'Tháng năm rực rỡ': Thanh xuân tươi đẹp, trưởng thành… thất bại

'Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào. Dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa, bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa'.

Trailer bộ phim 'Tháng năm rực rỡ' Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm lại bộ phim nổi tiếng "Sunny" của điện ảnh Hàn Quốc với bối cảnh Đà Lạt năm 1974-1975.

Câu nói trong Cô gái mà năm ấy chúng ta cùng theo đuổi (You’re the Apple of My Eye) của đạo diễn - nhà văn Cửu Bả Đao dù đã được trích dẫn nhiều, tôi vẫn mượn nó để mở đầu cho bài bình luận về bộ phim Tháng năm rực rỡ.

Bộ phim được làm lại từ Sunny, tác phẩm gốc của điện ảnh Hàn Quốc, một lần nữa khiến người xem được đắm mình trong cơn mưa rào của tuổi thanh xuân bất diệt.

Không chỉ Cô gái mà năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, suốt gần một thập niên qua, một loạt phim điện ảnh, truyền hình hoài niệm về tuổi thanh xuân trong sáng trở thành hiện tượng tại các nền điện ảnh mạnh của châu Á. Ngay từ nhan đề phim đã gợi nhắc cho chúng ta về thời thanh xuân tươi đẹp, mang tính hoài niệm cá nhân của từng đạo diễn.

Ngoài Cô gái mà năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, điện ảnh Đài Loan còn thành công rực rỡ với Thời đại thiếu nữ của tôi (Our Times). Trung Quốc có Gửi thời thanh xuân mà chúng ta đã mất (So Young) hay Chàng ngốc đổi đời (Goodbye Mr. Loser).

Ấn Độ có 3 gã ngốc (Three Idiots). Nổi bật nhất trong dòng phim hồi ức thanh xuân là Hàn Quốc với Miss Granny (bản tiếng Việt Ngoại già tuổi đôi mươi), Sunny (Nhóm Nữ quái Sunny) hay loạt phim truyền hình Reply 1988 (Lời hồi đáp 1988)...

Những hồi ức đẹp đẽ

Điểm chung của hầu hết các bộ phim nói trên đều là những hồi ức tươi đẹp của thời thanh xuân, vừa mang dấu ấn cá nhân của từng tác giả, đồng thời cũng chạm vào ký ức của nhiều khán giả, đặc biệt là những người lớn lên trong thời đại đó.

Nữ đạo diễn Trần Ngọc San của Thời đại thiếu nữ của tôi từng nói: “Lối sống và tình cảm của giới trẻ khá giống nhau, nhưng hoài niệm thì mỗi người một khác.” Chính sự giốngvà khác ấy đã làm nên thành công cho một loạt phim vừa mang tính riêng tư, vừa mang giá trị phổ quát về một thời đại chưa xa.

Dàn diễn viên Tháng năm rực rỡ giai đoạn trưởng thành.

Đó là thời đại của những lá thư tay mất cả tuần mới đến tay người nhận. Thời đại chưa có Internet và mạng xã hội. Nó gợi nhắc cho khán giả hôm nay về sự hồn nhiên của những năm tháng tuổi trẻ, về mối tình đầu trong sáng vụng dại, về tình bạn tưởng như gắn bó vĩnh cửu mà họ dễ dàng lý tưởng hóa nó.

Để rồi khi bắt đầu trưởng thành và chịu sự va đập của cuộc sống, chịu nhiều tổn thương, thất bại hoặc mất mát, họ bỏ quên giấc mơ của tuổi trẻ và những lý tưởng đẹp đẽ. Chỉ đến khi được chạm vào những hồi ức tươi đẹp của tuổi thanh xuân, họ mới được sống lại tuổi trẻ một lần nữa.

Tháng năm rực rỡ, bản remake của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từ bộ phim gốc của Hàn Quốc Sunny cũng không nằm ngoài nguồn mạch cảm xúc tự sự đã trở thành công thức chung làm nên thành công cho một loạt phim nói trên.

Bộ phim mở đầu bằng những hình ảnh của hiện tại. Hiểu Phương (Hồng Ánh), một người phụ nữ an phận thủ thường bên cạnh một người chồng thành đạt và đứa con gái mới lớn. Trong một lần đến bệnh viện thăm mẹ, Hiểu Phương tình cờ phát hiện ra Mỹ Dung (Thanh Hằng), cô bạn thân trong nhóm Ngựa hoang năm xưa đang bị ung thư giai đoạn cuối.

Cuộc gặp gỡ trong tình huống oái oăm này đã khiến Hiểu Phương thực hiện một kế hoạch để đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của Mỹ Dung: tìm lại những cô bạn thân của nhóm Ngựa hoang năm xưa.

