Thành công nhờ đam mê sáng tạo

Nhiều lao động trẻ tại tỉnh Nghệ An với niềm đam mê sáng tạo trong công việc, kinh nghiệm trong thực tiễn lao động sản xuất đã cho ra đời những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho bản thân và đơn vị công tác.

Tận tâm với công việc

Chị Nguyễn Thị Đức - Công nhân may của Công ty TNHH Havina Kim Liên (khu công nghiệp Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) là thợ may ưu tú, chị may được tất cả các công đoạn và sử dụng được nhiều loại máy đặc biệt như: Máy bọ, máy zich zắc, máy vắt sổ, máy móc, máy trụ, máy kan sai...

Anh Cao Minh Hòa - Phó Chủ tịch công đoàn Công ty CP Sữa TH (áo trắng) cùng các đồng nghiệp

Anh Cao Minh Hòa - Phó Chủ tịch công đoàn Công ty CP Sữa TH (áo trắng) cùng các đồng nghiệp

Mấy năm qua, chị Nguyễn Thị Đức đã có khá nhiều đề xuất sáng kiến trong sản xuất. Trong đó, lần đầu tiên vào năm 2008 với đề xuất sáng kiến hạng mục “cải thiện phương pháp làm việc”. Theo đó, trước khi cải thiện, cắt vải theo khuôn (40*400mm) sau đó may bằng 1 kim- lộn trái- dây- may mí dây - cắt dây - may vào găng tay. Phải trải qua 4 thao tác mất nhiều thời gian. Sau khi cải tiến chỉ cần 1 thợ may để may và một thợ phụ lộn hàng, sản lượng tăng gấp đôi với 650 đôi găng tay/ 2 giờ.

Lần cải tiến thứ 2 của chị Nguyễn Thị Đức vào tháng 8/2019 với đề xuất sáng kiến hạng mục “nâng cao năng suất”. Trước cải tiến: Làm dấu ở chi tiết AOC và TOC bằng loại phấn trắng bay màu. Sau đó khi thợ may may 2 chi tiết lại với nhau và phải cân chỉnh sao cho cân đối, không được lệch. Sản lượng vẽ dấu chỉ đạt 40 đôi/1 giờ. Trong khi đó, thợ khó may vì phải mất thời gian căn chỉnh sao cho cân đối, sản lượng 30 đôi/1 giờ. Sau khi cải thiện, thợ may may 2 chi tiết lại với nhau không cần căn chỉnh nhiều, không chỉ tiết kiệm được chi phí tiền phấn, thời gian, sản lượng cũng tăng. Cụ thể, sản lượng vẽ dấu đạt 80 đôi/1 giờ, tăng 200%. Thợ dễ may hơn, sản lượng đạt 50 đôi/ 1giờ, tăng 167% so với trước cải tiến.

Cho cuộc sống thêm xanh

Cũng giống như chị Nguyễn Thị Đức, chị Đoàn Thị Hải Yến - Trung tâm Giống Cây trồng Nghệ An - luôn nỗ lực, tìm tòi thử nghiệm các giống, nguồn gen cây trồng nông - lâm nghiệp đạt hiệu quả, nhằm tạo ra cây giống có chất lượng cao.

Kỹ sư lâm nghiệp Đoàn Thị Hải Yến tham gia các hoạt động xã hội

Với ứng dụng “Khoa học và công nghệ (KH&CN) xây dựng mô hình sản xuất, sử dụng chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất sản xuất lạc theo hướng bền vững ở tỉnh Nghệ An” mà chị đang tham gia cùng các đồng nghiệp. Nhìn những luống cây giống xanh tươi mơn mởn dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, mới hiểu để có được màu xanh ấy, một phần công sức thuộc về những cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, trong đó có cô kỹ sư trẻ Đoàn Thị Hải Yến. Ngoài dự án trên, Hải Yến còn tham gia 3 dự án cấp bộ, như: Dự án ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình chuỗi giái trị trong sản xuất rau hữu cơ tại Nghệ An; sản xuất giống lạc, đậu tương giai đoạn 2015-2025 và dự án xây dựng mô hình chuỗi giá trị sản xuất bưởi đỏ.

