Thành công của bóng đá chuyển tiếp

Real Madrid và Liverpool không hẳn mạnh ở tấn công, cũng chẳng có gì đặc biệt ở khâu phòng ngự, nhưng họ lại sở hữu thứ vũ khí thời thượng của bóng đá hiện đại: khả năng chuyển trạng thái cực nhanh mỗi khi giành được bóng.

Real và Liverpool rất mạnh khi chuyển từ phòng ngự sang tấn công

Jurgen Klopp gọi lối chơi ông theo đuổi là “gegenpressing”, hiểu nôm na nghĩa là phản phòng ngự. HLV của Liverpool tin rằng thời điểm tốt nhất để tấn công là lúc đối phương vừa đoạt được bóng từ đội của ông.

Thay vì lùi xuống, chuyển từ giai đoạn tấn công sang phòng ngự, ông xua học trò áp sát đối thủ ngay trên phần sân khách, thời điểm họ mải tìm khoảng trống để phản công. Đối phương gần như trở tay không kịp để dàn cự ly phòng ngự, bởi họ vừa chuyển trạng thái sang tấn công.

Real Madrid khác một chút, nhưng về cơ bản triết lý của Zinedine Zidane giống như vậy. Vị trí đoạt lại bóng của đội chủ sân Bernabeu thường thấp hơn Liverpool một chút, nhưng bù lại, sức sáng tạo và khả năng chuyền dài chính xác của Toni Kroos và Luka Modric giúp hàng công Real dễ dàng gây áp lực ngược lên khung thành đối thủ. Cùng với tốc độ của Cristiano Ronaldo, Gareth Bale hay Marco Asensio, miếng võ của nhà đương kim vô địch Champions League là cơn ác mộng với bất cứ đối thủ nào.

Cách đá của Real và Liverpool là khắc tinh với trường phái chuyên tấn công như Barca, Man City, Bayern Munich, Arsenal. Trong nhiều cuộc đối đầu giữa hai cách đá này, người hâm mộ thấy hiện rõ một kịch bản được lặp đi lặp lại. Đội chuyên tấn công cầm nhiều bóng, tấn công liên tục, nhưng đột nhiên mắc sai lầm, và trả giá. Đó là cách Real đã hạ PSG, Bayern Munich, và Liverpool vượt qua Man City.

Ở một góc độ nào đó, có thể nói triết lý tận dụng những trạng thái chuyển tiếp không được tổ chức tốt bằng lối chơi định hướng vị trí hay bóng đá tấn công tổng lực. Bằng chứng là tại các giải vô địch quốc gia, Real và Liverpool luôn tỏ ra lép vế. Tuy nhiên, ở những trận đấu loại trực tiếp, nơi kết quả cuối cùng phụ thuộc nhiều vào tình huống và khoảng khắc xuất thần, cách đá của hai đội vào chung kết Champions League năm nay đã gặt hái được thành công.

Một ví dụ nữa cho sự lên ngôi của triết lý bóng đá này là Atletico. Đội bóng của Diego Simeone nhiều năm qua là đội khó chơi bậc nhất châu Âu, dù cách đá của họ không có nhiều điểm đặc biệt. Ông thầy người Argentina vạch ra sẵn những tình huống giả tưởng trên sân tập, cho học trò tập nhiều lần, và khi vào bài, họ chỉ cần một cơ hội là kết liễu được đối phương.

HỒNG PHÚC

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/thanh-cong-cua-bong-da-chuyen-tiep-post219029.html