Mạch phim từ đây đan xen giữa những khoảnh khắc tươi đẹp của nhóm Ngựa hoang thời thanh xuân 25 năm về trước tại thành phố Đà Lạt và những cảnh đời hoàn toàn trái ngược của họ ở thời hiện tại, diễn ra vào những năm đầu 2000.

Thực tại cay đắng

Nếu thời thanh xuân mơ mộng và tươi đẹp bao nhiêu thì thời hiện tại khô cằn và rạn vỡ bấy nhiêu. Mỹ Dung, nữ đại ca của nhóm Ngựa hoang với tính cách mạnh mẽ, giỏi võ và luôn bảo vệ các thành viên trong nhóm giờ đây đang nằm trên giường bệnh cô độc một mình.

Cô bé nhà quê Hiểu Phương rụt rè mơ mộng nhưng cũng tinh nghịch ngầm ngày nào giờ là một người phụ nữ có vẻ thành đạt nhưng an phận và bỏ quên giấc mơ trở thành nhà văn để viết nên câu chuyện của nhóm Ngựa hoang.

Lan Chi, cô bé mập tham ăn ước trở thành bà chủ ngân hàng để có thể giúp đỡ bạn bè giờ đây là một người phụ nữ làm nghề cầm đồ trong một xóm lao động nghèo với đứa con gái nhỏ mang bệnh tim bẩm sinh không có tiền chạy chữa.

Thời thực tại của các nhân vật trong Tháng năm rực rỡ có nhiều cay đắng, mất mát.

Thùy Linh, nữ hoàng chửi thề và Bảo Châu, cô gái con của ông chủ hãng phim nổi tiếng ở Đà Lạt mơ ước trở thành “đại minh tinh màn bạc” năm nào, cũng có những thay đổi khiến khán giả không thể ngờ đến. Riêng Tuyết Anh, cô hoa khôi của nhóm với vẻ đẹp lạnh lùng đầy khí chất là một câu hỏi lớn khi không biết đã đi về đâu.

Tất cả bọn họ dường như đều phải đối mặt với một thực tại cay đắng hoặc không mấy hạnh phúc. Tất cả bọn họ dường như đều bỏ quên giấc mơ, dù là hão huyền và lời hứa “bạn bè lúc khó khăn phải luôn ở bên nhau” của thời thanh xuân để chui vào vỏ ốc cô độc của mỗi người của thời hiện tại.

Như một chiếc máy bay... gặp tai nạn và đánh mất hộp đen, không ai biết 25 năm đó bọn họ đã trưởng thành như thế nào và gặp phải những thử thách nào trên đường đời để họ thay đổi đến vậy. Chỉ biết, khi so sánh với phiên bản tuổi trẻ của họ, ta có thể nhận thấy bọn họ có một thời thanh xuân rực rỡ nhưng trưởng thành thất bại.

“Đời không như là mơ, nên đời thường giết chết mộng mơ” hay “Chúng ta thường phản bội lại tuổi trẻ của mình”, phải chăng là ẩn ý của hầu hết các bộ phim về tuổi thanh xuân mà các đạo diễn muốn nhắn gửi đến khán giả?

Và bằng cách để cho các nhân vật được “đắm mình trong cơn mưa rào của tuổi thanh xuân” một lần nữa, những nhà làm phim đã để cho nhân vật của họ có một cơ hội để “sửa sai”, tìm lại chính mình và sống trọn vẹn hơn với giây phút hiện tại.

Có thể nói, mạch cảm xúc và triết lý đó đã khiến cho Tháng năm rực rỡ chạm đến cảm xúc của nhiều người và làm nên thành công cho bộ phim.

Điểm sáng từ kịch bản

Trong cuốn sách Làm sao viết kịch bản phim? thuộc Tủ sách Điện ảnh (Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn), tác giả - nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân viết: “Khi được hỏi làm thế nào để có một bộ phim hay, diễn viên nổi tiếng người Pháp Lino Ventura đã trả lời: Kịch bản, kịch bản và kịch bản”.

Câu nói đó có thể không mới nhưng chưa bao giờ cũ đối với điện ảnh, đặc biệt là với nền điện ảnh khan hiếm kịch bản hay như Việt Nam. Bộ phim gốc của Hàn Quốc Sunny có một kịch bản đầy cảm xúc, vừa mơ mộng nhưng cũng rất chân thành và tạo được sự đồng cảm ở nhiều thế hệ khán giả.

Ta cũng có thể nói điều đó với bản Việt hóa Tháng năm rực rỡ khi vừa giữ được những thế mạnh của bản gốc, vừa có những thay đổi hợp lý, thậm chí táo bạo để tạo được sự gần gũi, không còn cảm giác là một bộ phim “xác Việt, hồn Hàn” như một số bộ phim chuyển thể thất bại gần đây.

