Thăng trầm 'hành trình quyền lực' tại Eximbank

Gần một thập kỷ qua, Eximbank liên tiếp vướng phải lùm xùm nội bộ bất đồng, tranh giành quyền lực; tình trạng kinh doanh sa sút khiến 'rơi' khỏi top ngân hàng nghìn tỷ ở Việt Nam.

Gần một thập kỷ sóng gió

Từng nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB) dần rơi ra khỏi nhóm dẫn đầu sau những biến cố về nhân sự. Đỉnh điểm, cuối năm 2015, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng rút lui khỏi “ghế nóng”, những vấn đề nhân sự cấp cao của nhà băng này luôn trong tình trạng “rối như tơ vò”. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn thêm người vào vị trí quản trị.

Câu chuyện tranh giành ghế nóng tại Eximbank được đẩy lên cao khi năm 2016, ĐHCĐ bất thành. Mâu thuẫn giữa các cổ đông khiến Eximbank càng lún sâu vào khó khăn, tài sản sụt giảm, lợi nhuận lao dốc thậm chí lỗ và cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm liên tiếp hai năm.

 Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB).

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; EIB).

Chuỗi ngày khó khăn của Eximbank bắt đầu khi năm 2011, tổng tài sản giảm mạnh từ 183,6 nghìn tỷ xuống còn 161 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2014. Đến năm 2015, tài sản của nhà băng này giảm xuống chưa tới 126 nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận của Eximbank cũng giảm sút, từ 828 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 69 tỷ đồng năm 2014. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm bất ngờ âm 817 tỷ đồng.

Về tốc độ tăng trưởng cho vay bình quân, năm 2011, ngân hàng Eximbank chỉ đạt 4,2%/năm, khiến nhà băng này không thể giữ được thị phần. Đỉnh điểm năm 2018, tăng trưởng cho vay của Eximbank chỉ đạt 2,9%, đặc biệt tốc độ tăng trưởng dồn vào quý IV, trong khi 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,7%.

Về nợ xấu, tính đến cuối năm 2018, số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của Eximbank là 1.921 tỷ đồng, giảm 16,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,84%. Bên cạnh đó, Eximbank còn 5.487 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC, đứng thứ 6 trong danh sách các ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất (không kể Agribank). Ngân hàng cho biết trong năm 2018 đã trích lập thêm 904 tỷ đồng dự phòng rủi ro để đẩy nhanh việc thu hồi và xử lí nợ xấu.

Cuộc chiến ‘ghế nóng’ đã lắng xuống?

Ngoài kết quả kinh doanh kém hiệu quả, Eximbank còn nổi lên như một ngân hàng nhiều lùm xùm nhân sự cấp cao. Cuộc chiến ghế nóng cháy âm ỉ và bùng nổ trước mỗi thềm ĐHCĐ. Năm 2015, sau nhiều lần tổ chức ĐHCĐ, Eximbank mới bầu được HĐQT mới. Thời điểm đó, ông Lê Minh Quốc và ông Lê Văn Quyết trở thành Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Eximbank sau những cuộc “khẩu chiến” tưởng chừng không có hồi kết.

Tưởng như cuộc chiến tranh giành “ghế nóng” sẽ dừng lại ở đây nhưng sự nghi ngờ về việc gian lận trong quá trình bỏ phiếu cho ông Lê Minh Quốc tiếp tục làm nội bộ Eximbank dậy sóng. Lần kiểm phiếu đầu tiên, ông Quốc chỉ có 46% phiếu ủng hộ nhưng sau khi “bỏ phiếu lại” thì đạt hơn 58% và trúng cử. Dĩ nhiên, kết quả không thống nhất này khiến Eximbank không thể thực hiện ĐHCĐ thường niên.

Trong khi nội bộ “lục đục”, một cái tên ngoại lai là Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã cử người tham gia ứng cử vào thành viên HĐQT của Eximbank. Động thái này khiến cho mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của nhà băng này tăng lên nhiều lần.

Ông Cao Xuân Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020).

Sau ĐHCĐ 2015, ông Lê Hùng Dũng đã rút khỏi ghế Chủ tịch HĐQT khiến vấn đề chiếc ghế quyền lực nhất “nóng” hơn bao giờ hết. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông càng đẩy lên đỉnh điểm.

Đến đại hội 2018, cựu CEO NamABank - bà Lương Thị Cẩm Tú là ứng cử viên duy nhất trong danh sách bổ sung được NHNN chấp thuận tham gia HĐQT Eximbank. Trong khi đó, bộ máy lãnh đạo của Eximbank giảm 8 Phó Tổng giám đốc; Ban điều hành chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây.

Trước thềm ĐHCĐ 2019, cuộc chiến giành “ghế nóng” trong Eximbank lại nổi lên khi bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu CEO NamABank, thành viên HĐQT Eximbank bất ngờ được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT thay ông Lê Minh Quốc.

Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc đâm đơn “tố” một số thành viên HĐQT đã làm sai luật và loại nguyên Chủ tịch này ra khỏi cuộc chơi. Ngay lập tức, phía Eximbank đã phản bác thông tin và cho rằng các thành viên HĐQT đã thực hiện đúng quy trình lớp lang về việc ra nghị quyết. Việc bầu Chủ tịch mới theo Eximbank hoàn toàn đúng luật.

Tuy nhiên, vài ngày sau, bất ngờ TAND TP.HCM tuyên bố đã nhận đơn của ông Quốc. Sau khi xem xét thấy đủ bằng chứng nên ra phán quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “bác” nghị quyết này. Những thành viên HĐQT Eximbank có tên trong đơn của ông Quốc và phán quyết của tòa cũng không ngồi yên khi làm đơn khiếu nại gửi đến cả lãnh đạo Chính phủ, Viện KSND Tối cao và các cơ quan chức năng để kêu cứu.

Ngày 7/5, ông Lê Minh Quốc bất ngờ có Giấy ủy quyền cho Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngô Thanh Tùng. Theo đó, “Bên được ủy quyền thay mặt và nhân danh Bên ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT, bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau đây: Triệu tập và chủ tọa cuộc họp HĐQT; Quyết định lấy ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản; Chuẩn bị nội dung, tài liệu, chương trình phục vụ cuộc họp HĐQT hoặc để lấy ý kiến của các thành viên HĐQT bằng văn bản;

Thảo luận và biểu quyết đối với các vấn đề được đưa ra theo nội dung và chương trình của các cuộc họp HĐQT, trả lời Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản bao gồm đưa ra ý kiến, quyết định và thực hiện quyền biểu quyết của Chủ tịch HĐQT, Thành viên HĐQT; Ký Biên bản họp HĐQT; ký tên trên Phiếu lấy ý kiến thành viên HĐQT bằng văn bản; lập và ký tên trên các văn bản, giấy tờ có liên quan tại các cuộc họp HĐQT; Thay mặt HĐQT ký các nghị quyết, quyết định của HĐQT".

Ngày 22/5, Eximbank đã ban hành Nghị quyết số 238/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bầu ông Cao Xuân Ninh, Thành viên Hội đồng quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Ngoài ra Hội đồng quản trị cũng có nghị quyết 239/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó Tổng Giám đốc thường trực làm Quyền Tổng Giám đốc. Việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng nêu trên đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục của ngân hàng Eximbank và tuân thủ quy định của pháp luật.

Thảo Nguyên

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thang-tram-hanh-trinh-quyen-luc-tai-eximbank-d158837.html