Tháng Chạp sông kể chuyện làng

Nhà tôi gần một con sông lớn, đấy là sông Hồng, dân dã gọi là sông Cái. Người Kẻ chợ thì đặt cho đoạn sông Hồng chảy ngang qua đất Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay (địa phận khi chưa mở rộng) cái tên nghe trang trọng, cổ điển, mỹ miều là sông Nhĩ Hà hay Nhị Hà.

Cái tên ấy hoàn toàn xa lạ với người dân chốn điền thảo quê tôi. Ngày còn nhỏ, cha thường dắt tôi ra với dòng sông. Chuyện nước, chuyện làng, chuyện người gắn với con sông quê cứ theo những hồi ức của cha mà tuôn chảy như sóng, như nước. Có lần cha bảo: “Đời người cũng như đời sông, càng đi càng biết nhiều, càng xa càng thương nguồn cội”. Khi ấy, tôi chưa hiểu lắm những lời cha nói. Chỉ sau này, khi đã rời làng, biền biệt với dòng sông quê, trên đầu trộn hai thứ tóc tôi mới thấm hết lời cha. Để rồi, có chiều tháng Chạp nào đó, khi bông hoa thầm nở bên thềm, lũ chim trời sải cánh, mùi nhang trầm thoảng thơm hơi gió, có dòng sông mơ hồ, lặng lẽ chảy qua tim... thì lòng lại nôn nao hai tiếng: Quê nhà!

Tôi chắc rằng suốt hành trình dài hơn 500km trên nước Việt của mình, sông Hồng có nhiều ngã ba lớn bé. Làng Gạo của tôi nằm gần một ngã ba sông. Chỗ ấy, một con gà gáy là ba tỉnh cùng nghe thấy. Làng tôi ở phía hữu ngạn thuộc đất Hà Tây cũ, bên dưới là các làng của đất Hà Nam, phía tả ngạn là quê hương của nhãn lồng Hưng Yên. Trong những ngày Chạp, giữa cái gió heo hẻo, các cụ già chăn bò ngồi bó gối bên đống củi gộc tre hồng rực miên man nhớ, đám mục đồng xúm xít vây quanh. Lời người già lẫn vào lời sông, chuyện rằng: Làng Gạo nằm ở trung tâm gò Cái Ốc xưa (hay trang Cổ Liêu), nơi đây phong cảnh hữu tình, điền thổ phì nhiêu, con người thuần phác, phong túc. Làng là nơi phát tích của lục vị Đại vương họ Nguyễn, những người anh hùng cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai xứ quân, đưa dân lành thoát cơn binh lửa điêu linh. Giặc Cô Tôn (sau gọi là Chiêm Thành) quấy nhiễu cương thổ phía Nam, vâng mệnh Vua Đinh, lục vị Đại vương lại tiến ra sa trường, lấy được đầu tướng giặc Ma Na, giữ yên bờ cõi. “Sống là danh tướng chết là thần/ Hà tất khư khư ở thế nhân/ Nay triệu các ông về cửa khuyết/ Sơn hà giao phó bậc vua hiền”. Linh khí đất trời kết thành lời thơ tiễn các ngài thăng thiên còn văng vẳng đến hậu thế muôn sau... Chuyện rằng: Giữa thế kỉ XIX, dịch bệnh, binh đao loạn lạc, làng Gạo chỉ còn 15 suất đinh. Những người đàn ông, đàn bà thủy chung bám sông, bám đất, bám làng để những thế hệ người cứ dài ra, đông đúc như bây giờ... Tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi là nông dân. Họ được sinh ra từ đất đai bờ bãi, lớn lên, yêu đương, sinh con nở cái, cấy trồng, rồi khi sức cùng lực tận thì lại tan vào đồng thổ quê nhà. Trước 20 tuổi tôi là cậu bé-chàng trai chăn bò dọc triền sông quê, trên khắp các cánh bãi. Có lẽ tôi làm quen với việc chăn bò từ lúc còn nhỏ. Bà nội là người thầy đầu tiên dạy tôi chăn bò. Mỗi chiều, tôi thường lũn cũn bám vạt áo bà, dò theo bước chân bà trên những cánh bãi. Những cánh bãi phù sa nâu nhuần tháng bảy, đến tháng chín, tháng mười mướt mát rau mầu, vào độ giêng-hai thì rực rỡ cải vàng và muôn loài hoa cỏ. Người làng tôi thường có bàn chân to với gót chân dày, những ngón chân tòe ra vì bước trên đất, sục trong bùn. Và màu da nâu mặn mòi từ vị phù sa, từ màu nắng, màu gió rải khắp triền sông. Tôi mang tất cả những “đặc sản” ấy của làng khi vào bộ đội. Chân tôi luôn đi giày cỡ 43 và màu da mỗi ngày "thêm nâu tươi màu suy nghĩ”.

Minh họa: Lê Hải.

Minh họa: Lê Hải.

