Thắng lớn chuyến biển đầu năm, ngư dân miền Trung 'ăn tết lần 2'

Những ngày sau Tết Kỷ Hợi, nhiều ngư dân ở các làng biển miền Trung được chung niềm vui lớn nhờ những chuyến tàu cá, mực đầy khoang. Thắng lợi ngay trong chuyến mở biển đầu năm sẽ tạo động lực cho ngư dân tiếp tục thực hiện tốt việc khai thác thủy sản bền vững, tạo cơ sở để EU sớm gỡ bỏ 'thẻ vàng'.

Đón những con thuyền đầy tôm, cá

Sau tết, ngư dân miền Trung đang có niềm vui lớn khi ruốc xuất hiện dày đặc trên biển, đem lại thu nhập cao, lên đến hàng triệu đồng mỗi ngày. Vì vậy bà con ngư dân rất phấn khởi, xem như được "ăn tết lần 2".

Theo ngư dân Khánh Hòa, ruốc biển xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, kể từ sau tết, số lượng ruốc nhiều hơn, trung bình kiếm cả tạ ruốc biển/chuyến. Các thương lái tại khu vực phường Vĩnh Trường và xã Phước Đồng (Nha Trang, Khánh Hòa) cho hay, các năm trước, ruốc biển thường có vào tháng 8 – 10 âm lịch, thế nhưng năm nay đến muộn hơn so với mọi năm.

Với giá bán dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, ngư dân thu về tiền triệu mỗi ngày/mỗi người.

Các ngư dân Khánh Hòa đang có niềm vui lớn đầu năm, mỗi chuyến biển lãi cả trăm triệu đồng. Ảnh: Công Tâm

Các ngư dân Khánh Hòa đang có niềm vui lớn đầu năm, mỗi chuyến biển lãi cả trăm triệu đồng. Ảnh: Công Tâm

Bà Lê Thị Liên (một thương lái xã Phước Đồng, Nha Trang) cho biết: “Từ ngày mùng 4 Tết đến nay, ngày nào tôi cũng thu mua từ 2 - 5 tạ, thậm chí có ngày 6 tạ ruốc biển. Để kịp cho chuyến hàng xuất khẩu, gia đình tôi phải thuê thêm 3 lao động nữa”.

Ngư dân Phan Văn Cử (phường Thọ Quang, TP.Đà Nẵng) cũng cho biết, năm nay ruốc được mùa. “Mỗi chuyến tàu thường ra khơi vào 5 giờ chiều, đánh bắt xuyên đêm để đến sáng sớm hôm sau cho tàu thuyền ghé bãi ngang để bán ruốc cho thương lái. Sau khi trừ chi phí, tàu của tôi thu về khoảng 7 triệu đồng/ngày"- anh Cử nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải (chủ tàu cá mang số hiệu KH 98593TS, Khánh Hòa), sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, gia đình đã trúng lộc biển đầu năm. Sau khi xuất bán cho thương lái trên 18 tấn cá ngừ sọc dưa, với giá trung bình 33.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi hơn 300 triệu đồng.

Đại diện Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (Khánh Hòa) cho biết, từ ngày mùng 4 Tết đến nay, nhiều tàu cá cập cảng mang về rất nhiều loại cá, sản lượng đánh bắt được trung bình từ 15 – 20 tấn/tàu.

Ghi nhận tại bến cá Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) và cảng cá Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) các chuyến xe chạy vào vận chuyển cá tấp nập, tiếng ngư dân reo hò í ới gọi nhau để vận chuyển cá liên tục. Các ngư dân nơi đây chủ yếu đánh bắt cá cơm, trung bình sản lượng từ 2,5 – 3,5 tấn/chuyến, với giá bán dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/giỏ (mỗi giỏ từ 15 – 18kg), chủ tàu lãi từ 40 – 70 triệu đồng/chuyến biển.

Tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) các tàu cá đánh bắt xuyên tết đã cập cảng mang về hàng trăm tấn cá các loại từ ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Hướng đến khai thác bền vững

Năm 2019, ngành thủy sản xác định mục tiêu xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, hướng đến khai thác bền vững, không chỉ để tạo cơ sở cho EC rút lại “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do vi phạm khai thác không theo quy định, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) mà còn hướng đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thân thiện với môi trường.

Để giảm dần đội tàu công suất nhỏ, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương khuyến khích phát triển đội tàu khai thác xa bờ, đặc biệt là các tàu có công suất lớn để thay thế dần đội tàu công suất nhỏ chỉ khai thác vùng lộng, vùng ven bờ. Ngoài ra, những năm trước, UBND tỉnh đã chủ trương không phát triển tàu cá có công suất dưới 50CV; hiện nay, chủ trương không đóng mới tàu cá công suất dưới 90CV trên địa bàn tỉnh đang được xem xét.

Trước đây, có một số tàu cá trong tỉnh Khánh Hòa vì lợi nhuận đã vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, tình trạng này đã không còn. Các quy định của cộng đồng quốc tế về bảo vệ các loài thủy sản cấm khai thác cũng được thực hiện triệt để.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quang Hùng, để phát triển một nghề cá bền vững, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác hải sản như: Tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh, liên kết, các mô hình hậu cần dịch vụ tiêu thụ sản phẩm trên biển.

Hình thành một số doanh nghiệp đủ mạnh để hoạt động khai thác hải sản xa bờ và hợp tác khai thác viễn dương. Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy sản, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc...

Công Tâm - Kim Oanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/thang-lon-chuyen-bien-dau-nam-ngu-dan-mien-trung-an-tet-lan-2-955348.html