Thành công từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (SEPON GROUP) là doanh nghiệp (DN) đi đầu về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Bằng các máy móc, thiết bị hiện đại, công ty đã xây dựng nhiều mô hình mới, hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu công ty phát triển bền vững.

 Sepon Group sử dụng thiết bị bay phun dưỡng chất cho cây lúa - Ảnh: K.S

Sepon Group sử dụng thiết bị bay phun dưỡng chất cho cây lúa - Ảnh: K.S

Với mục tiêu trở thành DN tiên phong trong ngành nông nghiệp-dịch vụ Việt Nam, trong quá trình phát triển, Sepon Group luôn gắn liền với các hoạt động đổi mới sáng tạo từ xây dựng, liên kết phát triển vùng nguyên liệu đến đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Một trong những mô hình tiêu biểu gần đây khi DN phối hợp với chính quyền địa phương, người dân để sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng và HTX Lâm Cao, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh.

Việc liên kết sản xuất theo hướng công nghệ cao, từ khâu làm đất, trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản đều thực hiện theo các tiêu chí hữu cơ. Ứng dụng thiết bị bay phun dưỡng chất từ sữa, trứng để kích thích sinh trưởng cho cây lúa. Ngoài ra, Sepon Group áp dụng công nghệ trong việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, giúp họ có thu nhập thêm từ việc bán rơm, đồng ruộng được sạch sẽ. Đầu tư đồng bộ dây chuyền máy móc thiết bị sản xuất lúa gạo hữu cơ với hệ thống nhà xưởng với khối lượng tích trữ 1.000 tấn. Dây chuyền xay xát và đánh bóng lúa gạo cùng toàn bộ hệ thống kho tàng, máy móc thiết bị, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Việt Nam và thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện môi trường.

Qua hơn 20 năm hoạt động, đến nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thuộc Sepon Group có quy trình công nghệ lăng kính với quy mô lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, bình quân mỗi ngày/đêm, nhà máy sản xuất từ 1.100-1.200 tấn sắn nguyên liệu. Năm 2021, nhà máy ứng dụng công nghệ chế biến sâu, đầu tư dây chuyền thiết bị với công nghệ mới nhất để đưa ra sản phẩm chất lượng cao nhất. Nhà máy còn đầu tư công nghệ chuyên sâu vào xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thải ra môi trường chất thải cao nhất tiệm cận với chất lượng loại A.

Ngoài ra, trong quá trình xử lý nước thải thu hồi, nhà máy đưa khí bioga vào làm chất đốt để giảm đáng kể lượng than đá đốt lò, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa chất, rác thải ra môi trường. Hằng năm, quy trình sử dụng công nghệ này làm lợi cho nhà máy hơn 10 tỉ đồng từ việc mua than đốt. Trường hợp thiếu ga bioga, nhà máy sử dụng đốt bằng viên nén năng lượng do Sepon Group sản xuất để góp phần bảo vệ môi trường. Sepon Group còn sử dụng thiết bị bay để phun phân bón lỏng cho cây sắn vùng Lìa để cung cấp chất dinh dưỡng qua lá cho sắn. Bước đầu cho thấy cây sắn phát triển tốt.

Sepon Group mời chuyên gia từ Hà Lan hướng dẫn cách ủ ngô sinh khối - Ảnh: K.S

Ở Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ cũng đã có các giải pháp kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới để xử lý môi trường nhằm hạn chế khí thải mùi đặc trưng của sao su, nâng cao chất lượng không khí trong môi trường. Đối với Nhà máy viên nén năng lượng Cam Lộ, để khắc phục những hạn chế của công nghệ đang sử dụng, mới đây, Sepon Group đầu tư dây chuyền công nghệ hoàn toàn mới với tổng kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Đó là, thiết bị nhập khẩu từ châu Âu với công suất lớn, điện tiêu hao thấp và dây chuyền phụ trợ ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất như cảm biến, sấy, điều tiết dòng nguyên liệu để tự động hóa hoàn toàn dòng sản xuất, giảm nhân công lao động, giảm mức độ nặng nhọc cho công nhân, tăng năng suất và giảm nhiều chi phí.

Dự kiến vào cuối năm 2022, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ là một trong những nhà máy có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam. Tại Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, Sepon Group ứng dụng công nghệ tự động vào dây chuyền sản xuất để tăng năng suất, chất lượng. Điểm mới của nhà máy là đầu tư hệ thống sấy trên 300 triệu đồng để mua các loại nông sản trong tỉnh về sấy, chủ động sản xuất thức ăn. Gần đây nhất, vụ hè-thu năm 2022, Sepon Group phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất lúa thiếu nước.

Để thực hiện định hướng phát triển vật nuôi chủ lực của tỉnh là bò, ngô sinh khối là chiến lược phát triển mới của công ty. Hiện đơn vị đã có sản phẩm thức ăn tinh cho lợn, gà, bò. Tuy nhiên, các mô hình quy mô chăn nuôi nhỏ của các hộ gia đình từ 5-7 con bò chỉ sử dụng thức ăn thô cho vật nuôi thì khó phát triển. Do đó, Sepon Group đã nghiên cứu, đưa ra bộ thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho các hộ gia đình, giúp họ nuôi bò tốt hơn đó là rơm khô, rơm tươi ủ chua và mời chuyên gia từ Hà Lan qua trực tiếp hướng dẫn cách ủ ngô sinh khối và ủ rơm tươi cuộn với mật mía kết hợp với thức ăn tinh để làm thức ăn cho bò.

Sepon Group đóng gói gạo hữu cơ bằng dây chuyền hiện đại -Ảnh: K.S

Phó Tổng Giám đốc Sepon Group Lê Văn Tuyển cho biết: “Thời gian tới, Sepon Group tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao nhất, tiết kiệm nhiều khoản chi phí trong lao động cũng như sản xuất. Đầu tư thêm thiết bị bay để phun phân bón lỏng, dưỡng chất cho lúa, sắn; máy cấy 6 hàng của Nhật Bản. Ứng dụng công nghệ cao vào canh tác lúa như máy cuốn rơm, gặt đập liên hợp, máy băm ngô sinh khối tại ruộng đảm bảo từ sản xuất đến thu hoạch liên hoàn.

Dự kiến sau khi thu hoạch mô hình phun phân bón lỏng cho cây sắn vùng Lìa nếu thành công, Sepon Group sẽ mở hội thảo đánh giá kết quả mô hình và nhân rộng. Trong vụ lúa đông-xuân 2022-2023, triển khai khoảng 240 ha lúa, trong đó lúa hữu cơ 64 ha, lúa VietGAP 26 ha và lúa an toàn 150 ha. Có chính sách chiết khấu áp dụng cho phân hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp cho hợp tác xã. Chỉ đạo Nhà máy viên nén năng lượng sản xuất khoảng 18.000 khay mạ gỗ, nghiên cứu tận dụng sản phẩm gỗ xẻ tại nhà máy để tiết kiệm chi phí và giảm lỗ”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=171149&title=thanh-cong-tu-cac-mo-hinh-ung-dung-cong-nghe-cao