Thăng Long biến sự 1516: San phẳng Bách Ốc, Cửu Trùng Đài

Đào nơi Hoàng Thành xưa, chỉ còn cổ vật vỡ nát.

Tranh vẽ minh họa Cửu Trùng Đài bị đốt phá san phẳng.

Tranh vẽ minh họa Cửu Trùng Đài bị đốt phá san phẳng.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về biến sự 1516 ở Thăng Long, bằng một nỗi buồn. Khi một người bạn nước ngoài nhờ dẫn đi thưởng ngoạn những di tích cung điện đền đài, những công trình kiến trúc cổ hay trung đại ở Hà Nội, tôi đành dẫn anh ta tới chỗ đang quây mái tôn, che công trường khảo cổ, đào dưới mấy tấc đất…

Năm 1497, sau khi Hoàng Đế Lê Thánh Tông mất, nhà Lê sơ suy yếu. Đến thời Lê Tương Dực (1510 – 1516). Sử chép: ‘’Nhà vua chơi bời xa xỉ, hoang dâm vô độ, tiêu tốn không biết bao nhiêu của cải, sức lực của nhân dân vào việc xây dựng các đền đài cung điện phụ vụ cho nhu cầu hưởng lạc…’’. (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 150).

Tranh vẽ minh họa các công trình kiến trúc ở Đông Kinh (Thăng Long) thời Lê Sơ.

Năm 1512, Lê Tương Dực cho làm điện lớn hơn trăm nóc (Bách Ốc), rồi lại làm đài chín lớp (Cửu Trùng Đài), rất nguy nga tráng lệ. Riêng Cửu Trùng Đài xây trong bốn năm mới hoàn thành. Sử ghi người thiết kế là Vũ Như Tô, quê ở xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng, nay thuộc Hải Dương.

Khi Cửu Trùng Đài xây dựng chưa xong, năm 1513, Lê Tương Dực tiếp tục cho xây dựng hàng loạt cung điện mới. Sử chép: ‘’Tháng 3 năm Quý Dậu 1513, dựng điện Mục Thanh và làm hai nhà giáp đường ở phía đông và phía tây điện. Bên đông gọi là nhà Chương Đức, bên tây gọi là nhà Chiêu Huân’’. (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 150).

Tranh minh họa kiến trúc sư Vũ Như Tô.

Tháng 5 năm Giáp Tuất 1514, Lê Tương Dực còn cho đắp thành bao sông Tô Lịch. Sử chép: ‘’…đắp thành rộng hàng mấy ngàn trượng bao bọc cả điện Tường Quang, quán Chân Vũ và chùa Kim Cổ, Thiên Hoa; thành đắp từ phía đông nam đến phía tây bắc, chặn ngang sông Tô Lịch, bên trên đắp Hoàng Thành, bên dưới mở cửa cống, xây bằng gạch đá, dùng sắt chắn suốt bề ngang…’’ (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 151).

Tranh minh họa Lê Tương Dực cho xây Cửu Trùng Đài.

Lòng người căm giận không yên tất dẫn đến sự biến. Sử chép rất nhiều cuộc nổi loạn từ những năm 1515, như Phùng Chương ở Sơn Tây, Đặng Hân và Lê Hất ở Thanh Hoa, Trần Công Ninh ở Yên Lãng, Trần Cảo ở Thủy Đường…

Ngày 7 tháng 4 năm Bính Tý (1516) nguyên Quận Công Trịnh Duy Sản, người từng phụng mệnh của Tương Dực đi đánh dẹp Phùng Chương, đã ‘’giết vua ở cửa nhà Thái Học. Trước đây vì Duy Sản nhiều lần can ngăn trái ý vua, khi bị đánh bằng trượng, Duy Sản cùng bọn Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phản…’’.

Sau khi Trịnh Duy Sản giết Lê Tương Dực, kiến trúc sư Vũ Như Tô cũng bị An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ giết chết ở ngoài cửa kinh thành. Cửu Trùng Đài và nhiều công trình kiến trúc khác đều bị san phẳng. (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 150).

