Thắng thua là ở băng tần

Vietnamobile đã gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ với mong muốn có chính sách công bằng trong phân bổ nguồn lực tần số. Vậy vì sao lại có sự không công bằng này?

 Khách hàng đang giao dịch tại Vietnamobile. Ảnh: MẠNH HÙNG

Khách hàng đang giao dịch tại Vietnamobile. Ảnh: MẠNH HÙNG

Vietnamobile là mạng di động do Hà Nội Telecom liên doanh với Hutchison của Hồng Kông phát triển. Ngoài đề nghị trên, Vietnamobile còn xin Chính phủ cấp thêm băng tần 850 Mhz và có chính sách hợp lý để có cơ hội được sử dụng băng tần 2600 Mhz trong đợt đấu giá sắp tới. Đồng thời nhà mạng này cũng đề nghị Chính phủ “định hướng” để họ có thể thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 Mhz và 2100 Mhz với các nhà mạng khác...

Ba ông lớn thống trị băng tần

Việc cấp phép tần số tại Việt Nam được chia làm hai giai đoạn. Trước khi có Luật Tần số vô tuyến điện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010) thì căn cứ vào năng lực, yêu cầu của doanh nghiệp để cấp phép. Sau khi có luật thì việc cấp phép tần số được thực hiện theo luật. Luật Tần số vô tuyến điện quy định các băng tần có giá trị kinh tế cao và khả năng đáp ứng thấp hơn nhu cầu thì thi tuyển hoặc là đấu giá. Việc băng tần nào thực hiện đấu giá do Thủ tướng quy định.

Tuy nhiên, từ sau khi luật này có hiệu lực, Việt Nam chưa cấp phép băng tần mới nào. Các băng tần đang được các nhà mạng sử dụng đều được cấp từ trước đó. Băng tần 3G đã cấp thông qua hình thức thi tuyển từ năm 2008, băng tần 4G (dự định là băng tần 2600 Mhz) thì đang chuẩn bị đưa ra cấp. Hiện các doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần đã được cấp phép để làm 2G (1800 Mhz) và 3G (2100 Mhz).

Trước đây, băng tần 1800 Mhz đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho Viettel, MobiFone, Vinaphone (cấp phép trực tiếp trước khi các doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ di động). Lúc đó Vietnamobile dùng công nghệ CDMA (chứ không phải công nghệ GSM như hiện tại) nên không quan tâm đến băng tần 1800 Mhz mà xin cấp phép sử dụng băng tần 850 Mhz. Sau này khi không thành công với công nghệ CDMA, Vietnamobile mới xin chuyển đổi sang công nghệ GSM như các nhà mạng khác và hợp tác với EVN Telecom để có chung giấy phép 3G ở băng tần 2100 Mhz. Vì chính sách chỉ cấp bốn giấy phép băng tần 3G, nên Vietnamobile buộc phải hợp tác với EVN Telecom để chia sẻ giấy phép còn lại.

Sau này khi EVN Telecom làm ăn thua lỗ và được sáp nhập về Viettel thì nhà mạng này được sở hữu một nửa giấy phép 3G của EVN Telecom được cấp trước đó. Có thể hiểu nôm na là hiện Vinaphone, MobiFone sở hữu một giấy phép băng tần 3G còn Viettel sở hữu một giấy phép rưỡi, còn Vietnamobile sở hữu nửa giấy phép. Trong khi đó, nhà mạng phải có đủ băng tần thì mới có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao và giá thành hợp lý được. Bởi băng tần ít thì doanh nghiệp phải đầu tư nhiều trạm thu và phát sóng (BTS) hơn, theo đó sẽ làm cho giá thành cao.

Chính vì lý do trên mà Vietnamobile mới đề nghị Chính phủ cấp thêm băng tần 850 Mhz; đề nghị Chính phủ chỉ đạo, định hướng để Vietnamobile có thể thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 Mhz và 2100 Mhz với các nhà mạng khác...

