Thành công từ ý chí kiên cường

Ít ai nghĩ, trên mảnh đất cằn Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại trồng được cây sầu riêng cho quả. Ấy vậy mà, ông Nguyễn Hưng Tạo đã trồng thành công vườn sầu riêng cho thu hoạch tiền tỷ. Ông cũng được biết đến là người sở hữu vườn cây lâu trầm duy nhất có nguồn gốc từ Trung Cận Ðông làm nguyên liệu chế biến nhang trầm xuất khẩu. Thành quả độc đáo của ông Tạo đã mở ra hướng mới phát triển kinh tế cho nông dân tỉnh Quảng Trị.

Ít ai nghĩ, trên mảnh đất cằn Vĩnh Linh (Quảng Trị) lại trồng được cây sầu riêng cho quả. Ấy vậy mà, ông Nguyễn Hưng Tạo đã trồng thành công vườn sầu riêng cho thu hoạch tiền tỷ. Ông cũng được biết đến là người sở hữu vườn cây lâu trầm duy nhất có nguồn gốc từ Trung Cận Ðông làm nguyên liệu chế biến nhang trầm xuất khẩu. Thành quả độc đáo của ông Tạo đã mở ra hướng mới phát triển kinh tế cho nông dân tỉnh Quảng Trị.

1 Tôi cứ ngỡ ông chủ trang trại rộng 20 ha ở thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh phải là một người to khỏe, vạm vỡ mới đủ sức làm được những công việc độc đáo ở vùng đất sát chân núi Trường Sơn này. Ðến khi gặp ông Tạo, tôi rất bất ngờ bởi ông là người khuyết tật, ông đã mất tay trái, hỏng mắt phải trong một vụ tai nạn bom mìn cách đây mấy chục năm. Tai nạn đó cũng đã lấy đi giấc mơ vào đại học của ông Tạo. Không chịu đầu hàng số phận, ông quyết định rời quê hương xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, cùng người em gái vào miền nam lập nghiệp. Tha hương nơi xứ người, ông tình cờ quen người con gái làm thợ may. Thấy anh thanh niên khuyết tật nhưng đầy ý chí, nghị lực, chị đem lòng yêu thương anh. Cuộc tình của họ bị nhiều người phản đối vì sợ chị sẽ khổ khi lấy người chồng không có sức lao động.

Chị thì nghề nghiệp cũng chưa ổn định, làm sao gánh vác nổi chuyện gia đình. Bỏ qua tất cả những lời ngăn cản đó, yêu anh, chị lấy anh làm chồng. Không lâu sau lễ cưới, anh chị sinh liền hai người con, một trai, một gái trong niềm hạnh phúc của nội ngoại hai bên. Cùng vợ nuôi con khôn lớn, cách đây 15 năm, khi gia đình ổn định và tích lũy được một số vốn liếng, anh Tạo bàn với vợ ở lại Dĩ An, tỉnh Bình Dương để con cái thuận tiện học hành. Anh trở lại quê hương lập trang trại, mang kiến thức học được về giúp bà con nông dân phát triển kinh tế.

Vườn cây lâu trầm trồng xen dưới rừng cao-su cho giá trị kinh tế cao.

Vườn cây lâu trầm trồng xen dưới rừng cao-su cho giá trị kinh tế cao.

2 Khu vực ông Tạo chọn lập trang trại là vùng thổ nhưỡng có cấu tạo sỏi nhỏ pha đất đỏ, nằm ngay dưới chân dãy núi có địa hình dạng bát úp thoai thoải, tiếp dưới chân núi rừng Trường Sơn. Mọi vốn liếng dành dụm, ông mua mảnh đất đồi rộng 20 ha với giá gần 800 triệu đồng. Các loại cây trồng được ông dự tính phát triển là cây có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được trồng tại Quảng Trị. Ông muốn trồng sầu riêng và cây lâu trầm có nguồn gốc từ Trung Cận Ðông dùng làm nguyên liệu sản xuất nhang xuất khẩu.