Cũng lâu rồi tôi không có dịp ngồi với sông, để được nghe sông vỗ về. Nhưng nhiều đêm ở một nơi thật xa, tôi đã được trở về bên bến sông quê. Trong những cơn mơ ấy, tôi thấy mình vẹn nguyên-một cậu bé lấm lem, da rám đen, tóc khét cháy chân trần được bà nội dắt đi trong miền hoa đại ngời trắng, thơm ngát triền sông. Sông tung những con sóng trắng xóa như những mái đầu người già của làng. Từng cánh hoa đại dập dờn cài trên sóng. Không biết ai đã trồng những cây hoa đại ấy, dọc từ chùa Tạ, đình Khéo, đình Gạo, đến chùa Giáng, miếu Thủy Thần... Hương hoa đại lẫn trong lời ông chủ tế, trong những câu hát xướng mỗi độ xuân-thu hội làng. Hương hoa đại thấm vào tiếng chuông chùa vang vọng, đan quện lời kinh sắc sắc không không của sư thầy. Bà tôi bảo: “Hoa đại là tinh hoa của đất trời. Hoa lại uống nước lành từ sông, nên hoa chỉ hợp nơi tôn nghiêm, thanh sạch. Trước hoa đại, mọi khổ đau, phiền lụy chẳng còn, bà thấy lòng an yên. Con cứ thử mà xem...”. Vâng lời bà, tôi chắp tay nhắm mắt trước hoa, chợt lòng tôi trải ra, vô tận, trong suốt. Tôi không còn ấm ức vì trò chơi ác của lũ bạn chăn bò. Rồi tôi lại thấy mình biến thành con cá vàng, mắt xanh bơi mải miết giữa lòng sông như trong câu chuyện cổ bà thường kể.

Nhà tôi ở hiện nay cũng gần một con sông, sông Tích. Tôi chưa từng đặt chân xuống bờ sông Tích, chưa bao giờ vục tay vào lòng sông Tích. Một phần nước sông ô nhiễm, một phần tôi biết mình không thuộc về dòng sông này. Tôi hoàn toàn không có ký ức nào về sông và sông cũng chẳng hề lưu giữ, chuyên chở những gì đã từng thuộc về tôi. Nhưng có những buổi sớm tháng Chạp, tôi nghe rõ tiếng gió xào xạc trên những ngọn tre già đưa lại. Rõ ràng là tiếng hát của bác lái đò tên Năm quê tôi: “Ngày xưa có anh Trương Chi/ Người thì thật xấu, hát thì thật hay...”. Bến đò Giáng, gần làng Gạo của tôi là nơi bác Năm chở đò. Cả đời bác hơn 80 năm gắn bó với sông, ấy vậy mà người làng không gọi bác là ông Năm “đò”, mà cứ thích “đá xoáy” bác, gọi ông Năm “lô”. Đấy là vì vợ chồng bác sinh đúng 5 cô con gái-ngũ nữ trình làng. Người ta bảo bác Năm suốt ngày ngoài bến sông, ít khi về làng là bởi bác buồn không có con trai, lại vừa để tránh thói gièm pha của người đời. Nhưng thực tế thì bác gắn bó với bến Giáng từ rất lâu rồi, ngày bác còn là cậu bé. Và nữa, con gái của bác cô nào cô ấy đẹp như con vua Thủy Tề, tóc dài tha thướt, má đỏ, môi hồng. Bác yêu những cô con gái của mình, như yêu những con sóng trên sông. Ngày bé, lũ trẻ chăn bò chúng tôi thường được bác cho qua sông phiễm phí, mỗi khi đò vắng khách. Lần đầu được lên đò của bác, cái cảm giác miên man trôi trong câu chuyện bác kể, bồng bềnh trên sóng nước, rồi được khe khẽ chạm bàn chân mình xuống bờ cát của phía bên kia sông, mà trước đó chỉ là một vùng mịt mờ, xa cách, làm tôi sung sướng vô cùng. Dường như có một chân trời mới mà cậu bé con là tôi vừa chạm tới. Rồi thời gian như nước trôi qua con đò ngang của bác Năm, lũ trẻ ngày nào vụt lớn, nhiều đứa bỏ lại đồng bãi, bỏ lại bến sông, đi mải miết, như tôi. Chỉ còn bác Năm trên bến Giáng vẫn cần mẫn đưa đò.

Cách đây 4 năm, tháng Chạp năm Bính Thân, nhân một dịp về làng, nhớ sông, nhớ người lái đò năm cũ, tôi ra bến Giáng định làm một chuyến sang sông. Thật bất ngờ, bến đò đã dời đi vì nhánh sông chạy qua bến Giáng xưa đã cạn. Tôi thấy gió đang vẽ lên bãi cát câu thơ của cụ Tú ngày nào: “Sông xưa rày đã lên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Bến đò chuyển xuôi xuống gần thôn Hoàn Dương của đất Hà Nam. Theo hướng người làng chỉ, tôi đi tìm bác Năm, tìm bến đò xưa, dòng sông cũ của tôi. Bác Năm khi ấy gần 80 tuổi, tóc bạc, nhưng nước da vẫn nâu bóng màu sông. Sức đã yếu, bác phải nhờ một người cháu họ phụ giúp. Tôi qua sông, trên chuyến đò chiều. Sóng gió nổi lên bản giao hưởng bất tận của sông. Sông kể chuyện ấu thơ cho tôi gặp lại bạn bè, gặp con bò vàng khoang trắng tôi từng chăn thả. Những bông hoa đại “vừa trôi vừa tỏa hương”, nồng thơm trong gió tháng Chạp. Tôi nhìn thấy gương mặt ông bà tôi, bố tôi-nhưng người thân yêu của tôi đã khuất-lẫn trong bóng nước. Những gương mặt thuần hậu. Những đôi mắt biết cười.

Tôi vục nước lên mặt. Nước sông nồng và ấm. Rưng rưng trong tiếng sóng rì rào.

Tùy bút của LAM KHUÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thang-chap-song-ke-chuyen-lang-648764