Thăng trầm nghề đậu bạc Định Công

Từng là một trong bốn nghề truyền thống bậc nhất Kinh thành Thăng Long xưa, trải qua bao thăng trầm, nghề đậu bạc làng Định Công trước đây (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) dần bị mai một. Nhưng nhờ bao công sức, tâm huyết của những nghệ nhân ít ỏi còn lại, nghề đậu bạc đã dần được phục hồi, trở thành một nét độc đáo của đất Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Trải nhiều biến cố

Theo nghệ nhân Quách Văn Trường, một nghệ nhân có công lớn trong việc gìn giữ và bảo tồn nghề đậu bạc, thì sử liệu ghi chép về làng nghề Định Công còn lại rất ít. Trong các tài liệu do người dân ở đây thu thập được, từ thời Tiền Lý (thế kỷ 7), có ba anh em họ Trần là: Trần Điền, Trần Điện và Trần Hòa sớm phải ly tán, mỗi người chạy loạn một nơi. Sau một thời gian, cả ba cùng trở về quê và tình cờ, trong thời gian tha hương, họ đều cùng học nghề làm trang sức, kim hoàn. Với tay nghề cao, ba anh em cùng nhau mở cửa tiệm. Sản phẩm của họ rất được ưa chuộng bởi giá trị nghệ thuật cao. Sau đó, ba anh em họ Trần đã dạy nghề cho những người dân ở làng Định Công. Qua bao năm tháng phát triển, Định Công trở thành làng nghề đậu bạc nổi tiếng, là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ xưa, được dân gian lưu truyền là: “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Nhiều nghệ nhân trong làng được tuyển lựa vào cung làm đồ trang sức cho vua chúa.

Trong ký ức của nhiều người dân làng Định Công, ngày xưa, cả làng, nhà nhà làm nghề kim hoàn. Mang tiếng là làng nghề, nhưng công việc chính của người dân là đồng áng. Vào những ngày nông nhàn hoặc sau những buổi cày cấy, trước sân nhà, các nghệ nhân nông dân lại say sưa chế tác các tác phẩm làm đẹp cho đời. Nghề kim hoàn vốn có ba kỹ thuật chính là: Làm nhẵn bóng (trơn); chạm trổ trên sản phẩm (chạm); ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm (đậu). Nghệ nhân làng Định Công nức tiếng cả nước bởi kỹ thuật đậu kim hoàn, vì thế dân trong nghề gọi làng Định Công là “hàng đậu”. Sau này, khi bạc trở thành nguyên liệu chính để chế tác sản phẩm, cũng là lúc nghề đậu bạc ra đời, và gắn liền với người dân Định Công. Trước thời Pháp thuộc, làng có hơn một nửa gia đình theo nghề truyền thống. Nhưng sau năm 1954, do thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều người dân làng Định Công đành bỏ nghề tổ truyền, nghề đậu bạc dần bị rơi vào quên lãng.

Những nghệ nhân ở Định Công cho biết, mãi đến khoảng năm 1983, sau gần 30 năm mai một, nghề đậu bạc mới dần sống lại bởi sự quyết tâm của số ít người con của làng còn giữ được nghề, có mong muốn khôi phục nghề tổ truyền. Thế là những bông hoa, con bướm được chế tác hoàn toàn bằng tay ra đời, nhưng được làm bằng chất liệu… đồng. Ban đầu, các sản phẩm này được khách hàng trong nước và ngoài nước ưa chuộng, có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, vì nguyên liệu đồng vốn không đẹp, nhanh bị xỉn mầu, chế tác lại khó, cho nên chỉ sau hơn một năm, các sản phẩm này không còn chỗ đứng trên thị trường, nghề đậu bạc lại một lần nữa đứng trước nguy cơ mai một. Đến năm 1986, khi bạc nguyên liệu dồi dào, một số nghệ nhân cảm thấy đây là thời điểm tốt để tiếp tục khôi phục nghề tổ truyền, và họ cùng nhau ngày đêm miệt mài với những sản phẩm và chọn lựa những người có hoa tay khéo léo để truyền nghề.

Ấy vậy mà quá trình giữ nghề đậu bạc cũng lắm gian truân. Được khách hàng ưa chuộng, nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng có rất ít người đủ tố chất để theo nghề. Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết hài hòa, cân xứng. Đầu tiên người thợ phải nấu bạc thành thoi, cán và rút thành sợi nhỏ uốn thành họa tiết. Sau đó dùng vẩy hàn gắn kết lại một cách công phu. Mỗi sản phẩm thật sự là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, không chỉ đẹp về hình thức, mà còn có hồn. Có khi, mất nhiều ngày mới làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Đó chính là lý do khiến nghề đậu bạc rất kén thợ. Bây giờ, với sự sáng tạo không ngừng nghỉ, các tác phẩm đậu bạc đã không chỉ là mỹ nghệ trang trí, mà còn là mỹ nghệ ứng dụng, với các tác phẩm đĩa, lọ hoa. Tuy nhiên, số người có thể coi là biết nghề ở Định Công vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nghề đã được khôi phục, nhưng để phát triển, trở lại thời hoàng kim còn là nỗi canh cánh của những nghệ nhân nơi đây.

