Thành công của chiến lược 'zero COVID' khiến Trung Quốc khó thoát khỏi đại dịch hơn?

Giới chuyên gia nhận định thành công của chiến lược 'không khoan nhượng với COVID' mà Trung Quốc đang theo đuổi có thể khiến quốc gia này khó thoát khỏi đại dịch hơn.

Người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 21/1. Ảnh: AP

Người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua nhà hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 21/1. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, hầu hết các chuyên gia trên khắp thế giới đều cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không biến mất và có thể tồn tại trong cuộc sống cùng con người, như bệnh cúm. Đây là mối đe dọa dai dẳng nhưng các quốc gia có thể kiểm soát được, nếu có đủ dân số đạt miễn dịch thông qua lây nhiễm tự nhiên và vaccine phòng bệnh.

Tại những quốc gia như Anh và Mỹ, có những tia hy vọng cho thấy giới chức đang dần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm đã tăng vọt sau đó giảm dần ở Anh và chững lại ở Mỹ, có lẽ vì biến thể dễ lây lan này không thể tìm được vật chủ để lây nhiễm. Một số quốc gia khác cũng đang tính đến việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Song Trung Quốc không có động thái tương tự. Quốc gia này tiếp tục theo đuổi biện pháp phòng dịch cứng rắn trong suốt đại dịch - truy vết tận gốc và cách ly tất cả người mắc bệnh giúp duy trì số ca mắc ở mức thấp nhất, bảo vệ hầu hết các bệnh viện khỏi quá tải và ngăn chặn những ca tử vong.

Tuy nhiên, cách tiếp cận “không khoan nhượng với COVID” cũng đồng nghĩa với việc phần lớn người dân Trung Quốc chưa từng tiếp xúc với virus. Bên cạnh đó, các nghiên cứu mới cho thấy các loại vaccine hiện tại không hiệu quả cao trong bảo vệ trước biến thể Omicron. Những yếu tố này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực thoát khỏi đại dịch của Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định nếu đất nước 1,4 tỷ dân này nới lỏng các hạn chế, họ có thể phải đối mặt với sự gia tăng tương tự như những gì Singapore hoặc Australia đã trải qua, ngay cả khi có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Người dân đeo khẩu trang tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 21/1. Ảnh: AP

Tiến sĩ Vineeta Bal, nhà miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Ấn Độ, giải thích: “Trung Quốc có khả năng bùng phát dịch cao hơn nếu nới lỏng vì hầu hết người dân đều chưa nhiễm virus do áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt. Điều này khiến Trung Quốc khó đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, được chứng minh là có khả năng bảo vệ tốt hơn so với chỉ tiêm vaccine. Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc ngay bây giờ là rất rủi ro vì Omicron đang lan rộng ra toàn cầu và ngay cả khi biến thể này không gây ra bệnh nặng, nó sẽ lây lan như cháy rừng”.

Dali Yang, Giáo sư nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, cho biết: “Đó là một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo. Làm cách nào để mở cửa khi sau đó họ có thể ghi nhận hàng chục nghìn người tử vong trong quá trình này? ”

Chủ tịch Tập Cận Bình coi cách tiếp cận “không COVID” của Trung Quốc là thành công chiến lược lớn và bằng chứng về những lợi thế đáng kể của nước này so với phương Tây. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng là nền kinh tế lớn duy nhất đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 và chỉ chiếm một phần rất nhỏ các ca tử vong và lây nhiễm toàn cầu.

Người dân xếp hàng chờ tại một điểm xét nghiệm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Là một phần trong chiến lược cứng rắn nhằm ngăn chặn virus, người dân ở các thành phố của Trung Quốc phải chứng minh tình trạng lây nhiễm của họ bằng một ứng dụng do chính phủ quản lý để vào siêu thị, văn phòng hoặc thậm chí là đến Bắc Kinh.

Nhưng vài tuần trước Thế vận hội mùa đông, biến thể Omicron đã xuất hiện và trở thành phép thử cho cách tiếp cận không COVID của Trung Quốc. Nhiều ổ dịch lẻ tẻ đã bắt đầu bùng phát ở tỉnh Quảng Đông, miền nam cũng như thủ đô nước này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ban tổ chức Thế vận hội đã thông báo rằng họ sẽ không bán vé cho công chúng trong nước và chỉ cho phép những khán giả được chỉ định đến theo dõi trực tiếp. Người hâm mộ nước ngoài không được phép tham dự sự kiện thể thao này.

Giới chức cũng đã vận động người dân không về quê vào dịp Tết Nguyên đán, một động thái sẽ làm giảm chi tiêu trong kỳ nghỉ quan trọng nhất của nước này. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc khó có thể sớm nới lỏng các chính sách phòng dịch của mình ở quy mô lớn vào bất cứ lúc nào.

Trung Quốc chủ yếu dựa vào Sinovac và Sinopharm cùng với một số loại vaccine nội địa khác được sản xuất trong nước để tiêm chủng cho người dân. Trọng tâm của quốc gia này là phát triển vaccine theo công nghệ mRNA của riêng mình, giống công thức của Pfizer và Moderna. Tuy nhiên, loại vaccine này mới đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

Một lựa chọn khác cho Trung Quốc có thể là tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của virus và ngừng mở cửa biên giới cho đến khi COVID-19 gây bệnh nhẹ hơn. Nhưng không ai dự đoán được điều đó có thể xảy ra không và đến khi nào.

“Biến thể tiếp theo sẽ là gì? Nó sẽ nghiêm trọng như thế nào? Bạn không thể đoán được”, Tiến sĩ Bal cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thanh-cong-cua-chien-luoc-zero-covid-khien-trung-quoc-kho-thoat-khoi-dai-dich-hon-20220123182136738.htm