'Tháng năm rực rỡ', 'Hậu duệ mặt trời',... Hay dở về diễn xuất, khâu Việt hóa kịch bản nhưng khán giả ấn tượng nhất vẫn là nhạc phim

Không bàn đến chuyện diễn xuất hay nội dung kịch bản, một điều chắc chắn ai cũng phải công nhận những bộ phim remake như 'Tháng năm rực rỡ', 'Hậu duệ mặt trời'... đều có âm nhạc cực chất. Dù là nhạc được sáng tác mới hay chỉ phối lại những ca khúc cũ thì các nhà làm phim đều làm rất tốt.

Với những bộ phim remake, yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu thường phải là phần nội dung sau khi được Việt hóa. Bởi sẽ có những điểm ở bản gốc không phù hợp, thậm chí là phi lí nếu đặt ở hoàn cảnh nước ta. Không phủ nhận rằng các nhà làm phim dù đã luôn cố gắng hết sức để hoàn thiện kịch bản chỉn chu, nhưng đôi khi vẫn mắc những sạn nhỏ. Nhưng bù lại, phần nhạc trong các phim remake đã khiến khán giả hứng thú với bộ phim hơn nhiều.

Nếu bài xích Glee Việt chắc chắn sẽ không được thưởng thức bản phối cực hay của những ca khúc đình đám một thời. Khi mới công bố dự án, Glee Việt đã đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội. Khán giả cho rằng với tác phẩm đình đám như Glee thì nên giữ nguyên bản gốc để họ giữ được hình dung tốt đẹp nhất. Rồi khi có thông tin về dàn diễn viên, khán giả lại càng gay gắt hơn. Khi ấy, dàn diễn viên của bản Việt bị đánh giá là “non” nên diễn xuất không đáng tin.

Nhưng nên nhớ, Glee là một bộ phim âm nhạc. Vì vậy yếu tố âm nhạc là điều vô cùng quan trọng. Nếu xét ở mục này thì có lẽ Glee đã phải đạt được 7/10 điểm. Nhạc sĩ Huy Tuấn cùng ekip đã chuẩn bị rất tốt cho những bản phối có trong phim. Sau Glee, có những bản hit đã bất ngờ hot trở lại, điển hình như Yêu (Bản gốc của Min), Thu Cuối (Bản gốc của Yanbi)…

Điều bất ngờ hơn, đó là những nhân tố X mà bộ phim mang đến. Cindy V hay Hữu Vi chẳng phải ví dụ rõ ràng nhất cho việc đã chứng minh cho khán giả thấy họ hoàn toàn phù hợp với vai diễn hay sao? Trước Glee, Hữu Vi chỉ để lại ấn tượng cho khán giả về hình ảnh một chàng trai có gu thời trang “độc đến sốc” cùng bộ dạng bóng dầu. Nhưng khi anh cất tiếng hát trong ca khúc "Ba Kể Con Nghe" thì tất cả những hình ảnh kia thực sự bay biến. Một giọng ca ổn và một màn thể hiện diễn xuất đáng khen.

Giống như Glee, Hậu Duệ Mặt Trời cũng bị “ném đá” khủng khiếp. Càng xem, khán giả càng kêu trời vì diễn xuất quá khô cứng của diễn viên. Và bộ phim sẽ thật nhạt nhẽo nếu như không có âm nhạc cứu cánh. Ở mỗi phân cảnh khi Hoài Phương (Khả Ngân) sắp phải rời xa Duy Kiên (Song Luân), ca khúc Yêu Xa vang lên lại khiến người xem có cảm giác day dứt hơn.

Có thể, "Yêu Xa" chưa được đánh giá là một ca khúc quá hay, nhưng khi đặt vào hoàn cảnh bộ phim thì lại hợp đến lạ kì. Chả thế mà fan của bộ phim hò nhau rần rần nghe để kéo bài hát lên top của các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước.

