Thành bại phụ thuộc vào phương pháp của giáo viên

Thực nghiệm chương trình GDPT mới hơn 6.000 tiết học ở nhiều trường, có tiết học thành công nhưng cũng có tiết học thất bại.

Trong chương trình mới, học sinh được học để áp dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế.

Sau khi thực nghiệm chương trình GDPT mới hơn 6.000 tiết học ở nhiều trường học tại 6 tỉnh/ TP trên cả nước, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa mới thừa nhận, có tiết học thành công nhưng cũng có tiết học thất bại.

Học sinh hào hứng

Bà Ngô Thị Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, trường lựa chọn 24 giáo viên thực hiện giảng dạy thực nghiệm chương trình mới ở 12 bộ môn và có 3.395 học sinh tham gia. Về mặt tổng quan, học trò rất hồn nhiên tiếp cận, lĩnh hội những nội dung giáo viên truyền đạt, cho nên hay hay dở phụ thuộc vào giáo viên có trình độ và phương pháp dạy học hay không. Khi dạy thực nghiệm chương trình mới, giáo viên có phương pháp bà thấy học mà chơi, học sinh rất hứng thú. Ví dụ như ở môn Vật lý, giáo viên gần như không phải làm gì trong suốt giờ học, mà các em tự thảo luận, tranh cãi sau đó giáo viên rút ra kết luận, nhấn mạnh các lưu ý. “Tuy nhiên, để làm được như vậy, giáo viên phải hiểu rõ nội dung, chuẩn bị chu đáo trước giờ lên lớp”, bà Liên nói.

Cũng theo bà Liên, sau khi thực nghiệm chương trình mới, điều giáo viên thấy rõ nét nhất là trong các môn học đã giảm tải lý thuyết hàn lâm, tăng thực hành và hướng học sinh đến việc áp dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, có môn học mới như “trải nghiệm sáng tạo” đã giúp nhà trường giải quyết được bài toán xã hội đang đặt ra với học sinh đó là yêu cầu phải có kỹ năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ở một số môn như Hóa học, Sinh học…giáo viên vẫn kêu khó và đã có ý kiến chia sẻ lại với ban soạn thảo chương trình.

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ : Một số tiết học thành công, được đánh giá cao nhưng vẫn có những tiết học nặng về kiến thức so với thời lượng 35 phút trên lớp. Điều dễ nhận thấy là giáo viên và học sinh hào hứng hơn. Ví dụ, môn Toán đã giảm tải được nhiều kiến thức. Đặc biệt, nhiều bài học đã ứng dụng được vào cuộc sống, ví dụ như bài toán về nhiệt độ, còn hướng dẫn học sinh nhiệt độ bao nhiêu thì chọn quần áo như thế nào. Theo bà Hạnh, chương trình rất quan trọng nhưng việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kỹ càng mới là yếu tố quyết định có đáp ứng được yêu cầu đổi mới hay không.

Tiết thành công, tiết thất bại

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Ban soạn thảo thử nghiệm chương trình với hơn 6.000 tiết học tại các trường phổ thông ở 6 tỉnh, TP bao gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ. Các địa phương được chọn đại diện cho các vùng miền trên cả nước. Mỗi địa phương sẽ chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 2 trường THPT ở các vùng miền khác nhau để thực nghiệm và lấy gần 3.000 ý kiến đánh giá của giáo viên.

Qua các buổi thực nghiệm, đại diện ban soạn thảo đánh giá: Một số giáo viên vận dụng tốt phương pháp tổ chức học tập, trao quyền chủ động cho học sinh. Một số giáo viên linh hoạt dùng trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh thảo luận nhóm, thảo luận cặp…rất hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự tìm tòi kiến thức, kỹ năng và vận dụng các điều đã học vào thực tế phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, một số chương mục trong các môn vẫn thiên về kiến thức, quá tải về chất, yêu cầu vượt trình độ, năng lực của học sinh. Chưa kể, trong thời gian ngắn đòi hỏi học sinh phải tiếp thu nhiều vấn đề cũng gây quá tải về lượng. Vì vậy, sau khi thực nghiệm các môn học đang phải rà soát lại để sửa đổi. Đánh giá chung cho thấy, giáo viên tiểu học tích cực đổi mới hơn giáo viên bậc THCS hay THPT. “Không phải vì giáo viên bậc cao thua kém năng lực mà họ bị áp lực bởi các kỳ thi nên hạn chế đổi mới dạy học”, GS Thuyết nói.

Vì vậy, quá trình thực nghiệm, có giờ học thành công, cũng có giờ học chưa thành công. Sau đợt thực nghiệm, ban soạn thảo đã đúc rút ra các vấn đề, trong đó quan trọng là phải tập huấn giáo viên rất kỹ. Chỉ khi giáo viên nắm được phương pháp mới dạy tốt.

“Việc kiểm tra đánh giá cũng được ban soạn thảo thử nghiệm. Trong đó, môn Ngữ văn đã đưa một số đề ra thử nghiệm nhưng nhận được ý kiến trái chiều: trường kêu khó, trường khen hay. Còn một số môn khác, các trường cho rằng nếu chỉ dạy ít tiết thực nghiệm mà kiểm tra, đánh giá là việc khó khăn. Vì vậy, ban soạn thảo đang xây dựng thêm đề kiểm tra, đánh giá”, GS Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, từ nay đến khi áp dụng chương trình mới còn rất ít thời gian tuy nhiên mọi công việc đã đi vào giai đoạn hoàn thiện cơ bản vì vậy chương trình, sách giáo khoa mới có thể triển khai đại trà đúng tiến độ, chậm nhất là năm 2020. Sau đó, mỗi năm áp dụng đại trà thêm 1 lớp.

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/thanh-bai-phu-thuoc-vao-phuong-phap-cua-giao-vien-1269427.tpo