Tháng hai bất khuất (*): Ký ức bi hùng

40 năm đã trôi qua nhưng các cựu binh Đồn Biên phòng Pha Long (Lào Cai), Ma Lù Thàng (Lai Châu) chẳng thể quên những thời khắc chiến đấu quên mình để bảo vệ biên cương Tổ quốc

Đại tá Tống Chư, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lào Cai giai đoạn 1974-1985, cho biết trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Trong ngôi nhà nhỏ ở TP Lào Cai, vị đại tá nay đã bước sang tuổi 94 lần giở những ký ức bi hùng 40 năm trước.

"Chúng tôi hết đạn. Xin vĩnh biệt!"

"Rạng sáng 17-2-1979, tôi nhận được thông báo quân Trung Quốc (TQ) đã chia nhiều mũi tràn sang, Đồn Biên phòng (ĐBP) Pha Long - nay thuộc xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai - bị rơi vào thế cô lập" - ông Chư kể.

Đại tá Tống Chư: “Các chiến sĩ biên phòng đã chiến đấu rất quả cảm” Ảnh: HUY THANH

Đại tá Tống Chư: “Các chiến sĩ biên phòng đã chiến đấu rất quả cảm” Ảnh: HUY THANH

Dù quân số ít hơn nhiều lần so với đối phương nhưng các chiến sĩ ĐBP Pha Long vẫn kiên cường bám trụ, lập nên kỳ tích: Đẩy lùi hàng chục đợt tấn công ác liệt của quân TQ, trụ vững 4 ngày liên tiếp.

Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng Ảnh: VĂN DUẨN

Theo đại tá Tống Chư, trước khi quân TQ tấn công, nhờ nắm được cơ bản tình hình nên ta đã chủ động chuẩn bị. Ở ĐBP Pha Long, một số chiến sĩ được huy động hướng dẫn người dân sơ tán; số khác ở lại bảo vệ đồn, cầm chân quân TQ để bà con đến được vùng an toàn.

Nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lào Cai cho biết dù đông gấp nhiều lần nhưng quân TQ chỉ tấn công từng đợt vào ban ngày, còn ban đêm thì không dám. "Các chiến sĩ chiến đấu rất quả cảm. Sự anh dũng, kiên cường của quân - dân biên giới đã khiến đối phương chịu nhiều tổn thất" - ông Chư khẳng định.

Hiện nay, bên trái ĐBP Pha Long là một tấm bia trấn ải; bên phải là đài tưởng niệm 41 liệt sĩ, trong đó có 27 người hy sinh trong cuộc chiến đấu tháng 2-1979. Theo thượng tá Nguyễn Quang Chung - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên ĐBP Pha Long - bia trấn ải được dựng lên ở đây với ý nghĩa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

"40 năm trước, những cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pha Long dù còn rất trẻ nhưng đã anh dũng, quả cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Sau khi bắn viên đạn cuối cùng, một chiến sĩ ĐBP Pha Long đã gửi bức điện về sở chỉ huy, chỉ với vài chữ: "Chúng tôi hết đạn. Xin vĩnh biệt!". Nay, bia trấn ải cũng như một lời thề kiên trung, thể hiện ý chí chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi địa đầu biên giới" - ông Chung bày tỏ.

Sống chết cùng nhau nơi mảnh đất biên cương

Trong quyển sổ truyền thống của ĐBP Ma Lù Thàng - nay thuộc xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - chúng tôi đọc được rất nhiều dòng lưu bút của các cựu binh từng chiến đấu vào thời điểm tháng 2-1979. Những hình ảnh bi tráng ngày nào như được tái hiện.

