Tháng Giêng trên đảo Trần

Năm nay, còn trong cữ tháng Giêng, ở trong đất liền còn biết bao lễ hội mùa xuân, còn biết bao những rộn ràng của mùa xuân năm mới 2019, nhưng khi có chương trình đi thực tế của đoàn văn nghệ sĩ Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh thì các lễ hội với biết bao mê hoặc kia, chúng tôi đã bỏ lại phía sau... Tháng Giêng, chúng tôi đến đảo Trần.

Cột cờ chủ quyền trên đảo Trần.

Cột cờ chủ quyền trên đảo Trần.

Đảo Trần (thuộc địa bàn thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), hòn đảo là vị trí phên dậu xa xôi nhất trong dọc đường biên giới tuyến biển của tỉnh Quảng Ninh. Với tôi, những chuyến đi thực tế biên phòng đã nhiều. Mỗi chuyến đi đều trở thành gia tài đặc biệt của mình, nhưng có lẽ chuyến đi đến Đồn biên phòng Đảo Trần lần này là chuyến đi đặc biệt trong cuộc đời của tôi gắn bó với công việc chữ nghĩa.

Mặc dù được báo trước, nhưng thú thực, lòng tôi không khỏi lo lắng. Ở nơi đảo xa ấy, không có phương tiện công cộng di chuyển ra vào ngoài phương tiện của lực lượng vũ trang đóng quân và của ngư dân sinh sống tại đây. Rồi trước khi đoàn lên đường, bản tin dự báo thời tiết báo sẽ gặp cơn gió mùa đông bắc cuối mùa rất mạnh trên biển. Và với gần một giờ vượt qua sóng dữ, những con sóng bạc đầu phía trước cứ chồm lên chồm lên như muốn nhấn chìm cái ca-nô bé tí. Một chị đã nôn thốc tháo, có anh cũng hốt hoảng vì sóng. Cậu lái tàu đã chỉ tay ra phía biển mờ mờ hình hòn đảo, cậu nói đảo Trần đó các bác. Nhưng vẫn những con sóng chồm lên, vẫn thấy ca-nô lao vun vút trên những ngọn sóng... Và rồi khi tàu cập bến, bước chân chúng tôi cập hòn đảo nơi tiền tiêu này thì mọi việc trước đó hình như đã tan theo bọt sóng.

Cảm xúc đầu tiên là hòn đảo hình như bé quá. Hòn đảo như hoang vắng quá, khi bước chân chúng tôi chạm vào bờ đảo, chỉ là khu dân cư mới tinh với 16 căn nhà xây cùng mẫu, kiên cố, có thể nói là đẹp nằm ngay dưới chân núi. Nhà phía đầu dẫy sát chân núi có cửa hàng tạp hóa là nhà vợ chồng xung phong ra đảo. Nhà đầu dẫy sát bờ cảng là ba cô giáo tình nguyện ra đảo công tác... Còn lại vì đều là các cặp vợ chồng trẻ tình nguyện ra đây nhưng họ có nghề biển nên chỉ mùa biển động họ mới ở nhà, nên khu dân cư càng thêm vắng vẻ.

Lớp học của cô giáo Minh.

Trường cũng vắng. Cô giáo trẻ dạy mầm non Ngần Thị Minh dạy lớp ghép gồm 5 bé từ 2 đến 4 tuổi. Còn hai cô giáo tiểu học dạy mỗi lớp 3 em cũng là lớp ghép. Ba cô giáo đều tình nguyện từ huyện đảo Cô Tô sang đây dạy học. Cô Ngần Thị Minh là người dân tộc Thái, quê huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã thi đỗ khi huyện đảo Cô Tô tổ chức thi tuyển giáo viên năm 2012. Cô giáo sinh năm 1990 rất vui vẻ nói với chúng tôi, em sẽ tình nguyện ở lại đảo Trần, vì em đã quen sóng gió nơi này rồi! Chúng tôi chỉ biết nắm tay em và trào dâng những niềm thân thương không thể cất thành lời.

Ngày đầu tiên và hình ảnh đầu tiên ấy đã khiến chúng tôi không khỏi trào dâng cảm xúc nơi đảo xa này. Chúng tôi lên điểm chốt cột cờ cao hơn 200 mét. Sau một hồi leo dốc mệt phờ, nhưng tất cả đều xúc động khi cảm nhận sự thiêng liêng của lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh bay phần phật trước gió. Giữa biển trời lồng lộng như thế này, có lá cờ chỉ treo được một ngày đã bị thổi bay tung hết, lính đảo thường xuyên phải thay cờ. Thậm chí chỉ sau một đêm gió từ những cơn giông biển thổi thốc tháo trên đỉnh núi này thì lá cờ đã bị rách một góc và lính đảo lập tức phải thay lá cờ mới. Một việc tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy thôi đã chạm vào trái tim đa cảm của cánh văn nghệ sĩ chúng tôi. Tổ quốc thiêng liêng biết nhường nào giữa trùng khơi khi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trước gió!

