân, trở thành nhu cầu văn hóa căn bản, chỗ dựa tinh thần, đôi khi bị nhầm lẫn với tín ngưỡng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khi du nhập dần vào Việt Nam, Công giáo bản địa hóa đến độ ở một vài giáo xứ, giáo dân dù theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành vẫn duy trì tín ngưỡng thờ tổ tiên. Không những thế, việc này rất phổ biến. Như vậy, đã có sự tự hòa hợp 2 nhu cầu cơ bản của tôn giáo và tín ngưỡng. Chấp nhận tín ngưỡng đặc trưng của người dân Việt Nam là thờ cúng tổ tiên, chăm lo phần mộ, đồng thời vẫn theo đạo kính Chúa. Một số địa phương người theo Công giáo và người theo đạo Phật sinh cư hòa thuận.

Chùa Cổ Lễ được xây dựng từ thời Lý Thần Tông, vào khoảng thế kỷ XII, do Quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ Phật. Năm 1902, hòa thượng Phạm Quang Tuyên trụ trì tự thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc “nhất thốc lâu đài” bằng quyên góp của các tín đồ. Điều đáng nói là ngôi chùa ngoài ngọn tháp “cửu phẩm liên hoa” đặc trưng của các ngôi chùa Phật giáo, còn có 2 cầu núi dẫn vào Hội quán Phật giáo. Kiến trúc khu vực này giống với các hang đá nhân tạo trong giáo đường. Toàn bộ cung tam bảo xây dựng bằng các cột gô-tích đỡ 2 con rồng chầu lớn uốn xung quanh. Phía trước cung mô phỏng như một mặt chính ngôi giáo đường. Và trong gian thờ Phật, các bệ thờ tôn cao và giật cấp, mái vòm và cột kèo kiểu gô-tích, khác hẳn với các gian thờ Phật vốn thấp nhỏ, ấm áp ở đa số các ngôi chùa cổ Việt Nam. Các cột vòm mang dáng dấp gô-tích ở Phật điện trung tâm của chùa đều uy nghi, cổ điển và sang trọng.

Cụ Nguyễn Văn Trình, một trong các cụ cao niên sống cùng với ngôi chùa cổ này gần cả đời người nói với chúng tôi đầy tự hào về vai trò của ngôi chùa trong con đường hành hương của các tín đồ khắp cả nước. Cụ Trình cho rằng, lúc xây dựng ngôi chùa, việc áp dụng kiến trúc giống các thánh đường trong vùng là lẽ tự nhiên. Toàn bộ thiết kế đều do hòa thượng, các tăng ni, phật tử và các đạo hữu bàn thảo, xây dựng, không có sự áp đặt nào từ chính quyền hành chính địa phương lúc đó. Nguyên liệu để xây dựng từ mật mía, giấy bản, vôi vữa, gạch cũng do nhà chùa tự quyên góp xây dựng.

Điều đáng tự hào hơn là hiện nay, ở chùa Cổ Lễ, ngoài việc lưu giữ đại pháp khí là đại hồng chung, quả chuông đúc đồng cổ lớn nhất Việt Nam còn lưu giữ hồ sơ về hòa thượng Thích Thế Long, người từng cởi áo cà sa, khoác chiến bào, tham gia tham gia kháng chiến chống Pháp. Vì những đặc sắc trong kiến trúc và bề dày lịch sử, công lao của các đại đức, hòa thượng, ngôi chùa trở thành di tích lưu giữ tinh hoa đặc sắc trong một thời kỳ lịch sử của miền Bắc Việt Nam.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thanh-duong-trong-chua-co-le/