Thăng Long: Nghìn năm văn hiến

Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến là dòng chảy văn hóa không ngừng, có thể có lúc nhìn thấy hoặc có vẻ không nhìn thấy, nhưng đó là dòng chảy đều đặn đúng quy luật, nó là dòng chảy của lịch sử, của sự phát triển bền vững. Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết nhân dịp Xuân mới 2020.

Ông Nguyễn Viết Chức.

Ông Nguyễn Viết Chức.

PV: Năm 2019 Hà Nội long trọng kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận là TP vì hòa bình, vì sao Hà Nội lại được vinh danh chứ không phải là TP nào khác thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Vì sao UNESCO công nhận Hà Nội là TP vì hòa bình ư? Tất nhiên là khi công nhận họ phải căn cứ vào hiện tại, nhưng cái quan trọng là căn cứ vào cả bề dày lịch sử nữa. Tôi nhớ, thời điểm lúc bấy giờ có rất nhiều hồ sơ của các TP khác tham gia, nhưng Hà Nội là TP duy nhất của châu Á, cũng là thủ đô đầu tiên của châu Á được vinh danh. Sự công nhận này có thể nói là sự vinh danh rất chuẩn xác.

Tại sao tôi lại nói đây là sự vinh danh rất chuẩn xác là bởi, chưa bao giờ Hà Nội lại làm việc không vì hòa bình. Chẳng hạn, câu chuyện về thần Kim Quy trao gươm thần giúp nhân dân ta đánh kẻ thù xâm lược chính là một thông điệp hòa bình. Rõ ràng nhân dân Thủ đô, nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, thế nên sau khi được thần giúp sức trao gươm báu để đánh thắng giặc thì họ sẵn sàng hoàn trả lại gươm để mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc, một nền hòa bình thực sự.

Tất nhiên chuyện về hồ Hoàn Kiếm chỉ là truyền thuyết nhưng có những minh chứng rõ ràng về sự yêu chuộng hòa bình của người dân Thủ đô chính là lịch sử đánh đuổi giặc Minh của Lê Lợi. Sự thật là tướng giặc Vương Thông đã bị quân ta vây kín, ta có thể tiêu diệt kẻ thù xâm lược, nhưng mục tiêu cuối cùng là vì hòa bình giữa 2 dân tộc nên chúng ta đã cấp lương thực, phương tiện cho giặc rút quân về nước cốt để có nền hòa bình.

Có thế nói, khát vọng hòa bình không chỉ với người dân Thủ đô Hà Nội, của kinh thành Thăng Long là ý chí của dân tộc Đại Việt.

Trong thời hiện đại cũng thế, Bác Hồ nói, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, và khi Mỹ rút quân thì thời gian ngắn sau chúng ta bình thường hóa quan hệ, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đấy là tư tưởng vì hòa bình, hòa bình là trên hết chứ không phải là thắng, thua. Việc thế giới thừa nhận Hà Nội là TP vì hòa bình cũng là một thông điệp. Đó là đất nước có truyền thống lịch sử yêu hòa bình, họ xây dựng cuộc sống vì hòa bình của họ thì hà cớ gì lại xâm lược họ?

Tiếp nối những thành tích trong quá khứ, mới đây Hà Nội một lần nữa được UNESCO vinh danh là TP sáng tạo, điều này có ý nghĩa thế nào với Thủ đô 1010 tuổi thưa ông?

-Năm vừa qua Thủ đô của chúng ta có rất nhiều thông tin thú vị, đó là Hà Nội trở thành địa phương thu hút rất nhiều đầu tư nước ngoài nhất nước. Điều này thể hiện sự tin tưởng của thế giới với Hà Nội. Đặc biệt mới đây UNESCO công nhận Hà Nội là TP sáng tạo, điều này rất tuyệt vời trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi sự sáng tạo là điều vô cùng cần thiết, là tiêu chí cho sự phát triển. Vì hòa bình phải đi cùng phát triển. Hòa bình, độc lập mà nhân dân cứ đói khổ, không phát triển thì hòa bình, độc lập để làm gì?

Sáng tạo, điều ấy có đồng nghĩa với việc Hà Nội của chúng ta dần xa rời những giá trị truyền thống và nghiêng nhiều về giá trị hiện đại hay không thưa ông?

Hồ Gươm.

-Tôi không nghĩ vậy, truyền thống, quá khứ, hiện tại, tương lai nó được kết nối với nhau bởi những giá trị của văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Nếu được công nhận sáng tạo rồi quên quá khứ thì không còn Thăng Long -Hà Nội nữa. Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến là dòng chảy văn hóa không ngừng, có thể lúc nhìn thấy lúc không hoặc có lúc nào có vẻ không nhìn thấy nhưng là dòng chảy đều đặn đúng quy luật theo thời gian. Nó là dòng chảy của lịch sử, của sự phát triển bền vững, không đứt đoạn. Có thể do chiến tranh hoặc chuyện này, chuyện khác, người ta cảm thấy có đoạn đứt gãy nào đó trong dòng chảy này, nhưng thực ra dòng chảy này là mãi mãi trong lòng dân tộc. Tôi tin rằng, lãnh đạo Hà Nội không bao giờ lại vì sự phát triển hiện tại mà làm mất đi truyền thống tốt đẹp của TP hơn 1.000 năm tuổi.

Vì sao tôi lại nói vậy là bởi, với sự phát triển hiện đại, bạn bè quốc tế cảm thấy ngỡ ngàng khi đến Hà Nội, vì TP thay da đổi thịt hàng ngày. Trước đây làm sao hình dung ra được đường sá, nhà cao tầng, điện sáng thế này được. Nhưng người ta vẫn thấy dáng dấp những mái cong trên bầu trời Hà Nội, thấy Văn Miếu Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn, chùa Một Cột, Nhà hát Lớn… Thậm chí, những công trình hiện đại bây giờ biết đâu cũng sẽ trở thành điểm nhấn đánh dấu thời gian của Thăng Long - Hà Nội.

Tôi nghĩ rằng sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội như một bức tranh đẹp, tổng thể, hài hòa. Đây đó, có chỗ nào chưa được hài hòa, chắc chắn sẽ được khắc phục, bởi đó là nhu cầu bức thiết của hiện thực khách quan. Tôi tin chính quyền Hà Nội không thể không nhìn ra. Họ đang thể hiện điều đó. Như, chương trình cứu các con sông dù chưa có kết quả nhưng họ nghĩ về nó, tìm giải pháp cho nó. Chương trình 1 triệu cây xanh, phát triển đô thị có sự tham gia của các tổ chức có uy tín vào thiết kế cho thấy chính quyền trăn trở vì tương lai của Hà Nội.

Làm sao để Hà Nội phát triển mà vẫn giữ được hồn cốt, thưa ông?

-Phải tôn trọng luật pháp. Chúng ta có Luật Văn hóa, Luật Di sản, Luật Thủ đô... Làm gì trước tiên phải trên cơ sở pháp luật. Ngoài ra phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phát huy dân chủ, phải lắng nghe, giám sát phản biện, đặc biệt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cá nhân chứ không phải trách nhiệm tập thể. Chịu trách nhiệm trước nhân dân, lịch sử để giải quyết vấn đề mới giải quyết được bài toán phát triển và bảo tồn, vì suy cho cùng không ai có thể hiểu hơn người đứng đầu đương thời được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Khánh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/thang-long-nghin-nam-van-hien-tintuc457325