Thành công nhờ định hướng đúng

Cùng với nhiều loại trái cây khác, mới đây, trái xoài (tỉnh Sơn La) đã xuất khẩu sang Mỹ, vải thiều tươi (tỉnh Bắc Giang) chính thức xuất khẩu sang Nhật. Đáng mừng hơn cả là sản xuất ra những nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế này, có cả những người nông dân, người dân tộc ở những bản làng xa xôi…

Những ngày cuối tháng 6/2020, nông dân huyện Mai Sơn (Sơn La) đã xuất khẩu 30 tấn xoài tượng da xanh sang thị trường Mỹ. Đây không chỉ là niềm vui lớn đối với những người trồng xoài trong bối cảnh khó khăn từ khi có dịch COVID-19, mà hơn thế, việc vào được thị trường khó tính như Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của trái xoài mang thương hiệu Mai Sơn. Ngoài xuất khẩu sang Mỹ, ngay từ đầu vụ xoài năm 2020, huyện Mai Sơn đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1.600 tấn xoài tượng da xanh. Nhờ giá trị xuất khẩu xoài mang lại, nhiều hộ trồng xoài, trong đó có cả hộ đồng bào dân tộc Thái, Mông đã có thu nhập đáng kể từ sản xuất nông nghiệp.

Đồng bào dân tộc Thái phân loại xoài tượng da xanh xuất khẩu

Đồng bào dân tộc Thái phân loại xoài tượng da xanh xuất khẩu

Cùng với thời điểm Sơn La xuất khẩu xoài sang Mỹ; trái vải thiều tươi của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng lần đầu tiên có mặt tại hệ sống siêu thị của Nhật Bản. Hơn 2 tấn vải thiều Lục Ngạn đã được tiêu thụ hết chỉ sau vài giờ tại hệ thống siêu thị ở Tokyo và Osaka (Nhật Bản). Đến nay, 53 tấn vải tại các vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ thu mua. Trồng vải đã nhiều chục năm nay, nhưng người dân tộc Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan… vẫn không giấu được niềm vui khi nhìn trái vải vượt biển đến với nước Nhật xa xôi.

Được biết, để trái xoài, vải thiều vào được những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, các địa phương đã phải tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn, tạo cơ hội cho người nông dân giao lưu, học hỏi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng thay vì chạy theo năng suất như trước đây. Cụ thể như, các hộ được cấp mã số vùng trồng xoài, vải xuất khẩu đều được áp dụng chặt chẽ quy trình VietGAP, GlobalGAP; có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của các đơn vị có liên quan. Cùng với đó, địa phương chủ động kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX thu mua, xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Câu chuyện đưa nông sản xuất khẩu sang các thị trường cao cấp của huyện Mai Sơn, Lục Ngạn đang cho thấy, sản xuất nông nghiệp hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào chính sách phát triển nông nghiệp của địa phương. Một chính sách phù hợp sẽ khuyến khích người nông dân phát huy tinh thần chủ động và tích cực thực hiện các tiêu chuẩn an toàn trong canh tác; từ đó góp phần nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu. Khi giá trị nông sản đạt cao, sẽ tác động, tạo sự lan tỏa để người nông dân có quyết tâm thực hành đúng các quy trình sản xuất tiêu chuẩn. Điều này đã được chứng minh trong thực tế, khi mà ngay cả những đồng bào DTTS trình độ hạn chế, vẫn có thể làm tốt việc chăm sóc cây trái theo các quy trình quốc tế khi có sự hướng dẫn, giám sát.

Tuy nhiên, để vượt qua được những thách thức của một thị trường xuất khẩu luôn biến động mạnh, người nông dân rất cần sự kết nối đồng bộ từ các nhà quản lý đến các doanh nghiệp xuất khẩu, tới các cơ sở sản xuất. Trong đó, cần có sự hỗ trợ từ pháp lý, tài chính, thông tin của Chính phủ đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản để doanh nghiệp có thể đầu tư, định hướng giúp người nông dân sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và đạt giá trị cao nhất.

H.M

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-cong-nho-dinh-huong-dung-140121.html