Thằng bé tông xe hẹn lãnh lương sẽ mang tiền đến trả

Sau cú tông xe, thằng bé thú nhận đã hết tiền nên hẹn đến ngày lãnh lương sẽ mang tiền đến đền cho khổ chủ. Sài Gòn rộng bao la, lời hứa của thằng bé xa lạ như chim trời cá nước, gió thoảng mây bay...

Tôi bị tông xe. Tôi ghi lại số điện thoại của thằng bé - người tông tôi và đứa bạn nó đi cùng, hôm sau tôi gọi lại yêu cầu bồi thường tiền sửa xe. Thằng bé bảo hết tiền và hẹn đến lúc lãnh lương sẽ trả. Và tôi chờ...

1.

Gần 22 giờ 30 ngày 12-10 tôi mới xong công việc ở cơ quan để về nhà. Chạy xe thong dong trên đường, đến ngã ba Bắc Hải-Thành Thái (quận 10, TP.HCM) thì đèn đỏ nên tôi dừng lại chờ.

Bỗng nghe sau lưng có tiếng xe lao nhanh như gió, quay đầu nhìn lại chưa kịp hiểu chuyện gì thì một chiếc xe máy đã phóng thẳng vào xe tôi làm cả hai xe ngã lăn kềnh. May mắn tôi và người lái chiếc xe máy kia không bị sao. Nhìn kỹ lại thì mới thấy đó là một thằng nhóc đang say khướt, chân đứng không vững, lái xe máy không kiểm soát tốc độ nên tông vào tôi.

Đi cùng còn có thằng nhóc bạn chạy theo hộ tống. Vừa run vì bất ngờ bị đụng xe, vừa tức giận những người say xỉn mà vẫn cả gan chạy xe vi vu ngoài đường, tôi “xách tai” hai đứa nhóc lôi vào lề đường làm một trận “tổng xỉ vả”, kiên quyết yêu cầu bồi thường tiền sửa xe do xe tôi bị hư một chút sau cú va chạm.

Bình thường tôi không làm khó như vậy bao giờ nhưng vì rất khó chịu với những người vô ý thức nên tôi cứng rắn nói không khi tụi nó hết lời xin lỗi và móc hết túi chỉ còn mấy chục ngàn đồng.

Khó khăn với tụi nó như vậy nhưng tôi cũng bối rối vì chẳng biết buộc tụi nó phải trả bao nhiêu. Tôi bèn bảo ngày mai sẽ đem xe đi sửa, hết bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu rồi ghi lại số điện thoại hai đứa kèm theo lời “dọa dẫm” gọi mà không nghe thì đừng có trách. Hai đứa dạ rối rít.

2.

Bẵng đi mấy ngày sau... Tôi vẫn chưa có thời gian đem xe đi sửa. Buổi sáng nọ, anh bảo vệ quán cà phê hỏi "Xe em vừa bị tông phải à?". Tôi bèn kể ảnh nghe, kể cả chuyện gọi điện thoại cho tụi nhóc kia trả lại tiền. Anh bảo vệ cười ha hả, cam đoan không bao giờ có chuyện đó xảy ra. “Anh cá với em một chầu cà phê luôn nếu thằng nhỏ đụng xe em chịu trả tiền. Em gọi tụi nó còn không nghe hoặc chối bay biến” - anh khẳng định.

Một chút hiếu kỳ, tôi bỗng muốn thử xem lời anh bảo vệ có đúng không. Sau khi tiệm sửa xe thông báo tiền sửa xe tôi khoảng 500.000 đồng, tôi gọi điện thoại cho thằng nhóc đụng xe mình. Tổng đài báo số điện thoại không đúng. Ôi, một chút hoang mang trỗi dậy trong tôi rồi. Lẽ nào nó cho mình số điện thoại ma… Thôi thử gọi cho đứa bạn đi cùng của nó, thì số này gọi được. Thằng nhóc nghe xong bảo sẽ báo bạn gọi lại. Vài phút sau, số điện thoại lạ gọi đến (thì ra khác một số so với số tôi ghi, không rõ do tôi viết nhầm hay nó say nên đọc sai), bảo "em là người hôm đó đụng xe chị".

Được dịp, tôi lại mắng và giảng dạy nó một hồi lâu về cái tội say xỉn mà dám chạy xe ngoài đường. Sau đó bảo nó gửi tôi tiền sửa xe. Bên kia vẫn cam chịu: “Dạ, em biết lỗi rồi, em xin lỗi”. Rồi nó nói tiền lương tháng này đã hết, xin khất lại tháng sau có lương sẽ trả. “Chị ứng tiền đem xe đi sửa trước đi, ngày 10 tháng sau em nhận lương em trả lại chị” - nó năn nỉ.