Phạm Thùy Nhân là một trong 3 biên kịch của bộ phim và tôi có thể thấy rõ được dấu ấn của ông trong phần thay đổi táo bạo đó. Ông là nhà biên kịch kỳ cựu của hãng phim Giải phóng, tiếp nối thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng mà nhà văn, biên kịch Nguyễn Quang Sáng (bố của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) là một cánh chim đầu đàn.

Phạm Thùy Nhân là tác giả của nhiều bộ phim phản biện xã hội sắc sảo trong thời Đổi mới như Gánh xiếc rong, Xương rồng đen, Dấu ấn của quỷ... Và Tháng năm rực rỡ là sự trở lại của ông sau nhiều năm vắng mặt khi nền điện ảnh của nhà nước thoái trào.

Phim lấy bối cảnh Đà Lạt năm 1975.

Cũng giống như dấu ấn của nhà văn, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn làm nên thành công cho bộ phim Trúng số, sự trở lại của Phạm Thùy Nhân mang đến sự khác biệt táo bạo cho Tháng năm rực rỡ mà có thể với một nhà biên kịch trẻ chưa có trải nghiệm hoặc run tay, họ sẽ không dám thay đổi quyết liệt đến thế.

Trong bộ phim gốc, phần quá khứ diễn ra vào đầu những năm 1980 với phong trào đấu tranh dân chủ và chống lại chế độ độc tài sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee. Ở phiên bản Việt hóa, nhóm biên kịch, với sự dẫn đầu của Phạm Thùy Nhân đã kéo thời gian đó lùi lại vài năm, với bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn cuối.

Thành phố Đà Lạt trong Tháng năm rực rỡ của thời quá khứ vừa tràn đầy mơ mộng qua những khung hình lãng mạn nhưng cũng chất chứa những bạo loạn ngấm ngầm chực chờ bùng nổ, từ sự mâu thuẫn ý thức hệ trong gia đình Hiểu Phương đến phong trào sinh viên biểu tình chống lại sự đàn áp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa hay việc theo đuổi chủ nghĩa “hiện sinh” trong giới trẻ.

Sự thay đổi đầy tính sáng tạo này giúp bộ phim gắn liền với một cột mốc có tính lịch sử, cho dù nó chỉ làm nền và không có vai trò quá quan trọng với diễn tiến của câu chuyện.

Do lùi thời gian của quá khứ nên nhóm biên kịch cũng phải lùi thời gian của hiện tại với bối cảnh diễn ra vào những năm đầu 2000 khi nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Khác với bối cảnh trong bộ phim gốc chỉ diễn ra ở Seoul, phiên bản Việt hóa dịch chuyển bối cảnh từ Đà Lạt xuống Sài Gòn để phù hợp với sự phát triển của các nhân vật hơn.

Hai nhân vật Việt hóa tốt nhất trong nhóm Ngựa hoang ở thời hiện tại là Lan Chi (Tuyền Mập) và Thùy Linh (Mỹ Duyên đóng) khi họ được “thay da đổi thịt” so với phiên bản gốc và đồng thời gần gũi với khán giả Việt Nam hơn.

Sau hai bộ phim thất bại gần đây, đặc biệt là Dạ cổ hoài lang, Nguyễn Quang Dũng đã có một sự thay đổi tích cực về mặt đạo diễn, đặc biệt là khả năng chỉ đạo diễn xuất mạch lạc, tạo sự thống nhất xuyên suốt trong tâm lý nhân vật, điều luôn là điểm yếu của anh trong các bộ phim trước.

Tháng năm rực rỡ có nhiều góc máy ấn tượng. Cú “long take” giới thiệu lớp học của nhóm Ngựa hoang, cảnh hỗn chiến giữa sinh viên biểu tình và quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên đường phố với sự dàn dựng cầu kỳ hay những màn chuyển cảnh tinh tế từ thời hiện tại sang quá khứ đều là những điểm cộng của bộ phim.

Và dù không có nhiều ý tưởng sáng tạo về quay phim, dàn cảnh hay dựng phim so với bản gốc, bản Việt hóa ít nhất cũng không làm dở đi, hay biến thành một bản copy máy móc vô hồn như một số phim remake gần đây.

Diễn xuất là một điểm sáng đáng khen nhất của bản Việt hóa. Cho dù không có ai quá xuất sắc và vượt trội về mặt diễn xuất như Miu Lê trong Em là bà nội của anh hay Kaity Nguyễn trong Em chưa 18, dàn cast của Tháng năm rực rỡ diễn xuất đồng đều và ăn ý với nhau, nổi bật nhất là Hoàng Yến Chibi với vẻ hồn nhiên trong sáng hay vẻ xinh đẹp lạnh lùng đầy khí chất của Jun Vũ.

