Thang Trần Phềnh và thế giới nghệ thuật bí hiểm đầy thú vị

Sắp tới, tại Hà Nội (ngày 19/8) và TP. Hồ Chí Minh (ngày 26/8 và 15/9) sẽ diễn ra các sự kiện ra mắt cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp và ghi lại hành trình du ngoạn đầy bí ẩn các tác phẩm của họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895-1973), một trong những họa sĩ có thông tin ít ỏi nhất của Việt Nam.

Cuốn sách của tác giả Ngô Kim-Khôi, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành, là một tập hợp các thông tin có đối chiếu và xác thực của tư liệu, có giá trị nghiên cứu về lịch sử, sự nghiệp, bút pháp và chữ ký của họa sĩ qua các thời kỳ.

Với 90 trang nội dung (khổ 178 x 255 mm, in offset 4 màu) và hơn 68 trang hình ảnh tư liệu quý về họa sĩ và tác phẩm qua các thời kỳ.

Họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895-1973) sinh ra tại xã Xuân Quang, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ngày 18/5/1895 tại Hà Nội (theo danh sách sinh viên khóa II của trường Mỹ thuật Đông Dương).

Bìa cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973).

Thuở bé, Trần Phềnh rất có năng khiếu về vẽ, khi học trường Bưởi (lyceé du Protectorat, trung học Bảo Hộ), ông luôn đứng nhất môn hội họa. Gia cảnh khó khăn, có ý thức tự lập sớm, Trần Phềnh đã vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha mình.

Trong buổi bình minh của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Thang Trần Phềnh là một trong những tia nắng ban mai rực rỡ. Đã có thời những sáng tác mỹ thuật của ông viễn du xứ người và làm rạng danh nền văn hóa nước nhà.

Thang Trần Phềnh là một trong những họa sĩ có tài liệu ít ỏi nhất. Đi vào cuộc đời của ông là bước vào một thế giới bí hiểm đầy khám phá thú vị, cũng giúp bạn đọc có cái nhìn chung thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Điều thú vị ở đây là người viết cuốn sách về họa sĩ Việt Nam thời cận-hiện đại này chính nhà nghiên cứu Ngô Kim-Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, một người cùng thời danh tiếng của ông Thang Trần Phềnh. Và chính điều này dường như cũng đã góp phần tăng thêm giá trị cho cuốn sách.

Cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973) được tác giả Việt kiều Ngô Kim-Khôi đã sử dụng thứ tiếng Việt chuẩn xác, phong phú và tinh tế.

Bằng một niềm say mê hiếm có và một tinh thần cầu thị hiếm có, tác giả cuốn sách đã tái hiện cuộc đời một con người, một sự nghiệp hầu như đã bị bao phủ bởi lớp bụi của thời gian. Và, qua con người ấy, sự nghiệp ấy, cả một thời kỳ vang bóng xa xưa của hội họa Việt Nam cũng bỗng hiện về và trở nên sống động lạ thường.

Cho dù sống tại Pháp đã lâu nhưng tác giả Ngô Kim-Khôi đã sử dụng thứ tiếng Việt chuẩn xác, phong phú và tinh tế để hoàn thành cuốn sách này. Khả năng tiếng Pháp của một trí thức Việt Nam sống tại Pháp cũng đã giúp anh tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu mà ở Việt Nam chúng ta chưa từng biết đến.

Có thể nói, một thể thức nghiên cứu độc đáo, tính xác thực vô song của các tư liệu, tình cảm và cảm xúc chân thành của người viết - chính là ba yếu tố cuốn hút nổi bật nhất của cuốn sách này.

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thang-tran-phenh-va-the-gioi-nghe-thuat-bi-hiem-day-thu-vi-75369.html