'Thăng Long- Hà Nội vượng khí ngàn năm'

Là cuốn sách mới vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Báo Hà Nội mới phối hợp ấn hành. Cuốn sách là góc nhìn đa chiều, những tình cảm và cả những lát cắt tinh tế về một Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến, một 'Thủ đô anh hùng', một 'Thành phố vì hòa bình', 'Thành phố sáng tạo'.

Tập hợp 66 bài viết có chất lượng thuộc thể loại ký, ghi chép về chủ đề Thăng Long- Hà Nội đã đăng trên các ấn phẩm của Báo Hà Nội mới trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều tác phẩm xuất sắc được được tuyển chọn từ Cuộc thi viết ký, ghi chép về “Thăng Long- Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi” trên các ấn phẩm của báo từ tháng 11-2019 đến hết tháng 8-2020.

Tập thể tác giả của cuốn sách là những nhà báo, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trên các lĩnh vực, các văn nghệ sĩ và một số cây bút không chuyên.

Cuốn sách mới vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Báo Hà Nội mới phối hợp ấn hành

Cuốn sách mới vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Báo Hà Nội mới phối hợp ấn hành

Nếu như, “Hà Nội của tôi” (tác giả Văn Chinh) gây xúc động bởi tính chân thực của một người ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố, chứng kiến sự phát triển của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực dưới một góc nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai, từ đó bày tỏ một thái độ và suy luận nghiêm túc... Thì với “Khi làng lên phố” (tác giả Nguyễn Văn Học) pha trộn giữa ghi chép và ký đã làm bật lên cái còn, cái mất trong cơn lốc đô thị hóa các làng ven đô cùng những nỗ lực, cố gắng để giữ gìn văn hóa truyền thống, thể hiện khá rõ quan điểm của người viết.

Có tác phẩm đọc xong để lại cảm giác bùi ngùi như bài “Như một phần máu thịt của Thủ đô” (Uông Thái Biểu) viết về những người con Hà Nội ngày đầu đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng cực kỳ gian nan vất vả, nay đã trở thành công dân của tỉnh Lâm Đồng nhưng vẫn được “mẹ Hà Nội” quan tâm, giúp đỡ. Có bài viết khá công phu như “Những dòng sông ngàn năm văn hiến” (Bằng Giang), đây là một đề tài hay vì Hà Nội là thành phố sông hồ, và bản thân chữ Hà Nội có nghĩa là “trong sông”; bài viết ôn lại lịch sử chống ngoại xâm trên các dòng sông của Thăng Long - Hà Nội đồng thời cũng nêu bật giá trị văn hóa sông nước riêng có của vùng đất này… Có những bài viết công phu vì tác giả ngoài sự hiểu biết còn có sự suy nghiệm quá trình vận động của lịch sử, ví dụ như “Tiếng Thủ đô” (Trần Chiến), “Vượng khí ngàn năm” (Giang Nam )…

Đặc biệt, “Thăng Long- Hà Nội vượng khí ngàn năm” cũng có khá nhiều những bài viết, bàn sâu và trực diện về nét thanh lịch của người Tràng An, văn hóa ứng xử “chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, những hay dở, còn mất…

Dù có bao thay đổi “bãi bể nương dâu” thì thanh lịch, văn minh, vẫn là yếu tố định tính “nền”, “nếp” Hà Nội.

Tác giả Thế Nguyên đưa ra rất nhiều ví dụ về hành vi lệch chuẩn không chỉ diễn ra đời thường mà còn trong không gian sự kiện, lễ hội (tôn giáo- văn hóa), hoạt động dịch vụ. Những thành ngữ, giai thoại gắn liền với hành vi lệch chuẩn được nhiều người nhắc nhớ: Bún mắng- cháo chửi, cướp lộc, “vỡ trận” công viên nước hay dẫm đạp lên nhau ở những lễ hội…Đó thực sự là những câu chuyện dài và đương nhiên không vui, tiếp sau đó còn là bao nhiêu tin tức giả mạo lan tràn trên mạng xã hội, ngôn ngữ dung tục, tung tin đồn có chủ đích, vu khống…Đã có lúc nhiều nhà quản lý văn hóa đã phải đặt vấn đề báo động hành vi lệch chuẩn của người Hà Nội.

Cũng trong khuôn khổ bài viết, ngoài việc phân tích sâu những chủ trương chính sách, những hướng đi đúng để “cân bằng”, điều chỉnh từ chính sách, công tác quản lý để một mặt “gạn đục khơi trong”, mặt khác tạo những chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người người Hà Nội, hình thành thêm yếu tố văn minh như một xu thế tất yếu theo thời cuộc, khi Hà Nội mỗi ngày một hiện đại hơn. Và còn bởi một lẽ, dù có bao thay đổi “bãi bể nương dâu” thì thanh lịch, văn minh, vẫn là yếu tố định tính “nền”, “nếp” Hà Nội.

Một thành công nữa về mặt chuyên môn, đó là mặc dù những tên tuổi Tô Hoài, Băng Sơn, Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân… đã đi xa nhưng chúng ta không hề khuyết thiếu những tác phẩm văn học, báo chí hay về đề tài Hà Nội với thế hệ tác giả chuyên viết về Hà Nội như Trần Chiến, Văn Chinh, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn, Hà Nguyên Huyến… và đáng mừng là thông qua những cuộc thi viết về Hà Nội, trong đó có Cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi” trên các ấn phẩm của Báo Hà Nội mới, cho thấy sự hứa hẹn bổ sung xứng đáng với những cây bút đang độ sung sức như Giang Nam, Nguyễn Văn Học, Nguyễn Quang Long…

ANTĐ

Yên Vân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thang-long-ha-noi-vuong-khi-ngan-nam-post449245.antd