Không vội vàng, ông cẩn thận gói 10 hộp đất quanh trang trại mang vào Viện Cây ăn quả miền nam nhờ phân tích chất đất hợp loại cây trồng gì. Chừng 10 ngày sau, ông nhận được thông báo của Viện với kết quả, đất trang trại cũng như vùng đất phía tây huyện Vĩnh Linh phù hợp với cây sầu riêng và các cây trồng có múi. Lúc đó Viện giới thiệu cho ông nên trồng sầu riêng giống Monthong của Thái-lan vì chất lượng tốt và hiệu quả cao. Nhận được thông báo, ông Tạo rất sung sướng bởi ước mơ tạo dựng vườn cây sầu riêng đầu tiên tại Quảng Trị của ông khi đó sắp thành hiện thực.

Mùa mưa năm 2006, ông kết nối với nhà cung cấp giống mua 200 cây sầu riêng chính gốc giống Monthong Thái-lan để trồng. Việc trồng cùng lúc số lượng cây nhiều như vậy khiến ông gặp không ít khó khăn. Ông dùng tay lành lặn đào hố, miệng ngậm cây giống thả vào hố rồi chỉnh cho cây thẳng đứng, xong xuôi lấp đất lại cho kín gốc. Sau một tuần dùng một tay trồng cây thì ông hoàn thành công việc. Mỗi buổi sáng ông ra trang trại đếm từng chồi non của cây sầu riêng phát triển. Thế rồi vườn sầu riêng 200 cây sắp được hai năm tuổi đang lên xanh tốt thì gặp trận đại hạn năm 2008, thiếu nước tưới làm 50 cây chết khô. May mắn, số cây còn lại phát triển nhanh như ông mong muốn. Nhờ chăm sóc tốt nên mới đến năm thứ 5 sầu riêng cho quả bói. Rồi trận bão năm sau đó quật gãy thêm 30 cây sầu riêng đang tuổi thu hoạch, làm ông tiếc ngẩn ngơ. Bây giờ vườn sầu riêng lứa đầu tiên ấy còn gần 100 cây cho thu hoạch. Ðược trồng ở vùng đất đỏ pha sỏi rất phù hợp cho nên cây cho quả lúc lỉu, có cây sai nhất đến 200 quả mỗi mùa. Ðể cây vừa đủ sức phát triển vừa nuôi quả ông phải tỉa bớt quả non, chỉ để lại mỗi chùm hai quả, trên mỗi cành lớn chừng bảy đến tám quả. Sầu riêng của vườn ông mỗi quả có trọng lượng khá lớn từ 3 đến 4 kg, có quả đến 5 kg, chất lượng thơm ngon, múi dày, mịn, không xơ, hạt lép và ít vị béo ngậy. Ông Tạo không thu hoạch quả trên cây, đợi sầu chín, ban đêm rụng xuống đất, sáng mai mới ra vườn nhặt vào. Sầu riêng ông bán giá 120 nghìn đến 140 nghìn đồng/kg tại vườn nhưng vẫn không đủ cung cấp vì người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc sầu riêng sạch và chất lượng cho nên ai cũng muốn mua. Ông Tạo cho biết, sầu riêng cũng không khó trồng và chăm sóc, mỗi héc-ta đất trung bình trồng được gần 300 cây. Cây ra hoa đậu quả sau gần ba tháng cho thu hoạch. Ước mơ của ông muốn biến cả trang trại thành khu vườn sầu riêng. Mấy năm trước ông trồng thêm 4 ha sầu riêng nữa, nay cây phát triển rất tốt.

