Tháng Tư - nghe những câu chuyện cảm động ở Quảng Trị anh hùng

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 43 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn công tác Báo Hải quan (có đại diện Chi bộ và nòng cốt là các đoàn viên thanh niên) có chuyến hành trình về nguồn tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại những địa chỉ đỏ trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Đoàn Báo Hải quan và Cục Hải quan Quảng Trị dâng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Thái Bình.

Hành trình lần này, Đoàn đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang quốc gia Đường 9, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Mỗi điểm đến là một dịp chúng tôi lại sống trong cảm xúc nghẹn ngào trước biết bao câu chuyện hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ.

Tại Thành cổ Quảng Trị, mỗi thành viên trong Đoàn đã không kìm được nước mắt trước những câu chuyện, vần thơ bi hùng đang được lưu giữ. Thành cổ được ví là nghĩa trang không một nấm mồ, dù trong mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi đây thấm đẫm biết bao máu xương của các anh hùng liệt sỹ. Bởi trong 81 ngày đêm (trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972), hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh nhưng chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay, tại trung tâm di tích một Đài tưởng niệm được xây dựng và mô hình hóa thành “nấm mộ” chung cho các Anh hùng liệt sỹ còn nằm lại nơi đây.

Các thành viên trong Đoàn nghe hướng dẫn viên giới thiệu các thông tin về Thành cổ và những di vật của Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Thái Bình.

Năm 2002, khi đến viếng đồng đội ở đây, trước hình ảnh đầy bi tráng nơi Thành cổ, cựu chiến binh Phạm Đình Lân (Hà Nội) đã viết nên những dòng thơ rút ruột gan, với niềm tiếc thương vô hạn. Ông viết: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây/Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào...”.

Cũng là tấm chân tình hướng về đồng đội, khi đến bến sông Thạch Hãn- bên cạnh Thành cổ Quảng Trị, cựu chiến binh Lê Bá Dương (Nghệ An) viết những dòng thơ đầy khắc khoải với biết bao tình cảm chứa chan hướng về đồng đội “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”.

Và cũng không ai trong Đoàn chúng tôi ngăn được những giọt nước mặt, những tiếng nấc nghẹn ngào trước câu chuyện về bức thư di vật của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (Kiến Xương, Thái Bình)- một trong biết bao Anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh đã cống hiến, đã dành trọn tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Là Sinh viên năm thứ 4 Khoa cầu đường (Đại học Xây dựng Hà Nội), mới cưới vợ chưa được 7 ngày, chưa kịp có con, tháng 5/1972, anh vào chiến trường Quảng Trị. Tháng 9/1972, chiến sỹ Lê Văn Huỳnh nhận nhiệm vụ đưa hàng qua sông Thạch Hãn. Giữa sự sống và cái chết mong manh, anh khó tin rằng mình có thể sống quay về, và anh viết bức thư- bức thư cuối cùng cho gia đình và người vợ trẻ yêu dấu.

Các thành viên tham quan hiện vật tại Bảo tàng Thành cổ. Ảnh: Thái Bình.

Trong thứ có đoạn: “Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ đã đau khổ nhiều, nhưng mẹ hãy lau nước mắt để sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”.

Với người vợ trẻ, chiến sỹ Lê Văn Huỳnh nhắn nhủ: “Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh...

Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này, nhưng em hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Anh chỉ mong em khỏe, yêu đời, nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm. Anh chỉ mong em sẽ luôn nhớ đến anh và hãy thắp hương cho anh vào ngày giỗ anh. Hãy là người con dâu hiếu thảo của mẹ, là người em ngoan của các anh chị anh...”.

Điều đặc biệt hơn nữa, trong lá thư, chiến sỹ Lê Văn Huỳnh còn linh cảm được rõ nơi mình hi sinh để hướng dẫn gia đình sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất vào Quảng Trị mang hài cốt anh về quê hương. Quả đúng, sau này theo chỉ dẫn trong bức thư của anh, gia đình đã tìm được chính xác vị trí ngôi mộ. Dù chỉ được sống “đời vợ chồng” chưa đến 7 ngày, nhưng từ khi chồng hy sinh đến nay, bà Đặng Thị Xơ (vợ liệt sỹ Lê Văn Huỳnh) vẫn ở vậy thờ chồng!

Các thành viên thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9. Ảnh: Thái Bình.

Trong mỗi địa chỉ đỏ trong hành trình về Quảng Trị lần này nơi nào chúng tôi cũng thêm nghẹn ngào, xen lẫn niềm biết ơn vô hạn với những hy sinh của biết bao người con đất Việt cho Tổ quốc được thống nhất, hòa bình. Và như để thỏa ước nguyện chiến đấu vì hòa bình cho đất nước của các Anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh, chúng tôi may mắn gặp được hình ảnh xúc động là những chú chim bồ câu (biểu tượng của hòa bình) thong thả, nhẹ nhàng, quẩn quanh bên những ngôi mộ của các liệt sỹ tại Nghĩa trang đường 9.

Dưới cái nắng bỏng rát của Quảng Trị những ngày tháng Tư, trong những câu chuyện nghẹn ngào tại mỗi địa chỉ đỏ, chúng tôi càng thấm thía hơn nỗi vất vả, sự hy sinh to lớn, vô bờ của các Anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh và biết bao gia đình có công với Cách mạng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi chúng tôi đều tự hứa ra sức phấn đấu, làm việc thật tốt, góp phần xây dựng quê hương hòa bình, giàu đẹp xứng đáng với những sự hy sinh to lớn đó!

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thang-tu-nghe-nhung-cau-chuyen-cam-dong-o-quang-tri-anh-hung.aspx