'Tháng cô hồn' ở Việt Nam có phải bắt nguồn từ Trung Quốc?

Trong tín ngưỡng dân gian, tháng 7 Âm lịch hay còn gọi là 'tháng cô hồn' có liên quan tới tâm linh nên rất được nhiều người chú trọng.

Hình ảnh Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan cho quỷ dữ ra ngoài trong tháng 7 Âm lịch.

Từ thời xa xưa đến nay, dân gian vẫn hay gọi tháng 7 Âm lịch là “tháng cô hồn”. Nhiều người quan niệm, đây là tháng mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để những vong hồn được lên trần gian với con người và đến ngày Rằm tháng Bảy sẽ phải quay lại địa ngục.

Vào ngày Rằm tháng Bảy, người dân thường cúng cháo, gạo, muối… để giúp cho các vong hồn có một bữa no. Họ quan niệm, con người khi sống dù đã gây ra những tội ác gì thì khi chết đi, trong quá trình chịu trừng phạt cũng có được một ngày xá tội để đỡ khổ cực, đau đớn.

Đây là một tục lệ đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nó bắt nguồn từ Trung Quốc.

Mô phỏng hình ảnh quỷ dữ trong tín ngưỡng dân gian.

Về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, tục cúng “tháng cô hồn” ở Việt Nam đúng là bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng trải qua thời gian đã được Việt Nam hóa triệt để.

“Mỗi nước có một cách ứng xử khác nhau. Cùng là “tháng cô hồn”, có nhận thức chung như nhau nhưng cách ứng xử khác nhau. Trung Quốc ngày này không quan trọng lắm nhưng đối với Việt Nam, ngày này rất quan trọng.

Nhận thức của người Việt rất hồn nhiên và trong sáng với mong muốn cứu vớt những vong hồn. Tục cúng “tháng cô hồn” không chỉ thể hiện sự nhân đạo với thế giới bên kia mà còn mong muốn có hạnh phúc ở thế giới bên này”, GS Biền nói.

Theo Giáo sư Biền, truyền thuyết dân gian cho rằng, từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến Rằm tháng Bảy thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương. Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch, còn ở Việt Nam, thời gian này kéo dài nguyên một tháng.

Giáo sư Biền cho biết thêm, theo đạo Phật, quan trọng nhất của tháng 7 Âm lịch là ngày xá tội vong nhân. Vào ngày này, ở các chùa tại Việt Nam thường có một cái bàn để ngoài sân hoặc ngoài vườn. Hai chân bàn buộc 2 cành tre còn lá; trên mặt bàn để bộ quần áo trẻ con, bỏng, cháo…

“Theo tôi, nguyên tắc cành tre là đường dẫn linh hồn về đạo Phật. Cành tre phải có đốt và cắm xuống đất, ở ngọn cành tre có lá phướn đề Nam mô A di đà phật. Ngày xá tội vong nhân, các con ma đi theo cành tre lên bàn hưởng quần áo, đồ ăn, đồ cúng trên bàn. Ăn xong, theo lời tụng kinh siêu độ, dựa vào khói hương, các vong hồn sẽ bước vào cõi thiêng liêng của nhà Phật”, GS Biền chia sẻ.

Triệu Quang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thang-co-hon-o-viet-nam-co-phai-bat-nguon-tu-trung-quoc-903338.html