3 Ðến trang trại của ông Tạo, bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Dưới tán 14 ha cây cao-su đang cho thu hoạch dày đặc nhiều cây có hình dạng như cây sả. Ông Tạo đặt tên những cây đó mang tên lâu trầm, hương liệu dùng làm nhang, giống cây này hiện rất hiếm. Cách đây sáu năm, ông có người bạn là tiến sĩ dược liệu làm việc tại Trường đại học Tây Nguyên. Nhân chuyến công tác tại vùng Trung Cận Ðông thấy người dân nơi đây sản xuất ra những loại nhang rất thơm từ một loại cây, mới nhìn rất giống cây hương lâu ở Việt Nam. Bạn ông liền mua một lọ mầm cây giống về làm vườn thực nghiệm, mày mò lai ghép mô và tạo giống giữa hai loại cây hương lâu và cây làm nhang của vùng Trung Cận Ðông. Ông Tạo mua được 10 kg giống gồm thân, lá, gốc, rễ về trồng ở trang trại mình. Từ nguồn giống ban đầu, nay ông nhân lên trồng được 14 ha cây lâu trầm nguyên liệu làm nhang. Ðặc điểm loại cây lai ghép này rất phù hợp trồng những nơi có bóng cây che, khi cây lên thì phủ kín đất cho nên triệt tiêu luôn cỏ dại chung quanh. Giá trị kinh tế của lâu trầm rất cao, trên mỗi diện tích 30 m2 trồng bán thu về được một triệu đồng. Mỗi năm đến mùa hè, ông Tạo thuê người thu hoạch cây lâu trầm, dùng máy cắt lấy gốc, rễ phơi khô, chuyển vào miền nam bán cho cơ sở sản xuất nhang xuất khẩu với giá 100 nghìn đồng/kg khô mà không đủ hàng để cung cấp. Lâu trầm là giống đơn tính, ra hoa, kết trái, nhưng hạt không bao giờ ươm lên được cây con. Muốn phát triển nhân rộng khi thu hoạch cây lấy gốc, rễ để làm nguyên liệu, còn dùng thân cây cắt ngắn thành nhiều đốt, tối đa là năm đốt để nhân giống. Người làm vườn chỉ cần xới đất theo lối dọc có độ sâu 5 đến 7 cm thả từng đoạn thân cây xuống, lấp đất lại, sau đó vài hôm trên mỗi đoạn mắt giống đó đâm ra một chồi non lên rất mạnh, đẻ ra nhiều nhánh. Cây lâu trầm từ khi trồng đến thu hoạch cần thời gian hai năm, thu về hơn 300 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều những cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích đất mà rất thuận lợi để phát triển diện rộng vì có thị trường xuất khẩu lớn.

Ông Tạo kể rằng, hằng năm đến mùa làm cỏ, trồng cây, thu hoạch ông giải quyết việc làm cùng lúc cho hơn 30 lao động với thu nhập hơn năm triệu đồng/tháng. Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đến tìm hiểu kinh nghiệm phát triển mô hình trang trại của ông Tạo, sau đó tổ chức hội nghị phát triển mạnh cây sầu riêng giống Monthong Thái-lan trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đánh giá cao hướng phát triển cây sầu riêng, cây lâu trầm của ông Tạo nên đề nghị nhân rộng mô hình này để tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người nông dân vì thị trường tiêu thụ hai loại cây này rất rộng lớn.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Phan Ngọc Nghĩa chia sẻ, trang trại của ông Tạo cho thu hoạch hơn sáu năm rồi, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác rất nhiều cho nên việc đưa các cây trồng mới như sầu riêng, lâu trầm phát triển trên đất miền tây huyện Vĩnh Linh không cần thử nghiệm nữa. Những đóng góp của ông Tạo cho quê hương xứng đáng được các cấp ghi nhận vì trước đó chưa ai làm được. Ông Tạo cho biết, sắp tới, ông sẽ đề nghị các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện để chuyển giao kinh nghiệm cho người nông dân phát triển kinh tế. Tiền kiếm được từ trang trại ông dành dụm để làm từ thiện. Tiền chế độ hằng tháng của người tàn tật ông cũng không nhận để giúp người khác khó khăn hơn mình. Ông rất mong mô hình trang trại này sớm được Nhà nước tiếp sức nhân rộng để người nông dân có hướng phát triển kinh tế mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/thanh-cong-tu-y-chi-kien-cuong-613975/