Khi biết tin vua bị giết, An Hòa Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, đang đóng giữ ở Bồ Đề (Gia Lâm ngày nay), bèn bỏ Bồ Đề vượt sông sang kinh thành. Việc này khiến cửa ngõ kinh thành bỏ trống, Trần Cảo nhân cơ hội này, ngày 11 tháng 4 năm 1516, đã lấy được kinh thành, tiếm đặt niên hiệu Thiên Đức, ra triều đường làm việc, dùng Lê Quảng Độ coi việc nước.

Nhưng Trần Cảo cũng chỉ giữ được kinh thành hơn 10 ngày. Đến ngày 23 cùng tháng, trước sự phản công trở lại của Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Lê Sạn, Trịnh Huy, Trần Trân, Trịnh Hy… từ khắp các hướng kéo về vây hãm, Trần Cảo phải mở cửa thành, phs vòng vây, vượt sông Thiên Đức chạy tháo thân.

Lại nói An Hòa Hầu bỏ Bồ Đề, ‘’nổi giận đem quân vượt sông, đốt phá phố xá ở kinh thành, định cùng với con em gia thuộc tính việc báo phục…’’. Việc đốt phá náo loạn kinh thành của Nguyễn Hoằng Dụ còn kéo dài tới tận năm 1517. “Nguyên do cũng vì những hiềm khích xuất phát từ những âm mưu tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các phe cánh, các dòng họ chốn cung đình đang suy vi…’’ (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 153).

Giữa những ngày khói lửa tại đất đế đô, rồng vàng chắc cũng tơi tả. Khi thì Trần Cảo từ bên ngoài đánh vào, chiếm giữ kinh thành. Khi thì diễn ra các đợt phản kích của các cánh quân nhà Lê nhằm giành lại quyền kiểm soát Đông Kinh (tức Thăng Long)…

Rồi khi giành được Đông Kinh, thì các phe phái trong triều đình lại quay ra xung đột lẫn nhau ngay trong các phố phường… Tất cả khiến cho kinh thành rung chuyển vì gươm đao binh lửa. Trong hoàn cảnh đó, dân chúng cũng kẻ mạnh người yếu ‘’vào thành tranh nhau lấy vàng bạc, của báu cung khuyết, kho tàng vì thế mà hết sạch’’. Đó là thời gian dưới triều vua Quang Thiệu (1516 – 1522). (Thăng Long Hà Nội – một nghìn sự kiện lịch sử, Vũ Văn Quân chủ biên, Nxb Hà Nội, 2007, trang 154).

Nói cho cùng, Cửu Trùng Đài vẫn là của người dân, do người dân xây đắp nên.

Đúng là ‘’thượng bất chính thì hạ tắc loạn’’. Nhưng đáng lẽ chỉ đánh đuổi hôn quân như Lê Tương Dực, thì các thế lực phong kiến lại phá hủy luôn cả cung điện, đền đài, các công trình kiệt tác kiến trúc như Bách Ốc, Cửu Trùng Đài… Giết cả vị kiến trúc sư Vũ Như Tô. Họ không xem đó là tài sản và bảo vật quốc gia.

Các thế lực phong kiến làm loạn đó tranh giành quyền lực và ảnh hưởng lẫn nhau, chứ không phải họ lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa. Những của cải kho lẫm quốc gia, nhân cơn loạn lạc binh lửa… cũng bị dân chúng lấy sạch.

Trên thế giới, nhiều nước cũng trải qua nhiều biến động chính trị trong lịch sử. Họ có thể tống cổ cả một Hoàng Gia, chém đầu vua (như trường hợp vua Luis XVI ở Pháp…) nhưng họ vẫn còn các lâu đài cung điện. Để hôm nay, họ tự hào…

Biến sự Bính Tý 1516 chỉ là một trong rất nhiều sự biến, xảy ra ở Thăng Long. Hậu quả là hôm nay, chúng ta chỉ còn những gì đào lên từ lòng đất.

Hàn Thủy Giang.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/thang-long-bien-su-1516-san-phang-bach-oc-cuu-trung-dai-3401301/