Tạo dáng của Thanh Hằng vẫn quá cầu kỳ dù đóng vai bệnh nhân ung thư.

Trong nhóm diễn viên phụ, Thanh Tú, cô con gái của nữ diễn viên Kiều Trinh gây ấn tượng mạnh hơn cả với một vai phản diện đáng nhớ, kẻ gây ra một cú sốc cho nhóm Ngựa hoang ở thời thanh xuân và là nhân tố tạo nên cao trào khi kết thúc phần quá khứ.

Thanh Hằng vẫn chưa thoát ‘người mẫu đóng phim’

Dàn diễn viên trưởng thành đóng vai những nhân vật năm 2000 do chính những ngôi sao thế hệ này diễn xuất. Hồng Ánh, Mỹ Duyên là những “nàng thơ” của dòng phim nghệ thuật và vẫn chứng tỏ khả năng diễn xuất đầy kỹ thuật của họ.

Hồng Ánh tất nhiên vẫn là “linh hồn” của nhóm Ngựa hoang thời hiện tại, nhưng nếu có một vai diễn “lột xác” hơn cả thì đó là Mỹ Duyên khi vào vai một bà cô mê trai trẻ và chửi thề như hát hay.

Thanh Hằng là người mẫu chuyển sang đóng phim và thành công ở một số bộ phim giải trí, nhưng cô vẫn chưa thoát được hình ảnh “người mẫu đóng phim” với cách tạo dáng, thoại, trang điểm quá cầu kỳ, cho dù cô đóng vai một nhân vật bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Điểm sáng cuối cùng và đồng thời cũng mang tính sáng tạo và Việt hóa tốt nhất (vì hoàn toàn không có trong bản gốc) là âm nhạc của phim. Một loạt ca khúc trước 75 như Vết thù trên lưng ngựa hoang (nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh), Yêu (Văn Phụng), Kim (Y Vũ) hay Niệm khúc cuối (Ngô Thụy Miên)... vừa phù hợp với thời điểm quá khứ vừa nổi loạn vừa mơ mộng của bộ phim vừa dẫn dắt cảm xúc hoài niệm cho người xem.

Nhưng bên cạnh những điểm sáng, về tổng thể, Tháng năm rực rỡ vẫn thiếu một vài khoảnh khắc thăng hoa thực sự để đưa cảm xúc của người xem bùng nổ, điều mà Em là bà nội của anh làm được trong đoạn kết.

Việc lạm dụng âm nhạc với rất nhiều dòng nhạc khác nhau cũng đôi khi có nguy cơ biến bộ phim tâm lý này thành phim ca nhạc hoặc cưỡng ép cảm xúc của người xem.

Một vài điểm phi lý của kịch bản, ví dụ như tại sao một nhóm chị em gái từng thề sống chết có nhau, bảo vệ nhau lúc khó khăn mà 25 năm không liên lạc với nhau, dù ở trong cùng một thành phố cho đến khi tình cờ phát hiện ra nhau?

Đây là hạn chế từng tồn tại trong bản gốc và tiếp tục không được khắc phục trong bản Việt.

Tại sao điện ảnh Việt không có những bộ phim như thế?

Tháng năm rực rỡ cùng với Em là bà nội của anh là hai bộ phim Việt hóa từ điện ảnh Hàn thành công nhất gần đây. Cả hai đều gây ấn tượng nhờ có kịch bản đầy cảm xúc, với những hoài niệm chân thành về một thời chưa xa.

Dàn viễn viên trẻ thể hiện ấn tượng trong Tháng năm rực rỡ.

Có điều, dù nó có hay hay được làm tốt đến mấy thì nó vẫn dựa trên bộ phim gốc thành công và những sáng tạo nếu có cũng được phát triển trên cái nền, ý tưởng đã có sẵn.

Tại sao điện ảnh Việt Nam không làm được những bộ phim về thời thanh xuân đầy xúc động như điện ảnh Hàn, Trung Quốc, Đài Loan hay Ấn Độ đã làm được trong nhiều năm qua, trong khi chúng ta hoàn toàn không thiếu chất liệu?

Đã bao lâu rồi bạn xem một bộ phim về thời thanh xuân tươi đẹp và ở lại trong ký ức thật lâu? Với tôi, đó là Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng. Đáng buồn là nó đã ra đời cách đây... 28 năm.

Lê Hồng Lâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thang-nam-ruc-ro-thanh-xuan-tuoi-dep-truong-thanh-that-bai-post823574.html