"Em Là Bà Nội Của Anh" và bản phối những ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Có thể khẳng định, nhạc phim chính là một yếu tố không nhỏ làm nên thành công cho "Em Là Bà Nội Của Anh". Có rất nhiều những ca khúc từ xưa đến nay được lựa chọn để biểu diễn, thế nhưng gây ấn tượng nhất chính là những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Từ "Diễm Xưa" đến "Còn Tuổi Nào Cho Em" vốn đã luôn là những ca khúc được lòng khán giả. Lại thêm giọng hát tình cảm của Miu Lê nên sự xúc động càng rõ rệt hơn. Sau bộ phim, cả khán giả đến gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều dành lời khen không ngớt cho Miu Lê. Bởi khi cô hát, người ta không chỉ thấy kĩ thuật, mà còn thấy tình cảm, thấy sự từng trải của một “cụ bà 70 trong thân xác cô gái 20”.

Ngoài ra, những ca khúc cũ như "60 Năm Cuộc Đời", "Ô Mê Ly", "Mình Yêu Từ Bao Giờ" cũng giúp bộ phim cân bằng lại cảm xúc của tác giả. Nhờ vậy, bộ phim vẫn giữ được nét tình cảm nhưng không quá sướt mướt, vẫn có điểm nhìn của một bà cụ đã đi đến gần cuối con dốc cuộc đời nhưng lại mang tinh thần của một cô gái ở độ tuổi căng tràn sức sống nhất.

Bộ OST khiến "Tháng Năm Rực Rỡ" thực sự rực rỡ khỏi cần phân tích thì khán giả cũng phải công nhận rằng, Tháng Năm Rực Rỡ là một bộ phim thành công. Không chỉ ở phương diện âm nhạc nói riêng, mà từ khâu Việt hóa kịch bản, hình ảnh, diễn xuất đều rất chỉn chu. Còn khi chỉ xét riêng âm nhạc, bộ phim xứng đáng nhận được một điểm số gần như tuyệt đối.

Hẳn khán giả sẽ không quên được sự hạnh phúc của cô gái mới lớn trong "Yêu", rồi cái rộn ràng của cả Ngựa hoang trong Kim Ơi. Rồi kết lại, là sự đau đớn vì chia xa trong "Nụ Hôn Đánh Rơi".

Có một điều mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng nhạc sĩ Đức Trí đã rất tinh tế, đó là bằng âm nhạc, họ đã mang đến cho khán giả cảm nhận rõ nét nhất về những năm 70. Vẫn là những bản nhạc xưa nhưng nghe lại không hề thấy cũ. Đó là dòng nhạc Rock’n’Roll một thời khuấy đảo thị trường âm nhạc Sài Gòn. Đó là tình ca Ngô Thụy Miên làm say đắm lòng người. Đi theo mạch phim, những ca khúc vừa cháy bỏng, nhiệt huyết và sôi động, lại có gì đó sâu lắng, xót xa và đượm buồn. Mỗi bài hát như một câu chuyện riêng của Ngựa hoang trong câu chuyện chung mang tên “thanh xuân” của mọi người.

Âm nhạc trong bất cứ thể loại phim nào cũng đều là yếu tố vô cùng quan trọng. Nó có nhiệm vụ dẫn dắt, định hình cảm xúc của khán giả rất tốt. Không chỉ vậy, âm nhạc còn là yếu tố giúp cảm nhận về diễn xuất của người diễn viên trong khán giả được vẹn tròn hơn. Nhưng điều tuyệt vời nhất mà âm nhạc làm được đó là nó mang theo câu chuyện mà ai cũng trải qua. Thế cho nên có nhiều ca khúc nhạc phim sau này đã trở thành hit sau khi bộ phim được phát hành.

Phuong Thao

Nguồn Thế Giới Trẻ: https://thegioitre.vn/thang-nam-ruc-ro-hau-due-mat-troi-hay-do-ve-dien-xuat-khau-viet-hoa-kich-ban-nhung-khan-gia-an-tuong-nhat-van-la-nhac-phim-60028.html