Thành công từ nỗi ám ảnh những cái chết tuổi 20

Nỗi day dứt về căn bệnh khiến thanh niên không sống quá tuổi 20 chính là động lực giúp PGS.TS Trần Vân Khánh - Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu gen - protein (Trường Đại học Y Hà Nội) bắt tay vào nghiên cứu, tìm giải pháp hạn chế căn bệnh hiểm nghèo này.

PGS Trần Vân Khánh (sinh năm 1973) là một trong 2 gương mặt tiêu biểu vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng danh giá Kovalevskaia năm 2017, là nữ khoa học trẻ nhất từ trước đến nay nhận giải thưởng này.

Mong làm vơi đi những nỗi đau

Năm 1996, sau khi tốt nghiệp khoa Y, ĐH Kobe (Nhật Bản), BS Trần Vân Khánh đã về nước và lựa chọn công việc nghiên cứu bệnh học phân tử tại Trung tâm nghiên cứu Gen – Protein (ĐH Y Hà Nội).

Chia sẻ về quyết định của mình, BS Khánh cho biết: “Ban đầu, cũng giống như những người trẻ khác, so sánh thuận lợi và khó khăn, tôi cũng có những băn khoăn về việc có nên về nước hay ở lại. Tuy nhiên lúc đó tôi có niềm tin, chỉ cần có năng lực, niềm đam mê nghiên cứu thì mình sẽ khắc phục được những khó khăn để làm khoa học trong nước”.

PGS Trần Vân Khánh hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm (Ảnh: Tùng Anh)

Một trong những đề tài nghiên cứu đã để lại nhiều “ám ảnh” đối với nhà khoa học trẻ chính là căn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Theo BS Khánh, đó là một trong những bệnh lý di truyền phổ biến ở Việt Nam. Người mắc bệnh này chủ yếu là nam giới. Bệnh sẽ gây suy yếu cơ và làm cho việc đi lại khó khăn, dần dần mất khả năng vận động khi lên 12 tuổi. Bệnh nhân thường tử vong ở tuổi 20 do tổn thương cơ tim và rối loạn hô hấp.

“Tôi vô cùng ám ảnh khi chứng kiến rất nhiều bậc cha mẹ phải đau đớn nhìn con mình sinh ra khỏe mạnh, xinh đẹp một ngày nọ lại phát bệnh rồi nhận “án tử”, phải chịu cảnh “sống mòn, chết mòn” vào độ tuổi đẹp nhất của đời người. Có những gia đình cả 3 đứa con đều lần lượt mắc bệnh, rất đau đớn” – BS Khánh chia sẻ.

Nỗi ám ảnh đã đã khiến PGS.TS. BS Khánh quyết tâm đi vào nghiên cứu về cơ chế phân tử gây ra căn bệnh để giúp chẩn đoán, phát hiện người lành mang gen bệnh, chẩn đoán trước sinh nhằm hạn chế tối đa trẻ sinh ra mắc căn bệnh chưa có biện pháp chữa trị này.

Năm 2006, đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình điều trị gen cho bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne” của BS Khánh được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn. Từ đề tài này, hàng ngàn bệnh nhân đã được can thiệp ngay từ trong bào thai và người nhà mang gen bệnh cũng được chẩn đoán để đưa ra hướng xử lý.

Chỉ trong 10 năm, PGS.TS.BS Trần Vân Khánh đã hoàn thành 29 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ, công bố 170 bài báo khoa học trong và ngoài nước trong đó 21 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, 149 bài được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước.

10 năm miệt mài nghiên cứu, PGS Khánh đã làm được khối lượng công việc khổng lồ với 29 đề tài nghiên cứu về các bệnh lý hiểm nghèo. Ảnh T.A

"Tấn công" những căn bệnh hiểm nghèo

Sau căn bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne, các công trình nghiên cứu của BS Khánh cứ nối tiếp ra đời không mệt mỏi. Trong đó phải kể đến hàng loạt nghiên cứu ở lĩnh vực bệnh học phân tử và các bệnh: xương thủy tinh, rối loạn đông máu, ung thư, tăng sản thượng thận bẩm sinh, thoái hóa cơ tủy…

Không chỉ làm nghiên cứu, BS Khánh còn hướng rất nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, thạc sĩ và giúp sinh viên y khoa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

Với khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy, có những thời điểm, nhà khoa học trẻ đã phải giam mình trong phòng thí nghiệm để tập trung nghiên cứu. Có những năm đến 29 – 30 Tết chị vẫn còn làm việc trong phòng thí nghiệm. Khi ngẩng mặt lên, trời đã tối đen như mực và chỉ còn một mình chị trong trường. Chị phải gọi người đến đón và cùng mình niêm phong phòng thí nghiệm để nghỉ Tết.

“Chồng, con đã quá quen với việc đi sớm, về muộn của tôi. Cứ khoảng 7h tối mà chưa thấy mẹ về là con tôi lại gọi điện hỏi: “Mẹ ơi, con làm trứng ốp-la ăn trước nhé”. Có những hôm 8-9h tối mới rời khỏi phòng thí nghiệm nhưng chồng vẫn ngồi đợi về ăn cơm và không phàn nàn gì. Sự động viên, chia sẻ của chồng con chính là sức mạnh lớn nhất giúp tôi làm nghiên cứu” - BS Khánh chia sẻ.

Nói về dự định của mình, BS Khánh cho biết, chị đang rất muốn mở rộng nghiên cứu sang nhóm bệnh hiếm gặp và hoàn thiện nhóm bệnh lý di truyền ở Việt Nam. Chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu khoa học và cơ hội đối với người trẻ, BS Khánh nói: “Nhiều người nghĩ khó khăn nhất khi nghiên cứu khoa học ở Việt Nam là điều kiện và kinh phí. Tuy nhiên, nếu có trình độ và ý tưởng tốt thì khả năng tìm kiếm được kinh phí để tiến hành nghiên cứu không quá khó. Hiện, vẫn có rất nhiều cơ hội chờ đợi những người trẻ yêu khoa học, dám nghĩ, dám làm”.

Gỉai thưởng Kovalevskaia là giải thưởng danh giá được trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam từ năm 1985. Sau hơn 30 năm triển khai, giải thưởng đã được trao cho 17 tập thể và 48 cá nhân có thành tích khoa học nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, nông nghiệp…

Tùng Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thanh-cong-tu-noi-am-anh-nhung-cai-chet-tuoi-20-854415.html