'Thánh địa ớt' Ariêu chuyển mình

Cây ớt Ariêu bây giờ mọc trải dài trên những khu vườn đồi, len cả vào các khu dân cư, nên người dân ở xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam, thường tự hào gọi quê hương mình là 'thánh địa ớt'. Những ngày cuối tháng Tư này, chúng tôi làm một cuộc khám phá loại cây đã và đang mang lại nguồn thu khá cao và ổn định, cho nhiều gia đình người dân tộc Cơ Tu ở đây và phát hiện ra nhiều điều thú vị.

Cây ớt Ariêu có những phẩm chất đặc trưng không nơi nào có được. Ảnh: Đặng Thị Ánh Tuyết

Hương vị đặc trưng của núi rừng Đông Giang

"Nếu tính riêng về cây ớt thì xã Ma Cooih chỉ là "đàn em" của nhiều địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, kể từ năm 2014 trở lại đây, nhờ đưa cây ớt đặc sản vào sản xuất mà đời sống của nhiều hộ dân trong xã đã được cải thiện đáng kể. Cây ớt Ariêu thực sự đã đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người trồng và đã trở thành cây "xóa đói giảm nghèo" ở địa phương..." - anh Hồ A Têih, ở thôn Azal, chủ một hộ tham gia trồng ớt mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

Theo anh Têih, ớt Ariêu vốn là loài cây mọc hoang ở vùng rừng núi Đông Giang, chủ yếu sinh sản nhờ những loài chim phát tán hạt nên có hương thơm và vị cay rất đặc trưng mà những loại ớt khác không thể có được. Thêm vào đó, trồng ớt Ariêu tốn ít diện tích đất và có thể tận dụng công lao động của gia đình, là loại cây ngắn ngày nhanh cho thu hoạch. Đó là chưa kể kỹ thuật trồng ớt Ariêu khá đơn giản so với các loại cây trồng khác, chỉ cần giữ cho đất luôn tơi xốp, hạn chế cỏ mọc để giúp cây không bị mất dinh dưỡng...

Tuy nhiên, nghe thì dễ vậy nhưng để cây ớt trở thành "vũ khí xóa nghèo" thì không hề đơn giản. Khi những hộ đầu tiên ở xã Ma Cooih trồng ớt Ariêu, mặc dù đã có những thành công ban đầu, nhưng dân bản vẫn chưa thực sự tin tưởng, vừa làm, vừa nghe ngóng. May sao, năm 2014, anh Alăng Trung, ở thôn A Sờ - một trong những người tiên phong trong phong trào trồng ớt ở Ma Cooih, mạnh dạn chế biến sản phẩm ớt Ariêu muối theo lối truyền thống của người Cơ Tu, để gửi đi dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam bất ngờ đoạt giải cao (giải C), thì nhiều người mới có quyết tâm trồng ớt để "nhấn ga" làm giàu.

Còn theo ông Trần Quốc Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih, thuận lợi cho cây ớt Ariêu khi huyện Đông Giang quyết tâm chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung trong nông nghiệp, mạnh dạn chuyển đổi một số loại cây kém hiệu quả kinh tế sang trồng ớt. Những vùng trồng ớt tập trung như ở Ma Cooih sẽ được khuyến khích một cách kịp thời, chẳng hạn như hỗ trợ vốn để xây dựng thương hiệu. Kết quả là năm 2014 - thời điểm cây ớt Ariêu bắt đầu được người dân các thôn Azal, Abông, A Sờ "để ý" - mới có vài khoảnh vườn, rẫy có cây ớt "bén rễ", thì sang đầu năm 2015, trên vùng núi đồi Ma Cooih đã có tổng cộng 6ha ớt, gồm ớt mọc tự nhiên trên rẫy cộng với diện tích trồng dặm và thâm canh tập trung ở nhiều điểm.

Theo kế hoạch, năm 2016, diện tích sản xuất ớt của xã Ma Cooih sẽ được mở rộng trên toàn bộ 7 thôn với 20 nghìn cây ớt Ariêu được trồng mới. Hiện, các hộ tham gia trồng ớt của xã Ma Cooih đang ráo riết chuẩn bị nguồn nguyên liệu để cho ra sản phẩm có thể làm ra 12 nghìn lọ ớt muối bán ra thị trường thay vì sản lượng 2-3 nghìn hộp như từ trước đến nay.

Để cây ớt xóa được đói, giảm được nghèo

Nhìn vườn ớt cây nào cũng trĩu quả, người trồng ớt ở Ma Cooih bày tỏ niềm tin rằng, nếu không rủi ro gì, mỗi héc-ta ớt Ariêu có thể cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm, vì ngoài năng suất đạt khá cao ra, ớt ngoài thị trường cũng đang được giá. Không những vậy, ớt thu hoạch đến đâu, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih giúp bà con thu mua đến đó để chế biến ra sản phẩm ớt muối truyền thống. Riêng năm 2015, diện tích trồng ban đầu đã cho thu hoạch gần nửa tấn, mang lại cho mỗi hộ thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng khiến người trồng ớt ở Ma Cooih rất phấn khởi" - Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih Trần Quốc Trí cho biết.

Những gì chúng tôi được chứng kiến trong quá trình thực tế tại "thánh địa ớt" Ma Cooih, cộng với thông tin do các ban, ngành chức năng huyện Đông Giang cung cấp, chẳng hạn như sự hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật, giống, phân bón trong quá trình trồng ớt, hỗ trợ thiết bị bảo quản ớt, lọ đựng, nhãn mác trong khâu chế biến ớt Ariêu muối đã cho thấy người trồng giống ớt truyền thống ở đây đang có nhiều thuận lợi.

Đặc biệt, "điều kiện đi kèm", đổi lấy sự hỗ trợ trên là giống được đưa vào canh tác phải là giống ớt bản địa cùng với thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể độc quyền "Ớt Ariêu Ma Cooih" chứng tỏ huyện Đông Giang, xã Ma Cooih đã "hợp đồng tín nhiệm" với cả người trồng ớt và cơ sở chế biến đặc sản ớt muối truyền thống. Vấn đề còn lại là trong tương lai, làm thế nào để tạo ra sự bền vững trong tiêu thụ cũng như tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm do người trồng làm ra và uy tín của chính thương hiệu ớt Ariêu.

Hiện, một lượng khá lớn sản phẩm ớt Ariêu muối đã "vượt biên giới" sang tận Mỹ thông qua một Việt kiều và Hợp tác Nông lâm nghiệp Ma Cooih từng nhận được nhiều cuộc gọi đặt hàng từ TP Hồ Chí Minh, nhưng vì không đủ nguyên liệu chế biến nên đành "xin khất" khách hàng. Như vậy, trong thời gian tới, nếu chính quyền địa phương có "kế sách", hướng đầu tư để phát triển diện tích trồng ớt Ariêu theo đúng chủng loại bản địa, đồng thời, thúc đẩy việc chế biến ớt Ariêu muối vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị đặc trưng truyền thống, chắc chắn loại cây đặc sản này sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong "bản đồ xóa đói giảm nghèo" ở Ma Cooih.

Đặng Thị Ánh Tuyết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thanh-dia-ot-arieu-chuyen-minh/