Thắng lợi của nông sản Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc liệu có là vô nghĩa?

Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa thông báo về việc Mỹ giành thắng lợi về hàng nông sản trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc tại WTO. Theo đó, hội đồng giải quyết tranh chấp đã ra phán quyết Trung Quốc vi phạm quản lý hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với lúa mì, ngô và gạo.

Nhưng dường như lúa mì Canada sẽ được hưởng lợi từ phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới. WTO đã kết luận quy trình của Trung Quốc không minh bạch, thiếu dự đoán hoặc công bằng và ngăn chặn TRQs được thực hiện, gây tổn hại cho Mỹ và các nhà xuất khẩu khác trên toàn thế giới. Đó là chiến thắng thứ hai của Mỹ tại WTO trong năm nay. Trước đó, họ đã giành thắng lợi trong tranh chấp liên quan đến sự hỗ trợ trong nước quá mức của Trung Quốc cho nông dân trồng ngũ cốc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Canada có tư cách bên thứ ba trong tranh chấp, được đưa ra vào tháng 8 năm 2017. Nếu điều này dẫn đến kết quả là cải cách, thì sẽ là tín hiệu tích cực cho nông dân Canada và nông dân Mỹ. Nhưng đó là một vấn đề lớn nếu xét đến hệ thống giải quyết tranh chấp WTO đang bị xáo trộn và hướng tới một sự kìm hãm vì Mỹ từ chối cho phép bổ nhiệm các thành viên mới của cơ quan phúc thẩm cho đến khi WTO được cải tổ. Phải có tối thiểu ba thành viên cơ quan phúc thẩm để thụ lý các kháng cáo của WTO. Cơ quan thường trực gồm bảy thành viên giảm xuống còn ba người và các nhiệm kỳ của hai trong số các thành viên đó sẽ hết hạn vào ngày 10 tháng 12. Kết quả cuối cùng là Trung Quốc có thể từ chối thông qua phán quyết của WTO đối với TRQ vì họ không có cách nào để kháng cáo quyết định này nếu không có cơ quan phúc thẩm.

Năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,27 triệu tấn lúa mì Canada trong bảy tháng đầu tiên của chiến dịch 2018-2019, tăng từ mức 444.000 tấn trong cùng kỳ một năm trước. Nhưng đó là do sự thay đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các nhóm nông nghiệp Mỹ vẫn lạc quan rằng phán quyết WTO đối với chính sách TRQ của Trung Quốc sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể. Hiệp hội lúa mì Mỹ kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các quy tắc mà họ đã chấp nhận khi gia nhập WTO. Chính sách của Trung Quốc đang kìm hãm thương mại lúa mì dựa trên thị trường, ngăn chặn cơ hội xuất khẩu và buộc người mua và người tiêu dùng khu vực tư nhân phải trả nhiều chi phí hơn để xay xát lúa mì và thực phẩm dựa trên lúa mì.

Hạn ngạch thuế quan hàng năm của Trung Quốc đối với lúa mì là 9,64 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện trung bình của quốc gia này chỉ là 25%, theo thông báo của Trung Quốc về WTO. Trung Quốc không thực hiện đầy đủ TRQ mỗi năm nhưng nước này vi phạm các quy tắc liên quan đến tính minh bạch và quản trị được xây dựng để tạo thuận lợi cho việc sử dụng TRQ. TRQ sẽ được sử dụng hoàn toàn nếu Trung Quốc hoạt động công bằng vì giá lúa mì nội địa của Trung Quốc cao hơn nhiều so với giá lúa mì từ Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ. Nhưng 90% TRQ lúa mì Trung Quốc đã được phân bổ cho các doanh nghiệp thương mại nhà nước nhưng không thực hiện đầy đủ, 10% phân bổ cho các nhà nhập khẩu khu vực tư nhân thường được thực hiện đủ hạn ngạch do nhu cầu bột mì ngày càng tăng trong nước.

Minh Việt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thang-loi-cua-nong-san-my-trong-tranh-chap-voi-trung-quoc-lieu-co-la-vo-nghia-118986.html