Tháng bảy ở Hàng Dương...
Tháng bảy về, Côn Đảo mưa tầm tã. Chúng tôi có mặt ở Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng kiên trung, xúc động chứng kiến dòng người đội mưa, đặt những nén hương, những bông hoa trắng tinh khôi lên các mộ phần, thành kính bái vọng, tri ân...
Cuộc gặp sau nửa đời người
Trong khói hương trầm mặc, trong hàng ngàn lời khấn cầu, tri ân, cảm tạ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống nơi đây, tiếng khóc nấc nghẹn của bà Võ Thị Anh khiến ai cũng xót xa: “Anh Hai, hơn năm mươi năm rồi, cuối cùng em đã gặp được anh”.
51 năm - bà Võ Thị Anh (sinh năm 1959, ngụ TPHCM) không có điều kiện ra Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương để tìm mộ anh trai, chỉ biết anh bị địch thủ tiêu vào năm 1973 ở nhà tù Côn Đảo. Mỗi lần làm giỗ cho anh, bà cùng gia đình chỉ có thể thắp hương, gọi tên qua bàn thờ nhỏ.
Từ ngày nhận tin mình là thân nhân liệt sĩ duy nhất đi cùng đoàn công tác của TPHCM ra viếng Nghĩa trang Hàng Dương, bà Võ Thị Anh không tài nào ngủ được. Bà thắp hương cho tổ tiên, cho ba má, cầu cho chuyến đi được diễn ra thuận lợi. Sau bao chờ đợi, sáng ngày 21-7-2024, bà đã được gặp và ôm lấy mộ phần anh mình - liệt sĩ Võ Công Tiến (1953-1973).
“Em được Đảng, Nhà nước, TPHCM tạo điều kiện cho ra thăm Hai (anh Hai - PV) nè. Hai có nhớ gia đình mình không Hai? Má mất rồi, chị ba, em trai cũng mất rồi, giờ nhà còn 3 chị em thôi. Em giờ đã có cháu nội, cháu ngoại… 51 năm rồi, Hai có nghe được em nói không Hai?”, bà Anh nghẹn ngào, tâm sự trước mộ anh trai.
Năm 1969, trong một lần hoạt động cách mạng bị lộ, anh trai bà Anh bị bắt. Thời gian đầu, anh trai bà bị nhốt ở trại giam Chí Hòa, rồi bị đày ra Côn Đảo. Năm 1973 - cũng là năm trao trả tù binh theo Hiệp định Paris, gia đình nhận tin báo tử. Khi đó, liệt sĩ Võ Công Tiến vừa tròn hai mươi tuổi.
Gia đình bà Anh đã nhận một nỗi đau quá lớn. Từ đó, mẹ của bà quyết tâm nuôi giấu chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Bản thân bà khi ấy mới 13, 14 tuổi cũng xung phong làm giao liên và được bộ đội tạo điều kiện cho đi học.
“Con cái ăn uống rất cực khổ nhưng có bao nhiêu tiền là má mua gạo, mua mắm, mua muối gửi cho bộ đội. Sau này, các anh chị năm xưa được má nuôi đều chăm lo cho má chu đáo”, bà Anh khóc òa.
Mộ phần của liệt sĩ Võ Công Tiến nằm ở khu C, cạnh bờ hồ xanh ngát, xung quanh có đồng đội quây quần. Bà Anh đứng trước mộ anh trai rất lâu, từ khi mờ sáng, trong màn mưa, tay đặt lên ngôi sao vàng khắc trên bia đá. Dù mưa, gió thổi, nhưng hương trên mộ anh trai bà vẫn cháy, như tình cảm đáp lại của người liệt sĩ trẻ dành cho em gái…
Trở lại “địa ngục trần gian”
Thắp xong nén hương cho những người đồng chí, đồng đội, ông Trần Văn Đúng, cựu tù chính trị từng bị địch giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, run run bấu vào tay áo người đồng đội kế bên. Năm 1964, ông Đúng bị đưa ra nhà tù Côn Đảo, gần 11 năm sau - năm 1975 ông mới được trở về.
