Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động: Sức khỏe người lao động là trên hết

'Đảng, Nhà nước luôn đặt lợi ích, sức khỏe, tính mạng người lao động (NLĐ) lên trên hết. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo điều kiện lao động, sức khỏe, tính mạng NLĐ'.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) tặng cờ thi đua cho các đơn vị trong phong trào Xanh - sạch - đẹp và đảm bảo ATVSLĐ. Ảnh: PV

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu trong lễ phát động Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” diễn ra vào sáng 6.5 tại TPHCM. Tham dự lễ phát động có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện các doanh nghiệp (DN), NLĐ trên cả nước.

Sau mỗi người lao động là một gia đình

Anh Lâm Văn Dũng, sinh năm 1971, vốn là tài xế của Cty TNHH Linfox logisitis VN. Anh chia sẻ, cách đây gần 10 năm, mức lương tài xế hơn 3 triệu đồng của anh là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thế nhưng vụ tai nạn lao động (TNLĐ) ập đến khiến cuộc sống của gia đình anh hoàn toàn thay đổi. Trong một lần làm việc, chân của anh bị kẹt vào bộ phận máy của xe vận chuyển nội bộ kho Cty gây thương tật cụt chân trái qua đầu gối. Anh Dũng là một trong 3 trường hợp CNLĐ bị TNLĐ nặng được Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính và đoàn công tác đến thăm nhân Tháng Hành động về ATVSLĐ. Chia sẻ về những trường hợp bị TNLĐ như anh Dũng, ông Chính xúc động: “Sau mỗi NLĐ là một gia đình, đảm bảo an toàn cho NLĐ là đảm bảo cho cuộc sống của vợ, chồng, cha mẹ, con cái của họ. Tôi nhiều lần đến thăm anh chị em công nhân (CN) bị TNLĐ nặng, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn, nhiều gia đình rơi vào bi kịch vì trụ cột của gia đình gặp TNLĐ”.

Tại hội thảo “Trách nhiệm của công đoàn (CĐ) trong việc phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp”, ông Mai Đức Chính cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2017, cả nước xảy ra tổng số 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn, trong đó 898 vụ có chết người với 928 người chết. “TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của DN, Nhà nước mà quan trọng nhất chính là sức khỏe, tính mạng của NLĐ. Việc trang bị cho người sử dụng lao động và NLĐ các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là hết sức quan trọng, chủ động giúp họ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra” - ông Chính đánh giá.

Phòng ngừa luôn tốt hơn chữa trị

Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TPHCM) - số vụ TNLĐ làm chết người phần lớn xảy ra trong lĩnh vực thi công, xây dựng. Năm 2017, trên địa bàn TPHCM, trong 102 vụ TNLĐ chết người có 71 vụ thuộc lĩnh vực này làm chết 66 người và bị thương nặng 5 người. Nói về vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong lĩnh vực thi công, xây dựng để đảm bảo ATLĐ cho NLĐ, ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng Giám đốc thường trực Cty CP Đại Quang Minh, TPHCM - cho biết: Toàn công trình của Đại Quang Minh hiện có gần 6.000 lao động đang làm việc. “Trước hết nhà đầu tư, chủ DN phải xem trọng con người, môi trường làm việc. Sau đó khi hợp tác với nhà thầu, ngoài những cam kết về mặt kinh tế, kỹ thuật xây dựng, chúng tôi có những yêu cầu riêng về ATLĐ, đảm bảo an toàn cho CN thi công...”.

Tại lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đảm bảo ATLĐ cần sự đồng bộ của tất cả cấp ngành, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, DN và NLĐ. Về NLĐ, ông Dung lưu ý: “NLĐ, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ năng làm việc an toàn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách hoặc kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình”.

Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam - cho rằng: “Với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Tháng Hành động năm 2018 khẳng định lại tầm quan trọng của công tác phòng ngừa như đã nêu rõ trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như Luật ATVSLĐ.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/thang-hanh-dong-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong-suc-khoe-nguoi-lao-dong-la-tren-het-605416.ldo