Thành công nhờ nghiên cứu khoa học

PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải - vừa được vinh danh là 1 trong 10 Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2017, đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu sơn, góp phần nâng cao tuổi thọ cho những cây cầu.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1980, sau khi tốt nghiệp Khoa Hóa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), bà Nguyễn Thị Bích Thủy công tác tại Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải (KHCNGTVT), rồi học Tiến sỹ tại Đại học Bách Khoa chuyên về vật liệu polime. Hơn 30 năm gắn bó và làm việc, với PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy, công việc nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm hữu ích đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Bên lề Lễ trao giải thưởng vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017, PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, trước đây, những công trình cầu, đường thường sử dụng loại sơn bình thường, chỉ sau 1 - 2 năm đã bị bong tróc, hệ thống cốt thép công trình sớm bị han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, năm 1993, bà quyết định tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sơn đặc chủng, chống ăn mòn cho công trình giao thông. Đây được coi là một quyết định dũng cảm, bởi khi ấy, điều kiện cơ sở vật chất của Viện KHCNGTVT phục vụ nghiên cứu về sơn hầu như không có, bà phải tới các cơ sở thí nghiệm của Khoa Hóa (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phòng Thí nghiệm hóa (Viện Khoa học Việt Nam) để nghiên cứu nhờ. Sau đó, PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy tự bỏ tiền, xin bãi đất trống của Viện KHCNGTVT dựng tạm một xưởng thử nghiệm.

Trong lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho đấng mày râu, người phụ nữ sinh năm 1958 này đã vượt qua những khó khăn và gặt hái được nhiều thành công trong chuyên ngành của mình. Đến nay, bà đã làm chủ nhiệm nghiên cứu khoảng 33 đề tài, tham gia với vai trò chính khoảng 60 đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, bà đã công bố 65 công trình khoa học trong và ngoài nước, trong đó có hơn 10 công trình tiêu biểu được áp dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của bà giúp giải quyết triệt để vấn đề ăn mòn kim loại tại nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn Thủ đô và toàn quốc, như các cầu đường sắt Bắc - Nam,; cầu Chương Dương, cầu Đuống, cầu Long Biên (Hà Nội), cầu treo Dùng, cầu Giăng (Nghệ An), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), cầu Bạch Hổ (Huế), cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng). Sản phẩm sơn của bà cũng được dùng sơn toa xe của các nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội), Dĩ An (Bình Dương), Hải Phòng. Sắp tới, sản phẩm sơn ứng dụng công nghệ nano, composite, polyme sẽ được ứng dụng nhiều hơn, trong đó có ôtô khách.

Ngoài công nghệ sơn, PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy còn tập trung nghiên cứu các vật liệu polyme để tăng cường chất lượng nhựa đường đạt theo tiêu chuẩn sản phẩm nước ngoài... "Nghiên cứu sơn là công việc rất khắc nghiệt, vất vả với phụ nữ. Để có những công trình sáng tạo, thử nghiệm lớn cho ngành giao thông vận tải, có những dự án mà tôi và các cộng sự phải thức trắng nhiều đêm liền ngay tại công trình để giám sát, nghiệm thu kỹ thuật" - PGS-TS. Thủy cho biết.

Niềm say mê nghiên cứu các công trình khoa học, áp dụng vào thực tiễn đã giúp PGS-TS. Nguyễn Thị Bích Thủy nhận nhiều giải thưởng, bằng khen: Bằng khen của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ; giải thưởng Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu, Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước…

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thanh-cong-nho-nghien-cuu-khoa-hoc.html