Không chỉ giỏi chuyên môn, kỹ sư Đoàn Thị Hải Yến còn tích cực trong các hoạt động đoàn thể. Với thông điệp “Rác đã phân loại cũng là tài nguyên”, Hải Yến mong muốn mọi người nhận thức được rằng rác cũng có giá trị và nó hoàn toàn tái sử dụng được nếu chúng ta biết cách phân loại. Hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường sống, Hải Yến đã sáng tạo mô hình “Đổi phế liệu, rác thải nhựa lấy cây xanh”, góp phần giữ gìn màu xanh cho cuộc sống.

“Nhiều loại sách báo, giấy loại, nhựa, pin, phế liệu điện tử… được mọi người hào hứng đem đến đổi lấy cây xanh. Số phế liệu này sẽ được các bạn tình nguyện viên phân loại, tiếp tục sử dụng với mục đích thân thiện với môi trường. Với thành quả, hơn 500 chậu cây xanh được đổi cũng là hàng tấn giấy loại, phế liệu được thu gom; số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ là nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động thiện nguyện ở các bệnh viện, trường học. Hoạt động đổi phế liệu, rác thải lấy cây này còn có ý nghĩa hướng tới những giải pháp sống xanh, để mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.” - Hải Yến chia sẻ.

Gieo sáng kiến, gặt thành công

Anh Cao Minh Hòa - Công nhân bộ phận kỹ thuật, Phó Chủ tịch công đoàn Công ty CP Sữa TH (Nghĩa Đàn Nghệ An) - đã cùng các đồng nghiệp đề ra phương châm “Tận dụng mọi khả năng hiện có về người và máy móc, thiết bị, vật tư để chủ động sáng tạo và sản xuất”. Với quyết tâm đó, năm 2017, anh Cao Minh Hòa có 2 sáng kiến cải tiến là: “Dự án tiết kiệm nước” giúp thu hồi nước sản xuất để làm mát máy, thu hồi nước từ tất cả các điểm nước ngưng. Từ đó giảm chi phí vận chuyển nước, giảm chi phí sử dụng dầu FO để đun nóng nước. Mỗi năm công ty tiết kiệm được 603,577,273 VNĐ.

Sáng kiến thứ 2 trong năm 2017 là: “Dự án thay đổi nắp và chai của Line 5”. Thiết kế của nhà cung cấp ban đầu là các loại nắp bằng nhôm rất khó mở và diện tích mối hàn lớn. Sáng kiến đã sửa đổi và tạo nắp mới dễ cầm và xé hơn. Đồng thời giảm diện tích mối hàn. Nhờ sáng kiến trên, mỗi năm công ty tiết kiệm được 3,987,938,287 VNĐ...

Chị Nguyễn Thị Đức (người đứng) - Công nhân may của Công ty TNHH Havina Kim Liên - trao đổi cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc

Anh Cao Minh Hòa chia sẻ: Khi làm việc, tôi luôn để ý, quan sát tìm hiểu để phát hiện ra những điều có thể cải tiến được trong quá trình sản xuất, với mong muốn hiệu quả công việc đạt được cao nhất, cải thiện môi trường làm việc để sức khỏe của người lao động được đảm bảo.

Với vai trò là Phó chủ tịch công đoàn, anh Cao Minh Hòa còn động viên anh em trong tổ hăng hái thi đua, tham gia lao động sản xuất và có nhiều đóng góp cải tiến kỹ thuật với mục tiêu nâng cao hiệu suất công việc. Với những đóng góp tích cực đó, anh Hòa được nhận nhiều giấy khen, bằng khen. Những phần thưởng trên là niềm vui, sự khích lệ kịp thời để chàng trai trẻ Cao Minh Hòa cố gắng hơn trong công việc, tiếp tục sáng tạo trong lao động, sản xuất, làm lợi cho bản thân và doanh nghiệp.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-cong-nho-dam-me-sang-tao-136609.html