“Phòng giam chật hẹp, cửa đóng kín, muỗi bâu đầy tường, không khí đen cùi đen kịt. Chuồng cọp là địa ngục của địa ngục. Anh em bị tra tấn dã man”, ông Đúng nhớ lại, mắt đỏ hoe.
Nhà tù Côn Đảo là nơi kẻ địch áp dụng nhiều thủ đoạn thâm độc và tàn bạo nhất. Những người tù bị hành hạ, chết dần chết mòn trong các chuồng cọp, xà lim. Ông Đúng kể, 3 tháng tàu sẽ ra Côn Đảo một lần để chở tù binh kết hợp chở thực phẩm. Với thực phẩm khô, chỉ có tháng đầu là ăn được, sang tháng thứ 2, thứ 3 đã đắng như ký ninh (một loại cây thuốc, vị rất đắng - PV); với thực phẩm tươi, để sang tháng thứ 2 đã ôi, chua.
Trong không gian tối tăm, chật hẹp, những người tù chính trị bị tra tấn, hành hạ dã man nhưng vẫn không chịu khuất phục. Giây phút được trở về với cách mạng, với gia đình, với nhân dân từ nhà tù Côn Đảo trở thành hồi ức đáng nhớ và xúc động nhất trong cuộc đời ông Đúng.
Tuy nhiên, ngày trở lại Côn Đảo của ông Đúng không chỉ có nỗi đau và nước mắt nhớ thương đồng đội. Ông vui vì Côn Đảo giờ đây đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, cũng đặc biệt vui mừng vì thấy thế hệ trẻ đã biết đến đây, tỏ lòng tri ân, nhớ ơn những người đã ngã xuống.
Năm nay 72 tuổi, cựu tù chính trị Côn Đảo, nhà báo Trịnh Phi Long đã trở lại Nghĩa trang Hàng Dương không biết bao nhiêu lần để vừa thăm đồng đội, vừa tìm hài cốt mộ liệt sĩ chưa biết thông tin.
Ông Long là chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Năm 1969, một tuần sau khi dự lễ truy điệu Bác Hồ, ông bị địch bắt. Chúng bắt ông hô khẩu hiệu đả đảo Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát... nhưng ông không hô nên bị đưa vào xà lim, rồi bị đưa về trại giam Chí Hòa.
Tháng 4-1971, ông Long bị đưa ra nhà tù Côn Đảo. Do hưởng ứng chống chào cờ, ông bị đưa vào chuồng cọp kiểu Pháp (nổi tiếng tra tấn tàn ác nhất lúc này). Sau đó, ông bị đưa qua nhiều nhà tù với độc bộ quần áo mặc 5, 6 tháng, ngày nóng, đêm nằm co ro...
Năm 1973, thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Paris, địch lên kế hoạch tráo án tù chính trị thành thường án để không trao trả. Biết âm mưu này, các tù chính trị, trong đó có ông Long, đã đấu tranh chống lăn tay, làm hỏng bản án. Chúng lại đưa ông xuống chuồng cọp kiểu Mỹ, loại cực kỳ nhỏ và bí.
Các cuộc trao trả diễn ra nhiều đợt tại các địa điểm khác nhau, trong đó hai địa điểm trao trả lớn nhất là sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) và sân bay Lộc Ninh (nay thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Ông được trao trả ở Lộc Ninh, nhưng gặp trục trặc nên bị giam 6 tháng ở trại tù binh Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Ở đây, ông kể: “cỏ cũng không có mà ăn, hồi đó mà nhổ được bụi cỏ mần trầu rửa sạch, ăn nó ngọt như dưa leo bây giờ”.
Trong cuốn “Một thời làm báo” do Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản, nhà báo Trịnh Phi Long có bài “Giáo dục truyền thống qua các di tích lịch sử cách mạng ở Côn Đảo là điều rất cần thiết và quan trọng”. Từ cuốn sách ra đến đời thực, ông nhìn hàng dài người đội mưa thắp hương cho những ngôi mộ có tên và chưa có thông tin, cảm thấy lòng ấm áp trong những ngày cận kề kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thang-bay-o-hang-duong-post750714.html