Thành công của mô hình làng nghề tại Thái Lan

Năm 2001, để cải thiện tình trạng suy thoái kinh tế do hậu quả nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chính phủ Thái Lan đã tập trung phát triển và khai thác nguồn thu từ các làng nghề. Đến nay, sau gần 20 năm thực hiện hướng đi này, mô hình làng nghề đã trở thành đòn bẩy không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế của xứ Chùa Vàng.

Bo Sang - làng nghề làm ô ở miền Bắc Thái Lan là một trong những địa điểm hút khách du lịch.

Với tên gọi “One Tambon One Product” - OTOP (tạm dịch là Mỗi làng nghề một sản phẩm), chiến lược phát triển kinh tế làng nghề tại Thái Lan do Thủ tướng Thaksin Sinnawatra khởi xướng lấy ý tưởng từ chương trình tương tự được triển khai tại quận Oita (Nhật Bản) vào năm 1979. Theo đó, mỗi làng, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, có tiềm năng tiếp cận thị trường để phát triển. Tuy nhiên, khác với Nhật Bản, mô hình OTOP tại Thái Lan được triển khai từ trên xuống dưới. Nghĩa là Chính phủ đóng vai trò quan trọng từ ý tưởng phát triển sản phẩm, đào tạo kiến thức, công nghệ, hỗ trợ tài chính cho đến tiếp thị thông qua các hội chợ, quảng bá xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước.

Để phát huy tối đa hiệu quả của hướng đi này, Thái Lan thành lập Ủy ban OTOP quốc gia. Đây là nơi hoạch định đường hướng phát triển cho các dự án làng nghề để các sản phẩm OTOP được biết đến nhiều hơn trong khu vực và thế giới. Mọi hoạt động của Ủy ban OTOP đều hướng đến phát triển sản phẩm một cách hoàn thiện nhất như: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng câu chuyện cho sản phẩm, đổi mới sản phẩm... Ngoài ra, ủy ban còn có nhiệm vụ giới thiệu nhãn mác của các sản phẩm OTOP và mở rộng thêm kênh bán hàng thông qua các trang web, sân bay và các phương tiện truyền thông.

Chính phủ còn tạo cơ chế cạnh tranh và đánh giá chất lượng để phân bổ nguồn lực hợp lý như phân chia hàng OTOP theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Hằng năm, cơ quan chức năng tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm theo 3 tiêu chí: Sản phẩm và tính hợp tác của cộng đồng; chiến lược kinh doanh và nguồn gốc của sản phẩm; chất lượng sản phẩm. Sản phẩm OTOP 5 sao phải đạt hơn 90 điểm, có chất lượng và tiềm năng xúc tiến rõ ràng. Sản phẩm 4 sao đạt 80 - 89 điểm, có tiềm năng cấp quốc gia và có thể phát triển thành hàng xuất khẩu. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao phục vụ tiêu dùng nội địa. Sản phẩm chất lượng thấp, 1 - 2 sao thì cần tiếp tục nghiên cứu phát triển.

Như vậy, nhà sản xuất không đi vào ngõ cụt mà tiếp tục có cơ hội nâng cấp, phát triển sản phẩm cho chu kỳ tiếp theo. Sản phẩm đạt chuẩn 5 sao được trao thưởng và hưởng nhiều đặc quyền như được Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư, trợ cấp cho công tác xúc tiến thương mại ở khắp thế giới. Địa phương có sản phẩm chưa đạt chuẩn 5 sao cũng có thể tham gia học tập để phát triển thêm.

Với chính sách khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ đó, hiện nay, ở Thái Lan đã có khoảng 36.000 mô hình OTOP. Mỗi mô hình tập hợp từ 30 - 3.000 thành viên tham gia. Sự phát triển OTOP không chỉ giúp giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia, mà còn giữ được giá trị văn hóa truyền thống.

Đối với du lịch, mô hình OTOP đang trở thành sức hút không nhỏ đối với du khách quốc tế. Điển hình như làng nghề gốm sứ truyền thống Lampang với lịch sử hàng trăm năm. Sau gần 2 thập niên thực hiện OTOP, hiện Lampang có trên 200 cơ sở sản xuất lớn nhỏ cung cấp hàng triệu sản phẩm xuất khẩu mỗi tháng, mang về nguồn thu nhập lớn và việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ngoài ra, với chủ trương phát triển du lịch kết hợp với phát huy nghề gốm sứ truyền thống, làng nghề ở miền núi phía Bắc Thái Lan này đã thu hút tới hơn 500 nghìn khách tham quan mỗi năm.

Theo số liệu được Ủy ban OTOP quốc gia công bố, sản phẩm của các làng nghề tại Thái Lan đã lên tới hơn 167.000 mặt hàng, phân theo 5 nhóm, gồm: Thực phẩm chiếm 38%, đồ gia dụng (27%), vải và quần áo (18%), sản phẩm chế biến từ thảo dược (13%) và phần còn lại (5%) là đồ uống. Năm 2019, chỉ tính riêng nguồn thu từ buôn bán các mặt hàng OTOP qua các kênh như hội chợ, trang web trực tuyến, cửa hàng và lễ hội nước ngoài đã lên đến hơn 6 triệu USD; tổng doanh thu từ các sản phẩm OTOP vào khoảng hơn 7,3 tỷ USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, yếu tố thành công của chương trình phát triển làng nghề Thái Lan là quá trình tổ chức thực hiện nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực với tư duy sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu, nỗ lực học hỏi, tiếp cận kinh tế thị trường, hợp tác sản xuất của người dân. Nhờ vậy, OTOP đã và đang giữ vai trò quan trọng, là điểm mấu chốt trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, có đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành Du lịch, dịch vụ của Thái Lan.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/961260/thanh-cong-cua-mo-hinh-lang-nghe-tai-thai-lan