Thắng lợi của lý trí

Nếu bắt đầu từ hồ sơ mà hai bên mang đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, có thể thấy rằng, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã dùng lý trí của mình và có những bước nhân nhượng để tạo nên chiến thắng lịch sử.

Ông Lê Văn Cương.

Nên nhớ là ông Trump luôn ra điều kiện rằng, Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Còn ông Kim Jong-un đưa quan điểm từ bỏ hạt nhân theo một lộ trình, qua nhiều giai đoạn, đồng thời với việc từ bỏ hạt nhân, Mỹ phải từ bỏ lệnh cấm vận.

Trước thượng đỉnh, thái độ của ông Trump đã tỏ ra khá mềm mỏng và nhân nhượng. Vốn là một tổng thống đầy cá tính mà trước mặt một Kim Jong-un trẻ tuổi, ông Trump đã có điều chỉnh nhất định. Theo tôi nghĩ, tại Singapore lần này, ông Trump đã dùng lý trí để đè nén bản tính của mình. Trước mặt ông Kim Jong-un, ông Trump thấy rằng mình cần phải ghi điểm trước người tiền nhiệm, nên ông đã cố kìm nén. Bởi lẽ, nếu cuộc gặp mặt này đổ vỡ, đó sẽ là thất bại cho bản thân ông Trump.

Vì vấn đề giải trừ hạt nhân không thể tức thời như ông Trump mong muốn, nên ông chấp nhận quan điểm của ông Kim là phải diễn ra theo lộ trình. Đó là điều chỉnh khôn ngoan, đúng mức và cần thiết của ông Trump. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thành công của thượng đỉnh
lần này.

Về phía ông Kim Jong-un, cũng phải nói rằng, chỉ cần ngồi với ông Trump đã là một thành công. Với thái độ khá lịch sự, ông Kim cũng đã giữ mình để tạo một không khí có thể đối thoại với nhau. Điều này cho thấy rằng, ông Kim cũng đã điều chỉnh thái độ và phong cách ứng xử của mình. Chính sự điều chỉnh của ông Kim cũng đã khiến ông Trump phải điều chỉnh và thỏa hiệp. Sự nhân nhượng của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã tạo ra thành công cho cuộc gặp lịch sử vì lợi ích của cả Mỹ và Triều Tiên và vì danh dự cá nhân của hai nhà lãnh đạo.

Mỹ và Triều Tiên vốn xem nhau là kẻ thù hơn 60 năm qua. Năm 2017, những cuộc khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim khiến thế giới lo ngại về việc nổ ra chiến tranh. Từ nguy cơ bên bờ vực chiến tranh, riêng chuyện lần đầu tiên họ ngồi với nhau 1 tiếng 45 phút, với thái độ nghiêm túc niềm nở, và ra về vui vẻ như vậy, xét về mọi góc cạnh là thành công.

Về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, theo quan điểm của tôi, sẽ còn kéo dài và chưa biết đến bao giờ. Có thể nói, kết quả lớn nhất tại cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Triều này là hai nhà lãnh đạo đã duy trì được ngọn lửa đàm phán và đối thoại.

Chỉ riêng việc họ khiến cho ngọn lửa này không bị tắt đã là một thành công. Điều này đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi theo xu hướng củng cố hòa bình, ổn định cho khu vực Đông Bắc Á nói riêng và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Điều này phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của tất cả các quốc gia trong khu vực. Tôi nghĩ rằng, các quốc gia và các nhà lãnh đạo cần động viên, thúc đẩy quá trình đối thoại Mỹ- Triều.

Liệu thành công của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này có tác động gì tới an ninh, chính trị khu vực? Theo tôi nghĩ là có. Ít nhất, trong điều kiện này, ông Kim Jong-un không thể phóng tên lửa, thử hạt nhân nữa. Điều này phù hợp với nguyện vọng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga.

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này đã góp phần tạo ra không khí hòa dịu cho khu vực Đông Bắc Á, điểm nóng nhất thế giới một năm qua. Nguy cơ chiến tranh đã được đẩy lùi.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an).

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/thang-loi-cua-ly-tri-1284017.tpo