Một chuyên gia nhận xét, nhược điểm lớn nhất trong quản lý nhà nước về viễn thông của Việt Nam là cho phép quá nhiều doanh nghiệp khai thác dịch vụ di động (có thời điểm có đến bảy doanh nghiệp cùng kinh doanh dịch vụ viễn thông di động). Trong khi tài nguyên tần số hữu hạn nên buộc phải chia sẻ giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu doanh nghiệp không có đủ băng tần thì kinh doanh sẽ khó khăn. Phần lớn các nước trên thế giới chỉ cấp phép kinh doanh dịch vụ di động cho 3-4 doanh nghiệp.

Vẫn phải dựa vào luật để chia

Nhược điểm lớn nhất trong quản lý nhà nước về viễn thông của Việt Nam là cho phép quá nhiều doanh nghiệp khai thác dịch vụ di động. Trong khi tài nguyên tần số hữu hạn nên buộc phải chia sẻ giữa các
doanh nghiệp với nhau.

Như vậy việc Vietnamobile đề nghị Chính phủ chỉ đạo, định hướng để nhà mạng này có thể thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 Mhz và 2100 Mhz với các nhà mạng khác là không khả thi, vì Chính phủ không thể bắt doanh nghiệp chia “miếng bánh” của mình cho người khác. Song, Vietnamobile vẫn còn cơ hội được sử dụng băng tần 850 Mhz, nếu như hoạt động quản lý nhà nước về băng tần được thực hiện tốt.

Trước đây Saigon Postel (chủ đầu tư mạng di động S-Fone) được cấp phép kinh doanh dịch vụ di động sử dụng công nghệ CDMA trên băng tần 850 Mhz, nhưng nay không còn hoạt động trên băng tần đó. Khi doanh nghiệp được cấp phép sử dụng băng tần mà không còn sử dụng thì Nhà nước có thể thu hồi. Hiện tất cả nhà mạng đều muốn có thêm băng tần 850 Mhz của Saigon Postel, kể cả các nhà mạng lớn, vì càng nhiều băng tần thì cung cấp dịch vụ chất lượng càng tốt hơn và giá thành thấp hơn.

Viettel đang là nhà mạng sở hữu nhiều băng tần nhất (do nhận thêm băng tần từ EVN Telecom), sau đến Vinaphone và MobiFone (hai nhà mạng này sở hữu băng tần bằng nhau). Trong khi Vietnamobile có cả băng tần để cung cấp dịch vụ 2G (gọi điện, nhắn tin) và 3G (Internet di động) thì Gtel (Gmobile) chỉ có băng tần 1800 Mhz để cung cấp dịch vụ 2G, không có băng tần để cung cấp dịch vụ 3G. Như vậy Gtel mới là doanh nghiệp sở hữu ít băng tần nhất trong các nhà mạng hiện còn kinh doanh dịch vụ di động.

Các chuyên gia cho rằng nếu thu hồi được băng tần đã cấp cho Saigon Postel thì nên đấu giá theo Luật Tần số vô tuyến điện. Nhưng nếu đấu giá mà không đặt điều kiện thì các nhà mạng lớn với tiềm lực tài chính mạnh như Viettel sẽ thắng - tài nguyên tần số dồn vào Viettel - tạo sự chênh lệch về khả năng cung cấp dịch vụ và chất lượng trên thị trường. Nếu Chính phủ vẫn muốn duy trì nhiều doanh nghiệp kinh doanh di động như hiện nay (năm doanh nghiệp) thì có thể tiến hành đấu giá băng tần này trong phạm vi các doanh nghiệp đang sử dụng ít tần số.

“Vietnamobile muốn có băng tần 850 Mhz nên muốn thúc đẩy Chính phủ thu hồi để cấp cho họ, nhưng luật giờ không cho cấp phép trực tiếp nữa mà chỉ có thể đấu giá”, một chuyên gia nói.

Còn với đề nghị Chính phủ cần có chính sách hợp lý để Vietnamobile có cơ hội được sử dụng băng tần 2600 Mhz (dự định sử dụng cho 4G) trong đấu giá sắp tới, các chuyên gia cho rằng không khả thi. Bởi theo Luật Tần số vô tuyến điện thì các doanh nghiệp phải tham gia đấu giá công bằng, không thể có chính sách ưu ái cho nhà mạng nào hơn được.

Vân Oanh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/285962/thang-thua-la-o-bang-tan-.html