Thăng trầm của tỷ phú 'một vành đai, một con đường'

“Cầu nối” đặc biệt

Diệp Giản Minh âm thầm làm cố vấn kinh tế đặc biệt cho nhà lãnh đạo Séc Milos Zeman. Điều chỉ được công bố sáu tháng sau khi Miroslav Kalousek, một nghị sĩ phe đối lập ở Séc, nói rằng ông coi vai trò của Diệp Giản Minh trong chính phủ ở đất nước mình là “tai tiếng và rủi ro an ninh”.

Không lâu sau, Diệp bắt đầu thể hiện sự phô trương. Các thỏa thuận mà Diệp thực hiện với Zeman không có ý nghĩa thương mại, nhưng đưa ra một thông điệp rõ ràng từ Bắc Kinh tới cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc hiện có một người bạn vững chắc ở châu Âu. Điều này vô cùng quan trọng. Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm mục đích xuất khẩu thương mại, hàng hóa và ảnh hưởng của nước này trên toàn cầu. Một sự ủng hộ từ Cộng hòa Séc mang lại cho Trung Quốc một cửa ngõ vào châu Âu và một đồng minh chính trị có giá trị trong Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.

Stephen Platt, một nhà sử học người Mỹ, đồng thời là Giáo sư lịch sử Trung Quốc tại Đại học Massachusetts Amherst, cho rằng từng có một lịch sử lâu dài sử dụng các doanh nhân thúc đẩy ảnh hưởng của đất nước họ ở nước ngoài, như Công ty Đông Ấn của Anh hay các thương nhân bông và lụa là bước chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc hồi cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX. “Điều này mang lại rủi ro và gánh nặng tài chính cho chính phủ Trung Quốc” - Platt nói - “Nếu các công ty này phá sản, thì đó là vấn đề của họ, trong khi đó chính phủ Trung Quốc vẫn có thể lợi dụng điều này để truyền bá quan điểm tích cực về họ và tăng tầm ảnh hưởng”.

Khi Tổng thống Cộng hòa Séc, Milos Zeman, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào năm 2015, Diệp đã được chụp ảnh với cả hai nhà lãnh đạo. Sự gần gũi của nhân vật này với trung tâm quyền lực Trung Quốc chưa bao giờ lại được thể hiện mạnh mẽ hơn.

Các giao dịch tại Séc gây ra tiếng vang xung quanh Diệp. Laban Yu, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Ngân hàng đầu tư Jefferies Group cho biết, năng lượng của Tập đoàn CEFC của Diệp đến từ... hư không. Vào năm 2018, có thông tin rộng rãi rằng CEFC China Energy có danh mục tài sản toàn cầu trị giá 3,2 tỷ USD, bao gồm văn phòng tại trung tâm Hồng Kông và một căn hộ tại Trump World Tower ở Manhattan (Mỹ). Công ty đã tuyển dụng gần 50.000 người, được xếp thứ 222 trong danh sách Fortune 500 2017 và năm 2015 đã kiếm được khoảng 40 tỷ đô la doanh thu.

Năm 2016, Diệp có cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune, cũng là lần phỏng vấn duy nhất trước truyền thông phương Tây. Đó là một cơ hội để giải quyết các câu hỏi về mối quan hệ của Diệp với chính phủ.

Trong nhiều năm, có tin đồn ở Trung Quốc rằng Diệp là người nối dõi của một trong những cựu nhân vật đã sáng lập Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Nhiều trường hợp tương tự như vậy đã giữ vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc là chính trị gia cấp cao. Ở Trung Quốc, việc là dòng dõi, nhất là con đẻ, của một quan chức hay cựu quan chức cấp cao thường có cơ hội thăng tiến hoặc làm giàu rất nhanh chóng.

Trong một báo cáo tài chính năm 2012 có đăng một tiểu sử của Diệp, trong đó cho biết từ năm 2003 đến năm 2005, doanh nhân này là Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Liên lạc Thân thiện quốc tế Trung Quốc (CAIFC). Đây được coi là một tổ chức ngoại biên có mục đích chính trị của PLA, theo báo cáo của Viện Dự án 2049, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh châu Á. Sự tương đồng về phong cách giữa logo CEFC China Energy và CAIFC càng làng tăng thêm sự đồn đoán về mối liên hệ giữa Diệp với PLA.

(Còn tiếp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thang-tram-cua-ty-phu-mot-vanh-dai-mot-con-duong-3969496-b.html