Tại ĐBP Ma Lù Thàng, quân TQ tập trung 3 trung đoàn có xe tăng yểm trợ tấn công 3 mũi. Đồn trưởng Lê Văn Năm, chính trị viên Phạm Trực đã chỉ huy cả đồn đánh trả quyết liệt, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của đối phương. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hiến là người bám trụ cuối cùng để đồng đội rút lui an toàn và đã anh dũng hy sinh…

Chúng tôi đã gặp cựu binh Nguyễn Tiến Hạnh, quê Vĩnh Phúc, người từng chiến đấu ở ĐBP Ma Lù Thàng những ngày tháng hai lịch sử. Ông Hạnh kể hôm ấy, ông gác đúng ca cuối cùng trong đêm. Khoảng 5 giờ 45 phút sáng 17-2-1979, pháo TQ bất ngờ bắn ồ ạt vào vạt rừng phía trước ĐBP, sau đó bộ binh tràn tới.

"Lúc đó, tôi cùng anh Hiền gác ở chiến hào phía trước ĐBP. Hiền bảo tôi yểm trợ để anh ấy nhảy lên cản bước đối phương. Anh Hiền bị thương, quay trở lại chiến hào. Tôi băng bó vết thương và bảo anh quay về tuyến sau. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, anh đã quay lại, quả quyết: "Anh em mình sống chết cùng nhau nơi mảnh đất biên cương này" - ông Hạnh xúc động.

Chúng tôi cũng đã gặp cựu binh Lê Đình Thế, nguyên tiểu đội phó ĐBP Ma Lù Thàng thời điểm tháng 2-1979. Tiểu đội của ông gồm 7 chiến sĩ, làm nhiệm vụ gác cầu cửa khẩu - mũi trọng yếu của đồn.

Sáng hôm ấy, ông Thế cùng đồng đội đã cùng nhau đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân TQ. Tuy nhiên, đối phương ngày càng đông, có lúc chiếm được giao thông hào, chia cắt 2 tổ chiến đấu của tiểu đội.

"Quân TQ xông lên rất đông, ném lựu đạn như mưa. Lúc này, tiểu đội chỉ còn 5 quả mìn định hướng. Tôi liền ra lệnh cho chiến sĩ Mật điểm hỏa 3 quả. Quân TQ mất tinh thần, vội rút lui. Đến gần trưa, tiểu đội tôi đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân TQ nhưng 3 đồng chí đã hy sinh" - ông Thế bùi ngùi.

Sau khi lui về củng cố, đến chiều, quân TQ quay lại tấn công. Khi ấy, tiểu đội của ông Thế chỉ còn 2 quả mìn định hướng, sau khi dùng nốt thì chỉ còn lựu đạn và súng AK. Tiểu đội trưởng Nguyễn Song Hào bị thương rất nặng. Với sự yểm trợ của chiến sĩ Mật, ông Thế đã cõng tiểu đội trưởng về tuyến sau.

Vị tiểu đội phó năm nào hồi tưởng: "Khi đang cõng anh Hào, tôi nghe Mật kêu lên: "Anh Thế ơi, cứu em với". Khi cố đưa tiểu đội trưởng đến nơi an toàn, tôi quay lại thì thấy Mật trúng đạn bị thương rất nặng. Tôi băng bó rồi bế Mật về tuyến sau. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cậu ấy đã hy sinh trên tay tôi".

Sau khi rút về đồn, ông Thế cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu đến tối. Lúc đó, ĐBP Ma Lù Thàng chỉ còn 6 người, đành vượt sông rút về tuyến sau. "Khi vượt sông, một đồng chí nữa hy sinh. Chỉ còn 5 người, chúng tôi đã vượt rừng 4 ngày đêm để về đến Vàng Pó, Phong Thổ" - ông Thế kể lại.

Kỳ tới: Vững vàng nơi phên giậu

Hai lần được phong anh hùng

Với thành tích nổi bật trong việc chiến đấu ngăn chặn quân TQ, bảo vệ biên giới phía Bắc, ĐBP Pha Long đến nay đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, đồn còn nhận được nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…

Trong khi đó, ĐBP Ma Lù Thàng cũng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 19-12-1979.

HUY THANH - VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/thang-hai-bat-khuat-ky-uc-bi-hung-20190216211617295.htm