Tháng Năm nhớ Bác

Đối với người dân Việt Nam, có lẽ tháng Năm là khoảng thời gian đặc biệt gợi nhớ về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Còn đối với biết bao thế hệ người dân của đảo Cô Tô, tháng Năm về còn mang theo một sự kiện lịch sử đáng nhớ, một cảm xúc hạnh phúc khi quân và dân Cô Tô vinh dự được đón Bác Hồ về thăm vào ngày 9/5/1961. 60 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh về Bác, từng lời thăm hỏi, động viên, dặn dò ân cần của Người vẫn mãi vang vọng giữa biển trời Đông Bắc, trở thành động lực cổ vũ mạnh mẽ để hôm nay Cô Tô không ngừng bứt phá, vươn lên.

Lời Người vọng mãi

Trong trí nhớ của cụ Nguyễn Văn Phương, năm nay hơn 90 tuổi ở xã Thanh Lân, huyện Cô Tô dù có nhiều chuyện có thể quên nhưng ký ức về ngày được đón Bác Hồ về thăm thì chưa bao giờ phai mờ. Đó là ngày mà cả đảo Cô Tô ngập tràn trong niềm vui lớn của người dân được nhìn thấy Bác.

Ông Phương bồi hồi kể lại: Cảm xúc ngày được gặp Bác khi ấy đặc biệt lắm, chẳng thể diễn tả bằng lời. Trong buổi nói chuyện hôm ấy, Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Cô Tô nhiều điều từ việc tăng gia sản xuất, củng cố hợp tác xã đến việc phát triển văn hóa, giữ vững trật tự trị an… Và lời dặn trước khi trở về của Bác có lẽ là người dân Cô Tô ai cũng thuộc lòng “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Ðảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”.

Du lịch phát triển, nhà hàng, khách sạn ở Cô Tô mọc lên san sát.

Du lịch phát triển, nhà hàng, khách sạn ở Cô Tô mọc lên san sát.

Hơn nửa thế kỷ qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân trên đảo đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước xây dựng huyện đảo phát triển mạnh mẽ, vươn mình cùng các địa phương trong tỉnh, trở thành lá chắn, vùng phên dậu vững chắc nơi tiền tiêu vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.

Năm 2019, doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch của Cô Tô đạt trên 700 tỷ đồng, gấp gần 20 lần năm 2010. Tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch liên tục tăng qua các năm, đến nay chiếm trên 60% trong cơ cấu kinh tế, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hạ tầng viễn thông tương đương khu vực đất liền, giao thông kết nối từ đảo vào đất liền đã rút ngắn với những chuyến tàu tấp nập ra, vào cảng.

Đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 90 triệu đồng. Cô Tô có lẽ là huyện duy nhất trong số các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh từ giữa năm 2019 đến nay không còn hộ nghèo. Năm 2020, huyện Cô Tô đã nỗ lực vươn lên đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng DDCI khối các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Mỹ quan đô thị ở thị trấn Cô Tô luôn đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

Giữa những ngày tháng Năm nhớ về Bác, hòa trong không khí phấn khởi, vui tươi hướng về chào mừng cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cả huyện đảo như bừng lên khí thế thi đua, tinh thần hăng hái lao động, sản xuất trong mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Nguyễn Viết Thự, xã Đồng Tiến, phấn khởi chia sẻ: Gắn bó với huyện đảo gần hết cuộc đời, chứng kiến sự phát triển của mảnh đất này từ những năm gian khó, thiếu thốn vô cùng đến sự đổi thay, lột xác như hôm nay, tôi thật sự xúc động và tự hào. Tự hào vì diện mạo đẹp tươi của Cô Tô là thành quả xứng đáng cho sự đóng góp công sức, trí tuệ của biết bao thế hệ người dân của đảo. Tin chắc rằng, với những thế mạnh, tiềm năng đang có, Cô Tô thời gian tới đây sẽ tiếp tục vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Hiện thực hóa khát vọng vươn tầm

Hiện nay, huyện Cô Tô đã xây dựng quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ, liên kết chặt chẽ với Vân Đồn trở thành vùng du lịch Vân Đồn - Cô Tô (được xác định là một trong hai điểm đột phá về du lịch của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030).

Du khách tham quan đảo Cô Tô con còn hoang sơ.

Để làm được điều đó, huyện đang khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển kinh tế biển với các ngành kinh tế chủ lực như du lịch, dịch vụ, chế biến hải sản. Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển kinh tế ban đêm với việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, góp phần mang đến cho du khách trong và ngoài nước những trải nghiệm khác biệt, tuyệt vời khi đến với Cô Tô.

Đồng chí Lê Hùng Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô khẳng định: Cô Tô quyết tâm đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Với mục tiêu đưa Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, huyện đã và đang kêu gọi, thu hút được những nhà đầu tư chiến lược đến với Cô Tô.

Cùng với đó, tiếp tục huy động các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin; tạo những sản phẩm du lịch mới, du lịch thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ du lịch; tích cực chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, coi đây là lực đẩy quan trọng để tiếp tục rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa đảo và đất liền.

Người dân Cô Tô chơi bóng chuyền tại sân trụ sở xã Đồng Tiến vào các buổi chiều ngoài giờ làm việc.

Đã tròn 60 năm trôi qua nhưng với những người dân trên đảo, dấu chân của Người vẫn còn hơi ấm như lòng dân Cô Tô không nguôi nhớ Bác. Khi ngắm nhìn tượng Bác, đồng bào và chiến sĩ nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh để sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sẵn sàng bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất quê hương.

Duy Khoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202105/thang-nam-nho-bac-2532336/