Thặng dư ngân sách: Để mơ ước trở thành hiện thực…

'Điều hành ngân sách có thặng dư là mơ ước của biết bao quốc gia' – đó là lời cảm thán của một vị chuyên gia khi bình luận về tình hình ngân sách những tháng qua. Và điều dễ nhận thấy, việc thu lớn hơn chi, các nguồn thu ngân sách đều đạt khá có nguyên nhân từ tăng trưởng kinh tế và cũng có phần lớn nỗ lực của ngành Tài chính.

3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt dự toán. Ảnh: HV.

3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đều đạt dự toán. Ảnh: HV.

Điểm sáng từ sản xuất, kinh doanh

Nếu nhìn lại tổng thể hoạt động tài chính - ngân sách từ đầu năm 2019 đến nay có thể thấy công tác điều hành ngân sách nhà nước nổi bật lên như một điểm sáng. Báo cáo ngân sách hàng tháng liên tục nhấn mạnh cụm từ “tiếp tục thặng dư” như một niềm vui, niềm tự hào của những người làm nhiệm vụ giữ “túi tiền” quốc gia.

Quý I/2019, ngân sách nhà nước thặng dư. Lúc này, giới chuyên gia vẫn cho rằng đó là “may mắn” khách quan bởi thời điểm đầu năm, do dư địa của việc quyết toán thuế nên tiến độ thu thường đạt khá cao (381 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán), trong khi đó nhu cầu chi đầu năm lại thấp (hơn 315 nghìn tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán). Song, đến hết 7 tháng, ngân sách vẫn thặng dư như thế.

Nguyên nhân do đâu?

Trước hết, từ phía thu, phải thừa nhận vai trò tích cực của việc tăng trưởng kinh tế, hiệu quả của khu vực sản xuất, kinh doanh trong câu chuyện này.

Nhìn vào tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng có thể thấy, trong con số 891,7 nghìn tỷ đồng, thu nội địa đạt tới 724,68 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 12,8% so cùng kỳ năm 2018. Cùng với sự phát triển khả quan của nền kinh tế từ cuối năm 2018 đến nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành những tháng đầu năm 2019 vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng tăng 9,4%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5% so cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, trong 5/12 khoản thu đạt khoảng 56% - 60% dự toán có 3 khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh là: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (56,9%), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (59,1%) và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (60,1%). Đây là tín hiệu đáng mừng bởi số thu này là nỗi trăn trở của ngành Tài chính trong vài năm qua.

Thứ hai, không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành Tài chính. Cơ quan Thuế đã tập trung triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp, phấn đấu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN. Nhờ đó, kết quả kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2019 là tương đối tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế lớn. Ước tính cả nước có 53/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 58%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 61% dự toán; 56/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 7 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ là Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên, Quảng Ngãi, Bình Phước.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng khởi sắc, đạt 130,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018 trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 205 nghìn tỷ đồng, bằng 68,2% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018. Để có kết quả này, cơ quan Hải quan đã tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhờ đó, đã tác động tích cực đến số thu của khu vực này.

Kiên quyết thắt chặt chi tiêu

Dĩ nhiên, để thặng dư không chỉ cần thu tốt mà còn kiểm soát chi tốt. Tổng chi NSNN 7 tháng đạt 776,86 nghìn tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018. Từ đầu năm 2019, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị dự toán thuộc Bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời trong nhiều lần chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn khẳng định rằng: Trước yêu cầu đòi hỏi phát triển đất nước, yêu cầu chi rất lớn, nhất là chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng chương trình nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai,… dẫn đến NSNN vẫn bội chi. Điều đó buộc chúng ta phải thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi ngân sách.

Để giảm bội chi, giảm chi, Bộ Tài chính đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 07-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, nợ công; Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020 với mục tiêu giảm mức bội chi NSNN giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 không quá 3,9% GDP, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội các biện pháp quản lý chặt chẽ NSNN, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng NSNN, tình trạng nợ công; đồng thời tăng cường quản lý thu, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế...

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành chủ động sắp xếp, điều chuyển xe công, hạn chế đến mức thấp nhất kinh phí mua xe công. Từ năm 2017, đã đưa tối đa các khoản chi thường xuyên chung của các bộ, cơ quan Trung ương vào định mức nhằm phân bổ ngân sách công bằng hơn. Các khoản chi liên quan đến hội nghị, hội thảo, khởi công, khánh thành công trình, đoàn ra, đoàn vào được tiết kiệm triệt để; không ban hành chính sách chi khi không có nguồn lực đảm bảo; hạn chế tối đa bổ sung dự toán, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nguồn ngân sách hàng năm… Hay những kết quả bước đầu từ công tác sắp xếp, sáp nhập, tinh gọn bộ máy của ngành Tài chính nói riêng và cả các cơ quan bộ ngành, địa phương nói chung cũng đã giảm bớt nhiều “gánh nặng” chi tiêu.

Không chỉ tiết kiệm, để “gồng gánh” cho ngân sách, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Tổng số đã phát hành được trong 7 tháng qua là gần 137,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,62 năm, lãi suất bình quân là 4,93%/năm. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát khoảng 454.258 tỷ đồng chi đầu tư và chi thường xuyên, qua đó đã phát hiện 6.392 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 16,2 tỷ đồng.

Gần 2/3 thời gian của năm 2019 đã trôi qua với kết quả điều hành tích cực. Để duy trì được thặng dư cho ngân sách có lẽ còn cần nhiều công sức hơn nữa của những người làm Tài chính.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính:

Điều hành ngân sách có thặng dư là mơ ước của biết bao quốc gia. Tôi cho rằng, năm 2019 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với kết quả đạt được thời gian qua sẽ là cơ sở vững chắc để ngành Tài chính tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, tạo tiền đề để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách trong cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 như người đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã từng khẳng định.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thang-du-ngan-sach-de-mo-uoc-tro-thanh-hien-thuc-110666-110666.html