Thấy tôi im im, nó cam kết "em uy tín lắm, không có hứa lèo nên chị hãy yên tâm". Nó hỏi tôi tên gì, nhà ở đâu để nó lưu lại. Cũng không còn cách nào, tôi phải đồng ý kèm theo lời dọa: “Yên tâm đi, đến ngày 10 em sẽ nhận được tin nhắn gặp chị ở đâu để trả tiền”. Số tiền đó rất nhỏ, tôi cũng biết hoàn cảnh thằng nhóc khó khăn nhưng vẫn “gây khó dễ” chỉ để nó nhớ đời không tái phạm nữa. Định bụng nếu nó đến gặp, tôi sẽ trả lại tiền (dĩ nhiên kèm thêm một trận la rầy nhắc nhở nữa cho nó chừa). Nhưng nếu nó không đến thì cũng chịu, không biết làm sao hơn.

Hôm đó chỉ mới ngày 25, còn hơn nửa tháng nữa…

3.

Mấy tuần trôi qua…

Hôm qua, đang ngồi cắm cúi làm việc thì tôi có điện thoại. “Em là Tuấn, người hôm bữa đụng xe chị đây ạ” - bên kia xưng. Khá bất ngờ, tôi thoáng nghĩ hôm nay chỉ mới ngày 9, chưa đến hẹn và tôi sẽ là người liên lạc “đòi tiền” nhưng sao hôm nay thằng nhóc lại gọi mình. Thế nhưng tôi vẫn nghiêm giọng: “Chị bảo ngày 10 sẽ gọi em mà. Đừng bảo hôm nay em lại hẹn tháng sau mới trả tiền chị nha”. Bên kia bảo: “Dạ không. Tháng này em có lương sớm nên em gọi chị. Chị cho em địa chỉ, em sẽ chạy qua gặp chị”. Nhắn cho nó địa chỉ xong, tôi tiếp tục làm việc.

Khoảng một tiếng sau, thằng nhóc gọi lại bảo đã đến rồi. Xuống tới nơi, tôi nhìn thấy một thằng nhóc ốm tong, nhỏ thó đang đứng chờ. Câu đầu tiên nó chào tôi là: “Chị có sao không? Em xin lỗi chị vì hôm đó em say quá nên tông xe chị”. Nói chuyện mới biết thì ra thằng nhóc làm công nhân ở tận quận Bình Tân. Chiều nay có lương sớm nên nó ra ga mua vé tàu về quê ăn tết và gửi lại tiền cho tôi.

Hỏi một lúc nữa thì biết thêm nó quê ở Quảng Trị, làm công nhân một tháng được 6 triệu đồng. Khi nào có dư chút ít thì gửi về quê cho cha mẹ. “Lương chỉ có 6 triệu đồng mà cũng nhậu dữ quá hén” - tôi tiếp tục lên lớp. Nó gãi đầu: “Dạ, em cũng ít nhậu lắm. Hôm đó em gặp bạn nên vui nhậu hơi nhiều”. Hỏi "em mua vé xe lửa về quê vậy còn tiền trả chị không?”. Nó lại cười: “Dạ còn. Tiền trả chị em để riêng. Với lại em mua trễ quá nên không còn vé tàu nữa. Qua tết em về thăm nhà sau”.

Nói chuyện một lúc, thằng nhóc lấy tiền trong ví ra: “Cho em gửi lại chị”. Cầm tiền của nó rồi, tôi dúi lại tay nó: “Em cầm lại đi. Chị lấy tiền của em làm chi. Chị chỉ muốn em phải rút kinh nghiệm không nên say xỉn lái xe gây hậu quả cho mình và người khác nữa thôi”.

Thằng nhóc lặng người…

Thấy vậy, tôi lại trêu: “Ủa, không cảm ơn chị à?”. Nó như sực tỉnh, lại gãi đầu và cười: “Em cảm ơn chị”. Về đến nhà, nó nhắn tin: “Em đã về an toàn rồi. Em cảm ơn chị rất nhiều”.

4.

Tôi cứ nghĩ miên man... Không biết thằng nhóc ấy có vui không khi được trả lại số tiền? Có từng nghĩ tôi đã quá khó khăn nghiêm khắc? Nhưng chiều hôm đó tôi đã vui và cảm động lắm. Mong nhóc giữ mãi tính thiện lương như vậy trong cuộc đời này.

Rất muốn giúp thằng nhóc mua được vé tàu về quê sum họp cùng gia đình dịp Tết này, tôi kể lại câu chuyện trên Facebook của mình và mong mọi người có thể tìm vé giùm.

Ngàn lần bất ngờ, câu chuyện nhỏ đã gây cho mọi người rất nhiều xúc động về nghĩa cử của thằng nhóc. Đặc biệt, sếp tôi còn thông báo nhờ người mua vé giùm cho thằng nhóc và tiền sếp trả. Nhiều người bạn khác của tôi cũng chia sẻ bằng cả tấm lòng với thằng nhóc ngoan ấy.

Xã hội đâu phải chỉ toàn là người xấu, mạng xã hội đâu phải chỉ toàn tiêu cực. Những tấm lòng tử tế luôn luôn ở xung quanh và sưởi ấm trái tim ta…

CẨM TÚ

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/thang-be-tong-xe-hen-lanh-luong-se-mang-tien-den-tra-802381.html