Những người “giữ lửa”

Nghề đậu bạc Định Công sau bao thăng trầm, biến cố bây giờ đã dần tìm lại được chỗ đứng. Đó là nhờ công lao của những thế hệ nghệ nhân, già có, trẻ có. Thậm chí, có những người con của đất Định Công sẵn sàng từ bỏ ước mơ khi còn ngồi trên ghế giảng đường để “giữ lửa” nghề tinh hoa tổ truyền. Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh là một thí dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tuấn Anh mơ ước trở thành nhà kinh tế. Đó là lý do khiến anh trở thành sinh viên của Trường đại học Kinh tế quốc dân. Những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, Tuấn Anh chứng kiến các thế hệ nghệ nhân đi trước mất bao công phu, tâm huyết mà không tìm được “truyền nhân” xứng đáng để giữ nghề. Cầm tấm bằng cử nhân kinh tế trên tay, anh không đi tìm việc, mà ngỏ lời với gia đình là sẽ quyết tâm theo nghề tổ truyền.

Với “gien di truyền” của dòng họ nhiều đời làm nghề đậu bạc, chẳng mấy chốc, Tuấn Anh đã bắt nhịp được với công việc mới. Không chỉ có tay nghề khéo, anh còn sáng tạo ra rất nhiều sản phẩm độc đáo, được ưa chuộng, được trưng bày tại nhiều triển lãm mỹ nghệ. Năm 2007, Tuấn Anh trở thành đại diện duy nhất của nghề kim hoàn Việt Nam dự chương trình trao đổi văn hóa do Chính phủ Hàn Quốc tổ chức. Tại cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sản phẩm Trâu vàng của anh được trao giải “Sản phẩm thủ công tinh xảo”. “Những ngày đầu học nghề, làm nghề, phải đối mặt với biết bao khó khăn, cả trong chế tác lẫn tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng tôi không nản chí. Nghề đậu bạc đã được cha ông xây dựng và phát triển, đã đến lúc các thế hệ kế tục như chúng tôi phải gìn giữ”, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh chia sẻ.

Đến thăm xưởng đậu bạc của Tuấn Anh mới thấy hết sự vất vả, tỉ mỉ của những người thợ ở đây. Chỉ trong một không gian nhỏ chưa đầy 30 m2, khoảng năm, sáu người thợ say mê với những sản phẩm của mình, tỉ mỉ đến từng chi tiết, quên cả những gì đang xảy ra chung quanh. Nghỉ tay sau khi hoàn thành xong một tác phẩm, nghệ nhân trẻ Hoàng Ngọc Đạt cho biết, anh mới chỉ hơn 30 tuổi, nhưng đã có gần chục năm theo nghề. Những ngày đầu chập chững vào nghề, anh đã yêu công việc đầy tính nghệ thuật này. Dù đậu bạc chỉ mang lại thu nhập đủ trang trải cuộc sống, nhưng một khi gắn bó thì không thể dứt ra được. “Mỗi khi ngắm những tác phẩm hoàn thành sau bao thời gian ngồi tỉ mẩn chế tác mới thấy công việc này thật đáng trân trọng. Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng với tôi, đây sẽ là công việc cả đời gắn bó. Đó không chỉ là nghề, mà còn là giá trị văn hóa được lưu truyền từ nghìn đời”, anh Hoàng Ngọc Đạt bộc bạch.

Theo nghệ nhân Quách Văn Trường, nghề đậu bạc được các thế hệ trẻ kế tục là một điều rất đáng trân trọng. Nhớ lại những ngày đầu tìm cách khôi phục nghề truyền thống, ông Trường cho biết, ban đầu, khi ông mở lớp, có cả thảy 28 học viên xin học nghề. Trải qua một thời gian dài “truyền lửa”, số học viên giảm dần, vì để theo được nghề là cả một quá trình gian nan, cần đến nhiều yếu tố, không chỉ ở đôi bàn tay. Nếu chỉ chăm chăm làm các sản phẩm theo những mô-tuýp cũ kỹ, theo lối mòn thì rất khó phát triển nghề vì sẽ nhanh chóng tạo sự nhàm chán cho khách hàng. Người thợ đậu bạc cần có óc sáng tạo phong phú, tâm hồn của một người nghệ sĩ đích thực. Đó chính là những yếu tố quan trọng để trở thành một nghệ nhân giỏi.

Đến nay, chỉ còn khoảng 10 người theo được nghề đậu bạc truyền thống. Họ chính là những người đã thổi hồn vào bạc, để tạo ra những tác phẩm độc đáo như: Con thuyền, con rồng, thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha,… Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh cho biết, xưởng của anh cũng đã có không ít người đến xin học nghề. Nhưng thu nhập không cao, lại mất rất nhiều thời gian để học nghề, cho nên cuối cùng, cũng chẳng mấy ai mặn mà với nghề đậu bạc Định Công. Số ít còn lại đang ngày đêm miệt mài để có thể giữ nghề.

“Thế hệ chúng tôi đã già, mắt đã kém, tay đã run, không thể tiếp tục làm nghề được, cho nên phải “nhường sân khấu” và truyền đạt lại kinh nghiệm cho những thế hệ tiếp theo. Hy vọng những nghệ nhân trẻ như Quách Phan Tuấn Anh, Hoàng Ngọc Đạt… sẽ kế tục thành công nghề đậu bạc truyền thống Định Công, để không chỉ là giữ nghề, mà còn phải phát triển nghề, để một ngày nào đó, nghề đậu bạc trở lại với thời hoàng kim”, nghệ nhân Quách Văn Trường chia sẻ.

Bài và ảnh: HOÀNG ĐỨC NHÃ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35156502-thang-tram-nghe-dau-bac-dinh-cong.html