Tháng Năm, nhà đầu tư ngoại mua ròng 564 triệu USD cổ phiếu của Indonesia

Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8.000 tỷ rupiah (564,3 triệu USD) cổ phiếu của Indonesia trong tháng Năm và 7.070 tỷ rupiah trái phiếu chính phủ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu quay trở lại thị trường vốn của Indonesia, trong bối cảnh các nước trên thế giới dần nới lỏng lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19, qua đó làm tăng hy vọng về khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Số liệu thống kê của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8.000 tỷ rupiah (564,3 triệu USD) cổ phiếu của Indonesia trong tháng Năm, trong đó có 3.390 tỷ rupiah chỉ trong tuần cuối tháng, và 7.070 tỷ rupiah trái phiếu chính phủ.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã giúp đồng nội tệ rupiah tăng giá 8,7% trong tháng qua, lên 13.877 rupiah/USD vào chiều ngày 5/6, trong khi chỉ số Jakarta Composite Index (JCI) tăng gần 5%.

Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng giảm mạnh xuống 7,1% từ mức 8,02% hồi đầu tháng, cho thấy rủi ro đầu tư vào công cụ này đã suy giảm, do lợi suất trái phiếu biến động theo hướng ngược lại với thị trường chứng khoán.
Theo chuyên gia Damhuri Nasestion thuộc công ty chứng khoán BNI, thị trường toàn cầu đang có thanh khoản dồi dào khi ngân hàng trung ương các nước phát triển bơm tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước đại dịch COVID-19.
Ông Damhuri cho rằng việc một số nước như Italia và Australia lỏng hạn chế đi lại khiến các nhà đầu tư lạc quan rằng đại dịch COVID-19 đang được kiểm soát và nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu trở lại bình thường.
Tâm trạng lạc quan này đã thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài mua một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng blue-chip của Indonesia trong tuần qua như Bank Rakyat Indonesia (BRI), Bank Central Asia (BCA), và Bank Mandiri, qua đó đẩy JCI tăng vọt.
Chuyên gia Fegrul Fulvian thuộc công ty chứng khoán Trimegah cũng cho rằng, diễn biến trên thị trường chứng khoán Indonesia xuất phát từ thực tế rằng các nhà đầu tư bắt đầu hạ thấp đánh giá rủi ro, mặc dù quốc gia này vẫn chưa khôi phục toàn bộ các hoạt động kinh tế.

Theo ông, kế hoạch của chính phủ mở cửa trở lại một số tỉnh thành được coi là an toàn có thể đem lại tâm lý tích cực trên thị trường vốn.

Trong khi đó, một số “vùng đỏ” như thủ đô Jakarta và tỉnh Tây Java tiếp tục các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) do số ca lấy nhiễm mới vẫn còn cao.
Ông Damhuri cảnh báo rằng chính phủ cần theo dõi chặt chẽ việc nới lỏng PSBB, vì điều này có thể làm đảo ngược tâm lý tích cực trên thị trường. Theo đó, nếu người dân không duy trì kỷ luật, Indonesia có thể phải đối mặt với làn sóng bùng phát thứ hai dẫn đến việc tái áp đặt PSBB như ở Hàn Quốc.
Trong khi đó, chuyên gia Fakhrul đề nghị chính phủ giảm thâm hụt tài khoản vãng lai nhằm giúp ổn định nền kinh tế và duy trì tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong dài hạn.
Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này đã ở mức 3,9 tỷ USD, chiếm 1,4%

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020, giảm mạnh từ mức 2,8% GDP vào cuối năm 2019, do thâm hụt cán cân thương mại và dịch vụ giảm trước tác động của đại dịch COVID-19./.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thang-nam-nha-dau-tu-ngoai-mua-rong-564-trieu-usd-co-phieu-cua-indonesia/159109.html