Thành bậc đá Điện Kính Thiên - Tuyệt tác kiến trúc điêu khắc thời Lê Sơ

Điện Kính Thiên (được xây dựng năm 1428 đời Vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời Vua Lê Thánh Tông) - cung điện quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự.

Đến 1886 điện bị phá hủy, hiện chỉ còn di tích thềm bậc và nền điện (trong khu Thành cổ Hà Nội ngày nay). Rồng đá trong hệ thống thành bậc điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ.

Hệ thống thềm bậc theo hướng chính Nam, được xây bằng những phiến đá hộp lớn gồm 10 bậc, có 4 rồng đá chia thành 3 lối lên đều nhau tạo thành Thềm Rồng.

Thềm bậc có kích thước: ngang 13,7m, dọc 4,45m, cao 2,1m. Đôi rồng đá khắc chạm năm 1467 là những bộ phận điêu khắc bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.

Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Được chạm trổ bằng đá xanh, rồng đá có đầu nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa.

Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của thành bậc không bắt gặp, không lặp lại ở các di tích, di vật khảo cổ cùng loại khác.

Hệ thống thành bậc điện Kính Thiên (thường được gọi là thành bậc rồng điện Kính Thiên) chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia từ tháng 12/2020.

Chạm khắc mây hóa rồng (mặt ngoài bậc thềm) ở điện Kính Thiên là mảng chạm khắc hoa văn cổ có quy mô lớn nhất hiện nay.

Hoa sen dây và các họa tiết khác thể hiện tư tưởng Phật giáo; sự biến chuyển từ hình tượng tả thực hoa sen thời Lý - Trần (TK XI - XIV) sang mô típ hoa sen có sự pha trộn giữa hoa sen, hoa cúc và hoa mẫu đơn lại cho thấy những ảnh hưởng và ngày càng chiếm ưu thế của Nho giáo thời Lê sơ (TK XV).

Hình tượng rồng đầu ngẩng cao, chân có đủ năm móng sắc nhọn và hình mây hóa rồng được thể hiện trên các thành bậc là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng quyền lực của nhà vua.

2 thành bậc chạm rồng ở giữa và 2 thành bậc chạm mây hóa rồng hai bên tạo thành ba lối lên xuống. Trong đó lối đi giữa dành riêng cho nhà vua.

Đây là các thành ốp lối đi chính giữa của điện Kính Thiên - Chính Điện quan trọng nhất trong hệ thống cung điện của Cấm thành Thăng Long thời Lê.

Ngày nay, không gian nơi này đã trở thành một di tích "kép" cho cả hai thời đại: Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa và Bộ Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam- di tích lịch sử quan trọng trong dòng lịch sử hiện đại Việt Nam. Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức sự kiện văn hóa lớn, trưng bày, triển lãm các công trình, tác phẩm nghệ thuật thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng lãm.

Nền và thềm bậc điện là di tích ít ỏi trong kiến trúc hoàng cung thời Lê còn sót lại đến ngày nay, phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.

Phía bắc của nền Điện Kính Thiên còn có một thềm 7 bậc lên xuống nhỏ hơn so với bậc thềm chính ở phía nam. Hai bên bậc thềm có 2 rồng đá mang niên đại Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).

Thân rồng dài 3,4m; uốn 7 khúc, thân có vẩy, lưng như hàng vây cá, chân rồng 5 móng như thềm rồng phía trước… Hai bên lan can trang trí hoa sen, sóng nước, đao, lửa, vân mây... cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo.

Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/thanh-bac-da-dien-kinh-thien-tuyet-tac-kien-truc-dieu-khac-thoi-le-so-74933.html