Trong suốt những ngày ở đảo chúng tôi đã cố gắng tận dụng mọi thời gian để tìm đề tài, tìm nhân vật cho sáng tác của mình. Tôi thật vui và thấy tự hào là có thêm cậu em cùng họ là sĩ quan Vũ Huy Công, hiện là Phó Đồn trưởng phụ trách quân sự của Đồn Biên phòng Đảo Trần. Công cũng giống như các đồng đội ở nơi này như Trí, như Khẩn, như Nguyên… đều có gia đình nhỏ ở đủ các tỉnh, thành. Với cuộc sống của người lính đảo nơi tiền tiêu này, thật sự họ đang phải nhận một trách nhiệm bảo vệ biên cương vô cùng lớn lao trước Tổ quốc. Sĩ quan Vũ Huy Công rất vui vẻ, thân thiện, thêm khiếu hài hước nữa nên câu chuyện của chúng tôi hầu như cứ tràn ngập tiếng cười từ khi đến đảo cho đến khi chia tay những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc ấy

Bộ đội biên phòng trên đảo Trần.

Vũ Huy Công không kể về nỗi khó khăn vất vả của các anh nơi vị trí tiền đồn này, Công chỉ cười, và kể về cánh lính đồn tăng gia sản xuất, như có đàn lợn rừng hơn bốn chục con, có hồ thả cá trên núi, có vườn rau xanh rất nhiều thứ rau mang từ quê nhà Hải Dương ra trồng. Tôi biết Công và các sĩ quan của Đồn Biên phòng Đảo Trần đều trải qua các đơn vị công tác từ miền núi đến hải đảo, theo dọc tuyến biên giới biển đảo thuộc quản lý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh. Công đã ra đảo Trần hơn 2 năm, nhưng hình như tố chất của người lính biên cương luôn rèn luyện cho Công những điều rất riêng biệt mà chúng tôi hết sức trân quý. Công thuộc từng ghềnh đá, từng mom biển, bãi cát của đảo Trần như lòng bàn tay. Công khoe những bức ảnh chụp cảnh sắc thiên nhiên nơi đây bằng máy điện thoại mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh của đoàn đều phải thốt lên khen chàng sĩ quan có con mắt rất nhà nghề. Nói về ảnh, về hoa, về chim muông hay cảnh đẹp của biển, của rừng nơi đây Công nói không chán, nói say mê đến nỗi chúng tôi cũng còn bị cuốn theo cách nói chuyện có duyên của chàng sĩ quan ấy. Thế nhưng hễ hỏi về công việc, Công bảo, cũng bình thường, công việc của lính mà chị.

Chỉ đến khi tôi hỏi chuyện sĩ quan đồn trưởng Phạm Hồng Thái, mới biết công việc của Đồn Biên phòng Đảo Trần thật sự là công việc rất trọng yếu nơi tuyến biên giới trên biển này. Phạm Hồng Thái là chàng sĩ quan còn trẻ, sinh năm 1983, một sĩ quan vừa gặp đã thấy tràn đầy năng lượng làm việc. Khi tôi hỏi sơ qua về nhiệm vụ của các anh, thì Thái cũng chỉ nói nhẹ bẫng: Vâng, chúng tôi ở vị trí tiền đồn nên cũng không thể nói là không vất vả, nhưng người lính mà, chúng tôi luôn gắn bó đoàn kết và cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cao nhất. Ví dụ như đêm mùng 2 Tết vừa qua, cả đồn phải sẵn sàng trực chiến đấy ạ, nhưng không sao, vẫn không bao giờ chúng tôi để Tổ quốc bất ngờ! Nói xong, Thái cười sảng khoái, nhìn chàng sĩ quan vạm vỡ thông minh ấy, chúng tôi chỉ à lên một câu thật thán phục họ, những người lính nơi hòn đảo tiền tiêu này. Vâng, đêm tối và biển cả mênh mông như thế kia, chúng tôi chẳng biết họ đã cố gắng thế nào để ngày đêm bám biển, bảo vệ đường phân định ranh giới trên biển như thế nào, thật khó như phân định những con sóng bạc đầu vào ngày biển động cứ chồm lên chồm lên không ngớt kia…

Văn nghệ sĩ thực tế sáng tác trên đảo Trần.

Nhiệm vụ và nhiệm vụ, người lính và hòn đảo nơi đầu sóng đã cho chúng tôi những ngày ở lại đảo với bộn bề cảm xúc. Chia tay những người lính đảo Trần ở giữa trùng khơi ấy, chúng tôi chỉ mong một điều, mong cho họ, những người lính biên thùy luôn vững vàng trước sóng gió khơi xa.

Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201903/thang-gieng-tren-dao-tran-2433454/